Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình một cách hợp lí
Thầy Hồng Trí Quang cho rằng, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình một cách hợp lí, mạnh dạn cắt bỏ một số phần kiến thức chưa thực sự cấp thiết, cắt bỏ một số phần luyện tập nâng cao.
Trong tình hình học sinh bị nghỉ học thì việc điều chỉnh nội dung dạy và học là cần thiết. Có các hình thức điều chỉnh như sau:
Giảm bớt một số lượng tiết luyện tập, gộp các tiết luyện tập lại, bỏ một số tiết thực hành ngoài trời. Một số phần kiến thức chuyển sang tự học có hướng dẫn là những kiến thức rất cơ bản như: Giới thiệu công thức tính chu vi, diện tích hình tròn.
Phần kiến thức được chuyển thành khuyến khích học sinh tự đọc. Đây hoặc là những kiến thức bài học không quá ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức ở những phần sau, những lớp sau. Hoặc đó là những bài luyện tập ở mức độ cao hơn. Ví dụ như lớp 9 là phần Góc trong và góc ngoài đường tròn, Cung chứa góc.
Một mục điều chỉnh nữa là bỏ một số chứng minh tính chất, định lí. Điều này cũng nhằm mục đích giảm bớt thời gian làm việc trên lớp cho các thầy cô, không tạo áp lực chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của thầy Hồng Trí Quang thì điều này thực sự đáng tiếc bởi việc tìm hiểu định nghĩa, xây dựng tính chất, chứng minh định lí là cực kì quan trọng, rèn luyện cho học sinh thói quen tìm hiểu tận gốc vấn đề và cả tư duy phản biện. Qua những hoạt động đó, học sinh học được các kĩ năng cũng như khắc sâu hơn định nghĩa, tính chất, định lí.
“Khi xây dựng chương trình qua các năm học thì sách giáo khoa đã là một thể thống nhất, kiến thức hình thành theo đường xoáy ốc nên việc cắt gọt chỗ nào đó là rất khó. Những phần kiến thức nào không quá ảnh hưởng đến quá tình tiếp thu kiến thức mới của học sinh ở bài sau, ở những năm học sau thì khuyến khích học sinh tự đọc. Tuy nhiên những phần đó không nhiều. Việc giảm tải ở đây chủ yếu là giảm bớt thời gian làm việc trên lớp của thầy và trò, giảm bớt mức độ yêu cầu vận dụng kiến thức đó để luyện tập một số bài nâng cao.
Như vậy theo tinh thần giảm tải chúng ta có thể thấy khung kiến thức so với các năm học trước gần như không thay đổi, chỉ là mức độ yêu cầu thấp hơn. Giảm thời gian hoạt động của thầy cô và học sinh ở trên lớp” – thầy Quang nhận định.
Lưu ý với học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10
Thầy Hồng Trí Quang cho biết, theo như nội dung điều chỉnh thì phần kiến thức không dạy của lớp 9 là: Cắt hình trụ bởi một mặt phẳng, hình nón cụt. Nhưng như chúng ta biết, những đề thi năm trước vào lớp 10 của Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng không thi phần này. Như vậy phần kiến thức bỏ đi này không ảnh hưởng gì.
Một số phần điều chỉnh thành khuyến khích học sinh tự học ví dụ như Cung chứa góc thì xác suất thi vào sẽ thấp hơn, bạn có thể học nhanh qua phần này. Tuy nhiên những bạn nào muốn được điểm cao thì cũng phải học kĩ và sâu, bởi những bài nâng cao thì việc thi vào là bình thường như những phần khác.
Do đó việc điều chỉnh nội dung này gần như không thay đổi quá lớn nên lộ trình ôn của các bạn học sinh lớp 9 cũng không thay đổi nhiều, chỉ cần điều chỉnh lại các mốc thời gian theo sự điều chỉnh thời gian năm học, chọn giai đoạn tăng tốc cho phù hợp.
Tư vấn lộ trình học, các lưu ý cho học sinh trong thời gian học kì II và ôn thi vào 10, nhất là với các phần tự học, thầy Quang cho biết: Phần Tự học có hướng dẫn thuộc hai loại: 1. Kiến thức đó rất cơ bản, mang tính giới thiệu nên để học sinh tự đọc. Loại 2. Kiến thức đó không quá cần thiết để tiếp thu bài học sau hoặc năm học sau ví dụ như Góc trong và góc ngoài đường tròn, cung chứa góc.
Với loại 1, tất nhiên chúng ta phải tự học một cách nghiêm túc. Với loại 2: thường thì xác suất xuất hiện trong các kì thi thấp hơn. Tuy nhiên ta vẫn phải tự học xem nó là gì. Bởi, những kiến thức đó đều xuất hiện dưới dạng ẩn trong các bài học về sau, dù cho mình không cần biết đó là góc ngoài hay cung chứa góc.
Ví dụ: góc ngoài đường tròn thực chất là kiến thức góc nội tiếp kết hợp với góc ngoài của tam giác. Cung chứa góc sẽ xuất hiện trong dấu hiệu nhận biết tứ giác nội tiếp: hai góc ở hai đỉnh kề nhau cùng nhìn cạnh còn lại dưới hai góc bằng nhau.
Do đó mặc dù thời gian học ở lớp bị rút ngắn, kiến thức có được giảm đi nhưng để đạt được kết quả tốt thì chúng ta cần tăng cường khả năng tự học để đảm bảo đủ lượng kiến thức.
Lộ trình của chúng ta vẫn là: Nắm vững kiến thức cơ bản -> Ôn tập chuyên sâu -> Luyện đề -> Rút kinh nghiệm trong quá trình luyện đề và tự tin đi thi. Sau giai đoạn dịch này, những bạn nào biết tận dụng thời gian học hiệu quả hơn thì chắc chắn kết quả học sẽ tốt hơn. Giai đoạn bây giờ nếu bạn nào còn hổng kiến thức thì tranh thủ củng cố, còn đa số các bạn nên dành thời gian đào sâu mỗi chuyên đề.
“Các bạn có thể theo dõi chương trình học trên truyền hình địa phương, chương trình học online ở trường của các thầy cô, hoặc chọn các chương trình đào tạo online hiệu quả. Lập nên các nhóm học online để trao đổi, thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau” – thầy Quang gợi ý thêm.