Lưu ý làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

GD&TĐ - Cô Lê Hải Châu, Tổ phó tổ Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý học sinh khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Trước khi lưu ý về cách làm bài, cô Lê Hải Châu hệ thống thể loại và kiểu văn bản trong chương trình THPT Ngữ văn như sau:

Lớp
Thể loại/Tiểu loại
Kiểu văn bản
10
- Thơ
- Truyện
- Kịch
- Thơ nói chung
- Thần thoại, sử thi, truyện
- Chèo, tuồng
- Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
- Văn bản thông tin
11
- Thơ
- Truyện

- Kí
- Kịch
- Thơ và thơ có yếu tố tượng trưng
- Truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm, truyện ngắn hiện đại
- Tùy bút, tản văn, truyện kí
- Bi kịch
- Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
- Văn bản thông tin
12
- Thơ

- Truyện

- Kí
- Kịch
- Thơ trữ tình hiện đại có yếu tố biểu tượng, tượng trưng, siêu thực
- Truyện truyền kì, tiểu thuyết, truyện hiện đại/hậu hiện đại
- Phóng sự, hồi kí, nhật kí
- Hài kịch
- Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
- Văn bản thông tin tổng hợp

Lưu ý làm bài phần Đọc hiểu

Phần Đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn bao gồm 5 câu hỏi, được chia thành 3 cấp độ:

Cấp độ nhận biết thường xuất hiện từ lệnh như: nêu, chỉ ra, kể lại, xác định… Khi trả lời, học sinh lưu ý đọc lướt văn bản và trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ngắn gọn, thông tin cần chính xác

Cấp độ thông hiểu thường xuất hiện từ lệnh như: phân tích, phân loại, so sánh, giải thích, tóm tắt, nhận xét… Khi trả lời, học sinh lưu ý đọc kỹ văn bản; trả lời trực tiếp vào yêu cầu của đề; lựa chọn từ ngữ/câu văn chính xác trong ngữ liệu và đưa ra được quan điểm riêng của người tiếp nhận.

Cấp độ vận dụng thường xuất hiện từ lệnh như: rút ra, liên hệ, cảm nhận…Khi trả lời, học sinh lưu ý: Suy ngẫm, đánh giá khái quát văn bản, rút ra giá trị văn bản mang lại…; cần trả lời trong khoảng 5-7 câu và nêu được ý kiến/quan điểm của cá nhân.

co-le-hai-chau-gv-ngu-van.jpg
Cô Lê Hải Châu.

Lưu ý khi làm phần Viết

Phần Viết trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn được chia thành 2 câu hỏi liên quan đến nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Nghị luận xã hội có 2 dạng thường gặp. Dạng 1, nghị luận về một vấn đề xã hội. Dạng 2, nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu.

Cô Lê Hải Châu lưu ý, khi viết bài văn nghị luận xã hội, học sinh cần đảm bảo 5 bước sau: Giới thiệu vấn đề; giải thích vấn đề; phân tích+chứng minh vấn đề; lật ngược vấn đề; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Nghị luận văn học, đề thi thường xoay quanh 3 dạng chủ yếu: Phân tích, đánh giá một tác phẩm/đoạn trích văn học; so sánh hai tác phẩm/đoạn trích văn học; phân tích làm rõ một đặc điểm thể loại của tác phẩm văn học.

Cô Lê Hải Châu lưu ý khi viết bài văn nghị luận văn học như sau:

Dạng 1: Phân tích, đánh giá một tác phẩm/đoạn trích văn học. Ở dạng này, cô Lê Hải Châu cho rằng, phần thân bài học sinh cần lưu ý phân tích tác phẩm đoạn trích theo đặc trưng thể loại.

Ví dụ: Thơ, tập trung phân tích hình tượng nghệ thuật, tâm trạng và tư tưởng của nhân vật trữ tình, kết cấu của văn bản… Truyện tập trung tóm tắt truyện, phân tích nhân vật thông qua hệ thống tình huống, sự kiện, chi tiết tiêu biểu, nghệ thuật kể chuyện… Kí, tập trung phân tích đặc điểm đối tượng được ghi chép, tình cảm, cảm xúc và suy tư của tác giả dành cho đối tượng được ghi chép...

Dạng 2: So sánh hai tác phẩm/đoạn trích văn học. Dạng này, cô Lê Hải Châu lưu ý khi phân tích cần chỉ ra điểm giống và khác nhau về hình thức (thể loại, những yếu tố đặc trưng của thể loại) và về nội dung (đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo, tư tưởng của tác giả). Từ đó, cần lý giải nguyên nhân dẫn đến sự giống nhau và khác nhau đó (căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, thể loại, đề tài/chủ đề, cách diễn đạt của tác giả…).

Dạng 3: Phân tích làm rõ một đặc điểm thể loại của tác phẩm văn học. Dạng này, học sinh lưu ý xác định đặc điểm cần phân tích liên quan đến nội dung hay hình thức; chỉ ra biểu hiện của cụ thể của đặc điểm ấy trong tác phẩm/đoạn trích. Từ đó, đánh giá đặc điểm thể loại (đặc điểm đó tạo nên đặc sắc nào về nội dung/hình thức, giúp tác giả thể hiện tình cảm/tư tưởng nào?)

Như vậy, để hoàn thành bài thi bao gồm 2 phần với 7 câu hỏi ở các cấp độ khác nhau, học sinh nên phân chia thời gian cụ thể cho từng phần và dành khoảng 5 phút cuối giờ để đọc lại bài và điều chỉnh (nếu có).

Song song với đó, chữ viết của học sinh cần rõ ràng, không tẩy xóa (nếu sai, dùng bút gạch chéo từ đó), sử dụng một màu mực, đảm bảo đúng quy định về thể thức và dung lượng trình bày đoạn văn, bài văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