Không phải đến giờ mà từ năm 1988 Lưu Quang Vũ đã… “flex” một cách sành điệu. Tất nhiên, nhà viết kịch tài hoa này không “flex” cho bản thân mà cho căn bệnh nan y của xã hội – bệnh sĩ!
Kịch bản xuất sắc
Ba lăm năm trước, Lưu Quang Vũ đã “flex” bệnh sĩ bằng một kịch bản văn học cùng tên rất ngắn gọn và dù khuôn trong xã Hùng Tâm mà gần như “khoe” được đủ kiểu sĩ ở mỗi người, mỗi lĩnh vực, mỗi mối quan hệ… không chỉ điển hình cho thời đó mà còn đến tận hôm nay.
Ban đầu, xã Hùng Tâm có tên gọi là Cà Hạ. Nhưng với mong muốn lật trang sử mới cho sự phát triển của quê hương: “thành một điển hình tiên tiến giàu có văn minh của toàn huyện, toàn tỉnh và có thể của toàn quốc”, ông Toàn Nha – Chủ tịch xã đã mạnh dạn đổi tên đồng thời chuyển đổi từ “không thảm bẹ ngô, không sọt, không phấn bảng học trò…” sang sản xuất pháo, thu mua lông gà lông vịt...
“Rạp số 1 Tràng Tiền của Nhà hát Kịch Việt Nam đang sáng đèn 4 vở kịch dàn dựng từ kịch bản tác giả Lưu Quang Vũ: “Bệnh sĩ”, “Người tốt nhà số 5”, “Nguồn sáng trong đời” và “Người trong cõi nhớ”. Riêng với vở “Bệnh sĩ”, sau những đêm “cháy vé”, sẽ mở thêm suất diễn lúc 20 giờ ngày 24/8.
Chúng tôi, những nghệ sĩ sân khấu đam mê biểu diễn và mỗi đêm là độc bản - chỉ có nghệ sĩ và khán giả. Chúng ta cùng tạo nên một không gian nghệ thuật, không có quý vị khán giả thì sẽ không có những đêm diễn như vậy” - NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Thật đáng hoan nghênh tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm ấy nếu như ông Nha đi vào thực chất, phát huy tài nguyên vốn có của quê hương.
Tuy nhiên, thực ra ông chủ tịch này tích cực phát động sản xuất pháo là vì cái thói háo danh: “Ta sẽ thắng ròn rã. Pháo Hùng Tâm phải đánh gục pháo Bình Đà, pháo Đồng Kỵ. Quan trọng là cái tiếng…” và “Đã bảo ở ta không gì bằng cái tiếng. Không có tiếng tăm gì thì buồn lắm…”.
Bắt đầu từ đó, “cái tiếng” của Hùng Tâm liên tiếp… bùng nổ – đúng kiểu trào lưu “flex” hiện nay song có không ít người thích khoe quá đà, không thực chất. Nào là, mối quan hệ giữa chủ tịch xã Toàn Nha với thư ký Văn Sửu được tâng lên “như Nguyễn Trãi phò Lê Lợi”.
Nào là, việc bổ nhiệm cán bộ toàn những chức danh chủ nhiệm kêu như chuông: Chủ nhiệm Trung tâm công nghệ; Công ty dịch vụ Thương nghiệp Hùng Tâm; Trung tâm điều phối nhân lực và sản xuất nông nghiệp; Trung tâm chăn nuôi gia súc... Nào là, cả xã Hùng Tâm cùng “diễn kịch” với đủ các thành tích “dỏm”, báo cáo trái ngược với thực tế để mời nhà văn, phóng viên về ghi hình quảng bá…
Kéo theo đó là những kiểu sĩ của các cá nhân từ ông Toàn Nha đến ông Thình, Văn Sửu, Hưng, Long… Mỗi người mỗi kiểu nhưng tựu chung lại đều là nói dối để được… sĩ diện, khoe khoang.
Đầu tiên, ở vị trí là chủ gia đình, ông Toàn Nha sĩ diện khoe cái sự nhìn xa trông rộng của mình khi cho con học hành đến nơi đến chốn mãi trên Hà Nội cùng mục tiêu con gái phải trở thành nhà khoa học còn con trai phải là nghệ sĩ dương cầm – “thế mới vẻ vang, mới bõ công tôi cho nó ăn học”.
Ở vị trí là Chủ tịch xã, để phục vụ cho việc “bung pháo” của Hùng Tâm với thành tích chăn nuôi xuất sắc trong khi đàn lợn của hợp tác xã ốm còm nhom, ông liền chỉ đạo mượn phòng học của trường tiểu học làm nơi nuôi nhốt lợn gom từ các hộ gia đình về.
