Nhưng không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ biết cư xử có văn hóa. Việc giáo dục trẻ lễ phép, lịch sự và ứng xử đúng mực với người khác ngay từ nhỏ sẽ giúp con bạn phát triển và hoàn thiện về nhân cách.
Buồn phiền vì con thiếu lịch sự
Ứng xử lịch sự là những lời nói, hành động của con người với mọi thứ xung quanh. Điều này mang lại cho người đối diện có cảm giác được tôn trọng và thoải mái. Vì vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên dạy chúng biết nhận thức và ứng xử với từng tình huống cụ thể. Bởi vì nếu bỏ lỡ giai đoạn khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ sẽ khó khăn hơn trong việc uốn nắn con cái.
Chị Trần Ngọc Linh ở (Xuân Thủy, Cầu Giấy) tâm sự: Chị vẫn rất xấu hổ khi nhớ lại dịp mới đây đưa con trai lên 9 tuổi đi mua sắm tại siêu thị. Sau khi hai mẹ con đã chọn đủ các món hàng cần thiết, đến quầy đồ chơi cu cậu muốn được mua chiếc ô tô điều khiển. Lúc đó trên kệ còn hai chiếc ô tô, mà một chiếc màu đỏ đã có một bé trai nhỏ tuổi hơn con chị chọn. Thấy thế, con trai chị bèn xông vào giằng co và đẩy cậu bé đó ngã…
Thấy vậy cả hai người mẹ cùng chạy lại. Con chị thì vẫn còn đỏ mặt tía tai, trong khi cậu bé kia bị xô ngã phủi quần áo đứng dậy tiến về phía con trai chị nói: “Nếu bạn thích như vậy tôi sẽ nhường bạn. Nhưng lần sau bạn đừng tranh giành với người khác nữa xấu lắm!”.
Chị khựng lại chợt nhận ra cách giáo dục con bấy lâu nay của mình chưa ổn. Vì cả nhà có mỗi mình cu cậu nên mặc nhiên mọi thứ con trai chị muốn thì đều được đáp ứng, cho nên cháu luôn hiếu thắng và thường hành động theo ý muốn của mình mà không suy xét tới những người xung quanh.
Không ít phụ huynh trên các mạng xã hội cũng buồn phiền về việc con cái mình có cách ứng xử không được lịch sự: Ví như không biết chào hỏi đúng cách với những người lạ mới gặp lần đầu, hoặc lại rất ngượng ngùng khi phải nói lời cám ơn hay xin lỗi khi được người khác giúp đỡ hoặc đã trót làm phiền người khác.
Có một người mẹ có nick là phuongha80 còn kể rằng: Giờ thì chị rất ngại ngần khi cho con xuất hiện cùng với mình trong những cuộc gặp gỡ thân mật giữa bạn bè và những người thân. Bởi con gái chị mặc dù đã học cấp hai nhưng vẫn chưa có ý thức cư xử một cách tế nhị. Ngồi vào bàn ăn cháu thường chỉ ăn những thứ mình thích mà không biết để ý tới mọi người.
Chị biết điều này không hẳn do lỗi của con gái, vì trước tới giờ ở nhà cháu thường được người khác nhường nhịn trong sinh hoạt cũng như ăn uống. Đến khi chị nhận ra và góp ý cho con, nhưng thói quen đã thành nếp thành ra cũng khó sửa.
Nên uốn nắn trẻ ngay từ nhỏ
Hành động lịch sự là một cách sống tốt, lịch sự làm cho con người ta trở nên khôn khéo và thận trọng trong mọi việc. Việc ứng xử lịch sự cần phải được dạy dỗ từ nhỏ và được ứng dụng vào trong thực tiễn. Điều này sẽ làm cho trẻ có thói quen cho đến khi lớn lên. Theo chuyên gia tư vấn Trịnh Thu Hà, Trung tâm tư vấn Linh Tâm (Hà Nội), thì việc giáo dục con ứng xử không phải ngày một ngày hai, và bạn cần phải thực hiện nó từ từ.
Mỗi tháng hãy giới thiệu một kỹ năng xã hội mới, ngay từ khi trẻ nhận thức và biết nói, bạn hãy dạy con cách chào hỏi, cách cúi đầu… từng ngày bài học ấy sẽ tăng lên, cấp độ sẽ khác nhau, bạn hãy luôn làm mẫu để trẻ nhìn và làm theo. Nên nhớ ở giai đoạn này, bất kì lời nói hay hành động của bạn đều ảnh hưởng đến tâm trí của trẻ. Khi trẻ lớn hơn một chút hãy dạy cho trẻ biết nhận thức những gì nên làm và không nên làm đối với những người xung quanh mình như biết nói năng lễ độ, nhường nhịn, biết cảm ơn và xin lỗi…
Giáo dục cách cư xử có văn hóa cho trẻ đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian thực hành và củng cố. Do đó, bạn luôn có những lời động viên con bạn mỗi khi chúng hành xử tốt hoặc nhắc nhở uốn nắn khi trẻ trót phạm sai lầm. Trẻ sẽ nhớ lâu và thực hiện tốt hơn nếu cha mẹ và những người lớn giải thích cho trẻ biết tại sao phải lịch sự: Trẻ không chú ý phép xã giao nếu như không hiểu tầm quan trọng của nó.
Hãy nói rằng nếu con đối xử không tốt với mọi người xung quanh thì họ sẽ không yêu thích, không muốn chơi chung nữa. Như thế, con sẽ rất buồn chán.