Lưu ý từ đề tham khảo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 3 kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thay cho thi THPT quốc gia, đây là năm đề tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố sớm nhất...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Cụ thể là sớm hơn 1 tháng so với năm 2021, 2021 và sớm hơn 2 tháng so với năm 2020.

Cùng với hoạt động dạy học đã trở lại bình thường sau đại dịch, điều này có thể coi là một thuận lợi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Trước mỗi kỳ thi quan trọng, đề tham khảo luôn là mong đợi của nhà trường, giáo viên, học sinh. Bởi bám sát các yêu cầu của đề thi, từ cấu trúc, kiến thức, kỹ năng, giáo viên chủ động hơn trong định hướng dạy, ôn tập, phân hóa người học để bồi dưỡng, củng cố, trau dồi kiến thức phù hợp; việc soạn tài liệu ôn tập sẽ bám sát nội dung và mức độ yêu cầu của đề thi tốt nghiệp.

Đề tham khảo cũng giúp học sinh đánh giá được kiến thức của mình, phần nào mạnh, yếu để lên kế hoạch học, ôn tập hiệu quả. Các em đồng thời được làm quen với cách trình bày, câu từ và cách sắp xếp thứ tự các câu hỏi trong đề thi, từ đó tự tin, chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Sau khi đề tham khảo được công bố, nhiều nhà giáo đã phân tích, đánh giá và có chung nhận định về tính ổn định của đề. Nội dung kiến thức trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12; các mức độ kiến thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) phù hợp với tính chất Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa phù hợp… Sự ổn định này đem lại cảm giác an toàn, giúp học sinh, giáo viên yên tâm, việc ôn tập không bị xáo trộn.

Thông thường, sau khi có đề tham khảo, việc phân tích cấu trúc đề thi được tổ chuyên môn tại các trường nhanh chóng thực hiện nhằm xác định ma trận kiến thức để định hướng nội dung, điều chỉnh tài liệu ôn tập và lựa chọn phương pháp ôn tập, hướng dẫn học sinh tự học phù hợp. Có nơi còn tổ chức cho học sinh thi thử bằng đề tham khảo để làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử.

Việc có đề tham khảo là thuận lợi, tuy nhiên nên tránh sử dụng đề một cách máy móc trong giảng dạy, ôn tập. Trên thực tế, có trường hợp thầy cô, học sinh chỉ tập trung vào các dạng đề tương tự đề tham khảo theo thói quen “thi gì học nấy”; hoặc chủ quan, học tủ sau khi loại trừ đơn vị kiến thức/nội dung có trong đề. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy học nói chung, chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng. Bởi vậy, cần đặc biệt lưu ý “không nên chỉ ôn các dạng bài, nội dung kiến thức xuất hiện trong đề”.

Bên cạnh đó, năm nay, với sự xuất hiện ngày càng phong phú, đa dạng các phương thức tuyển sinh, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, có thể chỉ tiêu nhiều trường đại học dành cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ cạnh tranh với thí sinh tham gia phương thức này sẽ tăng lên.

Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đại học, nhất là trường tốp đầu, thí sinh cần có kế hoạch học tập nghiêm túc, chuẩn bị kỹ càng. Lời khuyên của nhiều thầy cô là không chỉ nắm vững các kiến thức cơ bản, sĩ tử cần rèn luyện kỹ năng phân tích, tư duy giải quyết vấn đề, tìm tòi và mở rộng hiểu biết về các ứng dụng thực tế để đạt được kết quả cao trong kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?