Việc xây dựng trụ sở xã cũng phải trên tinh thần: “Nhì là thế nào, phải nhất. Ta đã không làm thì thôi, làm thì phải nhất, nhì coi như vứt, đúng không?”.
Người tích cực cổ súy cho tinh thần này chính là Văn Sửu. Anh ta cũng thích “nổ”, mà không phải chỉ “nổ” trong làng, xã mà còn vươn ra bên ngoài. Những “nhà văn”, ê kíp truyền hình đều do Văn Sửu thu xếp cả.
Trong báo cáo về công tác ra quân đổi mới, sau 8 tháng, anh ta tự tin thổi phồng: “Sau tám tháng phấn đấu cao độ, bung ra táo bạo, Liên hợp xã Hùng Tâm đã thu được những thắng lợi vượt bậc. Đặc biệt là những thành tích hết sức to lớn của Trung tâm công nghệ, sản xuất mặt hàng pháo Hùng Tâm.
Trung tâm chăn nuôi gia súc với đàn lợn lớn nhất huyện, Công ty dịch vụ thương nghiệp thu mua lông vịt với triển vọng xuất khẩu hết sức hùng hậu. Bên cạnh cây lúa, hoa màu, thì lợn, pháo và lông vịt là ba mũi tiến công, ba dòng thúc đẩy tiềm năng đưa Hùng Tâm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, xứng đáng là một điển hình năng động của toàn huyện và toàn quốc…”.
Cùng với đó, vừa nghe cô Nhàn – bạn anh Hưng kể chuyện anh ấy là thuyền trưởng lái tàu thì Văn Sửu liền “bùng nổ”: “Vôtscô ngày nay là nhất đấy bác ạ. Nhất trên bậc thang danh vọng, trong xã hội không nghề gì sang trọng bằng. Còn hơn cả phi công, hơn cả lái tàu vũ trụ…”.
Ngay cả ông Thình vốn chất phác, đôn hậu cũng bị cuốn theo, dù sớm phát hiện ra Hưng chỉ là người lái tàu chạy trên kênh rạch bình thường nhưng vẫn bắt cháu mình tiếp tục diễn nốt vai kịch dang dở…
Rồi ông Độp chuyên hoạn lợn lôi thôi lếch thếch khi được phong là Chủ nhiệm Trung tâm Triệt sản gia súc Hùng Tâm cũng phải làm đẹp hình ảnh: “…bây giờ làm ăn phải tân tiến khoa học. Trăm mắt người ta nhìn vào. Ngay cả ăn mặc cũng không được lôi thôi lếch thếch như thế kia nữa. Phải ăn mặc sao cho ra mình là người làm khoa học…”.
Cứ thế, cả xã Hùng Tâm bị cuốn vào “cơn lốc” bệnh sĩ, háo danh toàn những khoe khoang, khuếch trương bằng việc tích cực… nói dối để rồi phải chuốc những hậu quả đến tức cười.
Điển hình là tinh thần “bung pháo”, ông Toàn Nha phải cấp cứu vì bỏng xém mặt từ chính… pháo. Có thể thấy, Lưu Quang Vũ “cao tay” trong việc tạo các tình huống kịch để “flex” căn bệnh nan y - bệnh sĩ - vẫn bám sâu trong đời sống xã hội không chỉ ở xã Hùng Tâm trong thời điểm đổi mới ấy.
Dù rất đời thường, đơn giản, gần gũi, hài hước nhưng chúng luôn sâu cay, thuyết phục, thấm thía, thời sự. Chẳng thế mà, cảnh 1 của kịch bản được trích dẫn làm học liệu trong sách giáo khoa “Tiếng Việt 8” tập 1, bộ sách Cánh Diều.
Trong tình yêu cũng có… bệnh sĩ. Ảnh: Bình Thanh. |
Biểu diễn cuốn hút
Đã gần 10 năm được dàn dựng lại và ra mắt, vở kịch “Bệnh sĩ” (tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Tuấn Hải, cố vấn nghệ thuật: NSND Đình Quang, biểu diễn: Nhà hát Kịch Việt Nam) vẫn không thôi hấp dẫn khán giả khi những buổi diễn thường “cháy vé” trước cả tuần.
Nhất là, nỗi phấp phỏng về khán giả cùng câu cửa miệng “chỉ thấy người già đến với sân khấu” dường như không dành cho “Bệnh sĩ” vì phần lớn người đến thưởng thức vở kịch đều ở độ tuổi trung và thanh niên, thậm chí cả thiếu niên. Mọi lứa tuổi cùng đến rạp hát số 1 Tràng Tiền để cười với “Bệnh sĩ” để rồi thầm nhắc: “Ừ nhỉ, bệnh này đâu của riêng ai!”.
Kỷ niệm 35 năm ngày đi xa của tác giả Lưu Quang Vũ, vở kịch “Bệnh sĩ” không thể thiếu trong kịch mục biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam và trở thành vở kịch có nhiều suất diễn nhất, được bắt đầu từ cuối tháng 7 và luôn kín rạp.
