Lưu ý khi điều trị bệnh nhiễm khuẩn Salmonella

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella gây ra, cần diệt vi khuẩn bằng kháng sinh.

Các loại thịt như thịt xay, nghiền hay băm nhỏ là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Các loại thịt như thịt xay, nghiền hay băm nhỏ là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Những thuốc kháng sinh thường dùng là chloramphenicol, ampicillin. Song, cần dùng với liều lượng thích hợp để tránh biến chứng trụy tim mạch.

Diệt vi khuẩn bằng kháng sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh nhiễm khuẩn Salmonella (ngộ độc thực phẩm) là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của ruột non, xảy ra khi vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào cơ thể.

Hầu hết, các trường hợp ngộ độc nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp nặng hơn, người bị ngộ độc cần phải được cấp cứu. Trong một số trường hợp, tình trạng tiêu chảy do nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây mất nước nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế kịp thời để tránh tử vong. Các biến chứng có nguy cơ đe dọa tính mạng cũng có thể phát triển nếu tình trạng nhiễm trùng lan ra ngoài ruột.

“Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm Salmonella thường xuất hiện trong vòng 8 - 72 giờ sau khi ăn hoặc uống nước bị nhiễm Salmonella. Các triệu chứng điển hình trong giai đoạn cấp tính bao gồm: Đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, dấu hiệu mất nước (như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và mệt rã người). Đôi khi phân cũng có thể có máu. Trẻ em có thể bị mất nước nghiêm trọng chỉ trong 1 ngày và đe dọa đến tính mạng”, PGS Nga cảnh báo.

Chuyên gia này cho biết, khi bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella gây ra, cần diệt vi khuẩn bằng kháng sinh. Những thuốc kháng sinh thường dùng là chloramphenicol, ampicillin. Song, cần dùng với liều lượng thích hợp để tránh biến chứng trụy tim mạch.

Bởi, thuốc diệt vi khuẩn làm giải phóng ra quá nhiều nội độc tố. Tuy nhiên, ngày nay cũng đã xuất hiện những chủng Salmonella đề kháng với các kháng sinh trên. Vì vậy, cần làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp.

Các chuyên gia sức khỏe ước tính mỗi năm trên toàn thế giới, có hàng chục triệu trường hợp được báo cáo. Trẻ em có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn Salmonella hơn người lớn. Người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch yếu có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh. Thực tế, Salmonella gây nhiễm trùng đường ruột là loại vi khuẩn thường sống trong ruột của động vật và người, được thải ra ngoài môi trường qua phân.

Vi khuẩn có thể thâm nhập qua vỏ trứng

PGS Nga cho biết, vi khuẩn Salmonella thường có trong thực phẩm tươi sống, chưa được nấu hoặc không tiệt trùng đúng cách. Ngoài ra, Salmonella cũng có thể nhiễm vào các thực phẩm nấu chín nhưng để lâu trong môi trường bị ô nhiễm có nhiều ruồi nhặng bâu vào. Người chế biến thức ăn thường làm ô nhiễm thực phẩm khi không rửa tay hoặc rửa tay không đúng cách.

Ngoài ra, Salmonella có thể gây ô nhiễm bằng cách thâm nhập qua vỏ trứng. Thịt cũng có thể bị nhiễm Salmonella do nước, dụng cụ chứa đựng, ruồi, chuột trong quá trình mổ, vận chuyển chế biến và bảo quản. Các loại thịt như thịt xay, nghiền hay băm nhỏ là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thực phẩm nguội ăn ngay hoặc thực phẩm chế biến trước quá lâu, khi ăn không đun lại cũng là các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Salmonella, cần rửa trái cây và rau dưới vòi nước chảy, rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm. Vệ sinh dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn cũng như không gian nhà bếp định kỳ. Không ăn tiết canh, thịt tái.

“Thức ăn để dành cần nấu chín, để nguội và sau đó cho vào tủ lạnh ngay, tối đa là trong vòng 4 giờ đồng hồ sau khi nấu xong. Đun sôi thức ăn trước khi ăn là biện pháp tốt nhất. Thịt đã ướp lạnh thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường.

Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt nên với các thực phẩm trong gia đình phải đun sôi ít nhất 5 phút. Tuỳ theo loại thực phẩm mà thời gian đun sôi có thể phải kéo dài hơn.Thức ăn còn thừa, thức ăn dự trữ phải đun lại trước khi ăn. Ngoài ra, thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh”, chuyên gia cho biết.

Trong chăn nuôi, cần chú ý đề phòng bệnh cho động vật. Phải kiểm tra thú y khi giết súc vật. Càng làm tốt việc này, các loại thịt đã nhiễm Salmonella càng ít có cơ hội bị bán hoặc xuất ra.

Trong khi giết thịt, phải bảo đảm tính riêng rẽ, tránh sự lây lan của vi khuẩn, chú ý tới các loại dụng cụ dùng khi giết thịt. Bảo đảm vệ sinh nơi ăn, tránh ruồi nhặng, chuột. Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống công cộng. Vệ sinh dụng cụ thường xuyên.

Đồng thời, cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ khám tuyển trước khi vào và khám định kỳ (một năm 1 lần) đối với người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nhất là thức ăn đã chín. Nếu phát hiện người có bệnh hoặc người lành mang trùng phải cho cách ly và điều trị ngay cho tới khi khỏi hoàn toàn (xét nghiệm âm tính).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.