Lupus ban đỏ không gây vô sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không ít người đặt ra câu hỏi rằng, liệu người mắc bệnh lupus ban đỏ có sinh con được không.

Người bệnh cần được dùng thuốc ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, tránh nguy cơ sinh non. Ảnh minh họa
Người bệnh cần được dùng thuốc ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, tránh nguy cơ sinh non. Ảnh minh họa

Lupus ban đỏ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh, song bệnh không ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản của phụ nữ, đồng thời, bệnh cũng không gây vô sinh.

Những lưu ý đặc biệt

Không ít người đặt ra câu hỏi rằng, liệu người mắc bệnh lupus ban đỏ có sinh con được không. Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BSCKI Trần Thị Thanh Tú - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - cho biết, bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể mang thai và sinh nở. Người bệnh vẫn hoàn toàn có thể làm mẹ.

“Tuy nhiên, nếu chẳng may có bệnh và chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, chị em phụ nữ cần phải đặc biệt chú ý. Đồng thời, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn an toàn”, bác sĩ Thanh Tú khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, phụ nữ mang thai bị lupus có nguy cơ mắc một số biến chứng thai kỳ cao hơn so với phụ nữ không bị lupus. Tình trạng bệnh có thể bùng phát khi mang thai và thường xảy ra ở tam cá nguyệt đầu tiên hoặc thứ hai. Do đó, người bệnh cần được dùng thuốc ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, tránh nguy cơ sinh non.

Nếu cảm nhận được các dấu hiệu cảnh báo của đợt bùng phát lupus, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ. Ngoài ra, cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể.

Các thống kê cho thấy, có khoảng 2/10 phụ nữ mang thai mắc bệnh lupus bị tiền sản giật, nhất là khi sản phụ có tiền sử bệnh thận. Do đó, nếu xuất hiện tình trạng tăng cân đột ngột, sưng tay và mặt, mờ mắt, chóng mặt hoặc đau dạ dày, sản phụ cần đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.

Người bệnh cần thăm khám theo lịch và thông báo với bác sĩ về việc bản thân đang dùng thuốc điều trị. Nguyên nhân được giải thích là mang thai có thể làm tăng nguy cơ bùng phát lupus ban đỏ.

Theo bác sĩ Thanh Tú, bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Trong đó, các thống kê chỉ ra rằng, khoảng 1/3 phụ nữ mắc bệnh lupus chứa các kháng thể có thể gây ra triệu chứng giống như trẻ có bệnh lupus khi được sinh ra. Đây được gọi là Hội chứng lupus sơ sinh.

Các triệu chứng có thể bao gồm phát ban trên da, số lượng máu bất thường. Đôi khi, triệu chứng còn bao gồm hiện tượng nhịp tim bất thường. Tuy nhiên, đây không phải là lupus ban đỏ hệ thống. Ở những trẻ sơ sinh không bị nhịp tim bất thường, tất cả các triệu chứng của bệnh lupus thường sẽ hết khi được 3 - 6 tháng tuổi.

Với những trẻ bị bất thường nhịp tim, việc điều trị sẽ được thực hiện sau khi bé chào đời. Ngoài ra, nếu người mẹ bị bệnh lupus ban đỏ khi mang thai, thai nhi có thể đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển, dễ bị chết lưu hoặc sinh non…

Lý do là vì trong quá trình mang thai, chất dinh dưỡng bị cản trở bởi kháng thể làm sinh ra các cục máu đông. Từ đó, khiến nhau thai không thể cung cấp dưỡng chất cho thai nhi như bình thường.

Nguy cơ sảy thai

Theo một nghiên cứu trên 88 bệnh nhân lupus mang thai điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng (Hà Nội) do các bác sĩ Đại học Y Hà Nội thực hiện, tỷ lệ tăng huyết áp và thiếu máu của các sản phụ mắc lupus khi vào viện lần lượt là 25% và 60,2%; sinh non 50%; sinh đủ tháng 15,91%, thai lưu 18,18%; 48,3% thai chậm phát triển trong tử cung, tử vong trong năm đầu 5%.

Bệnh lupus ban đỏ thường xảy ra ở hai tam cá nguyệt đầu của thai kỳ. Nếu mang thai, người mẹ có thể đối mặt với nguy cơ sảy thai. Khi đó, máu đông làm cản trở sự phát triển của thai nhi.

Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc các kháng thể kháng phospholipid. Nếu tìm thấy kháng thể này, thai phụ sẽ được kê thuốc làm loãng máu. Nhờ đó, giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, đề phòng nguy cơ sảy thai.

Khi mắc lupus ban đỏ, sản phụ cũng có thể phải sinh sớm. Lý do là vì nhau thai không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Từ đó, khiến sự phát triển của em bé bị chậm lại.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mẹ phải chấm dứt thai kỳ sớm hơn. Các em bé phải chào đời sớm bằng phương pháp sinh mổ và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất, trí tuệ về sau.

Bên cạnh đó, tiền sản giật là tình trạng xảy ra ở 1/5 phụ nữ mắc bệnh lupus. Tình trạng này liên quan đến tăng huyết áp, giữ nước và protein trong nước tiểu. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.

Ngoài ra, sản phụ bị lupus ban đỏ cũng có nguy cơ mắc Hội chứng HELLP. Đây là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu ở thai phụ và có thể diễn ra sau khi sinh. Tình trạng này là biến thể của tiền sản giật và dễ gây đe dọa tính mạng của người mẹ mắc lupus ban đỏ.

“Thai phụ có bệnh lupus ban đỏ ở mức độ nghiêm trọng còn có thể gặp một số vấn đề như suy thận, hội chứng thận hư, viêm cầu thận do lupus và thậm chí là băng huyết sau sinh. Đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ khi mang thai. Việc mắc bệnh lupus ban đỏ trong thời gian mang thai là một thử thách lớn với các mẹ bầu. Vì thế, thai phụ cần được chăm sóc đặc biệt hơn để dự phòng rủi ro”, bác sĩ Thanh Tú nhấn mạnh.

Các thai phụ mắc lupus ban đỏ được khuyến cáo dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giảm mệt mỏi và tăng cường sức khỏe. Đồng thời, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng.

Người bệnh cũng nên trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung các vi chất, dùng thuốc bôi ngoài da (nếu cần). Bên cạnh đó, thai phụ mắc lupus ban đỏ nên nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ khi cần, cũng như tập thể dục thường xuyên để giải tỏa căng thẳng.

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh lupus. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp.

Trong đó, tổn thương thận nặng nhất với các biểu hiện của viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận. Đây cũng là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.

Bệnh có thể là nguyên nhân làm tổn thương đường dẫn truyền nhịp tim dẫn đến rối loạn nhịp tim, khiến nhịp thất còn 40 lần/phút. Block nhĩ thất trong giai đoạn bào thai chiếm tỉ lệ 1/20.000 trường hợp, làm tăng tỉ lệ tử vong sau sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