Để có thể được khán giả luôn yêu mến và đón nhận như thế, bên cạnh việc có một kịch bản văn học vừa rành mạch, khúc chiết về tình huống kịch vừa có những câu thoại mang tính khái quát cao và rất sâu cay, thấm thía thì còn phải kể đến lối diễn xuất cuốn hút của các nghệ sĩ.
Ngoài NSƯT Xuân Bắc vẫn “đóng đinh” vai thư ký Văn Sửu suốt gần 10 năm qua, các suất diễn luôn có sự đổi vai với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Việt Thắng; các NSƯT Phú Đôn, Dũng Nam, Đình Chiến; nghệ sĩ Ngân Hoa, Thế Nguyên, Ngô Thuận…
Bằng lối diễn tự nhiên, hài hước, khéo léo kẻ tung, người hứng, thậm chí còn khéo léo tương tác với khán giả, mỗi đêm diễn vở kịch “Bệnh sĩ” thực sự trở thành món quà nghệ thuật thú vị.
Khán giả gần như không ngớt được tiếng cười, khi thì vì tình huống kịch, lúc lại vì câu thoại và nhất là sự nhập vai của các nhân vật. Nhất là, cứ hễ thư ký Văn Sửu hay ông chủ tịch xã Toàn Nha (NSND Việt Thắng) xuất hiện rồi đối đáp là khán giả được phen cười ngả nghiêng.
Lớp diễn bổ nhiệm chức vụ đặc sắc trong vở kịch 'Bệnh sĩ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh. |
Cũng dễ nhận thấy lời thoại của vở kịch được biên tập và bổ sung thêm theo hướng cập nhật các vấn đề đang được xã hội quan tâm, kiểu như: “Càng nghèo càng khó khăn càng cần tiếng nổ to”, “làm nghệ thuật bây giờ phải ép, không ép chúng nó không chịu làm nghệ thuật”…
Anh Văn Sửu có câu cửa miệng “Chính” cũng thật hài hước, dí dỏm. Tuy nhiên, đôi khi có những tình huống bổ sung hơi quá đà, dung tục. Như ở tình huống đặt tên cho trung tâm ông Độp quản lý, thư ký Văn Sửu đã đưa ra lời thoại khá khiếm nhã...
Ngoài ra, có những tình tiết được vở diễn khuếch trương mà trong kịch bản chỉ lướt qua như tình tiết thu mua lông gà, lông vịt. Cả một lớp diễn anh Văn Sửu hướng dẫn các cô gái trong xã Hùng Tâm cất tiếng rao hỏi mua lông gà, lông vịt đã đem đến cho khán giả giây phút giải trí sảng khoái…
Có một điều thú vị nữa là ngay khi kết thúc màn diễn cuối cùng, thư ký Văn Sửu - NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, diện nguyên trang phục vai diễn và chia sẻ cảm xúc của mình vì thấy gần 200 chỗ của rạp số 1 Tràng Tiền được phủ kín.
“Đây là điều không dễ khi khán giả hôm nay dễ dàng lựa chọn những hình thức giải trí khác hấp dẫn hơn như đến rạp xem phim, đi nghe ca nhạc, hoặc giải trí tại nhà qua truyền hình, mạng xã hội… Vậy nên, được khán giả quan tâm sẽ càng thổi bùng ngọn lửa đam mê, cống hiến với nghệ thuật trong mỗi nghệ sĩ.
Chúng tôi rất muốn chia sẻ cảm xúc của mình, và lắng nghe góp ý của quý vị - những người giúp chúng tôi có thêm động lực, có thêm niềm tin yêu đối với con đường mình đã chọn: Làm nghệ thuật chân chính và biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật thực sự”, NSƯT Xuân Bắc bày tỏ.
Nhưng có lẽ, từ thắng lợi này của “Bệnh sĩ” nên chăng Nhà hát Kịch Việt Nam nghĩ đến chặng đường xa hơn – nối tiếp các vở diễn mới về “Bệnh sĩ” – song không chỉ là kịch bản của Lưu Quang Vũ được viết cách đây 35 năm mà là đặt hàng kịch bản mới về bệnh sĩ của câu chuyện, bối cảnh, con người hôm nay?
Đêm thơ nhạc kịch “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” vừa được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm năm sinh Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Bên cạnh những áng thơ còn mãi với thời gian của cặp đôi thi nhân, sân khấu Lucteam biểu diễn trích đoạn vở kịch “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” theo phong cách biểu diễn – ước lệ khá thú vị từ đó tiếp tục gieo vào lòng công chúng hôm nay những ngẫm suy về vấn đề giả trá, quan liêu và bi kịch nhân sinh…