“Luồng xanh” cho phim độc lập

GD&TĐ - Trong khi dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được cho là làm khó nhiều bên liên quan, thì giới làm phim Việt đề xuất “luồng xanh” cho dòng phim độc lập.

Các nhà làm phim kiến nghị “luồng xanh” cho phim độc lập.
Các nhà làm phim kiến nghị “luồng xanh” cho phim độc lập.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: Phim độc lập Việt Nam về số lượng làm ra rất ít, nhưng đã làm ra thì khả năng gặt hái thành công tại các liên hoan phim quốc tế lại rất lớn. Tiền đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 0 đồng, nhưng thành tựu đạt được thực sự có ích cho vị thế quốc gia.

Làm ít nhưng lợi nhiều

Như Báo GD&TĐ từng thông tin về Hội thảo trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên”. Tại hội thảo này, các đạo diễn và nhà sản xuất phim cho rằng, nhiều vấn đề lớn tồn tại của Luật Điện ảnh (ra đời năm 2006) vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo Luật Điện ảnh (mới). Bởi vậy, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi.

Ngay sau đó, “Ai góp ý giơ tay lên 2” cũng được tổ chức, thu hút nhiều ý kiến xung quanh việc đưa phim Việt Nam đi tham gia các liên hoan quốc tế. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến phim của Việt Nam bị điều tiếng khi liên tục vượt rào đi “thi chui”. Phải chăng, không thể tham gia liên hoan phim theo đúng quy định pháp luật?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định, phim độc lập là nơi tiếng nói tác giả được tuyệt đối tôn vinh. Điều này luôn kéo theo sự thay đổi lớn đối với nhận thức và thẩm mỹ của người xem. Tranh cãi xoay quanh là điều tất yếu và thoáng qua có thể mang lớp vỏ của việc chia “phe”. Nhưng thực chất lại là tiền đề cốt yếu và tuyệt đối có lợi cho phát triển văn hóa.

Nữ đạo diễn này cũng cho rằng, phim độc lập Việt Nam tuổi đời thực sự non trẻ, là nơi các nhà làm phim xác định theo đuổi nghệ thuật điện ảnh và đạt được các nấc thang trong sự nghiệp qua những sân chơi đậm tính hàn lâm. Trong đó, liên hoan phim quốc tế chính là một lựa chọn phổ biến.

“Phim độc lập Việt Nam về số lượng làm ra rất ít, nhưng đã làm ra thì khả năng gặt hái thành công tại các liên hoan phim quốc tế lại rất lớn và trên đà tiếp tục tăng trưởng. Tiền đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 0 đồng, nhưng thành tựu đạt được thực sự có ích cho vị thế quốc gia”, đạo diễn Hoàng Điệp khẳng định.

Gần đây nhất với phim ngắn CJ, mùa đầu có 5 phim được làm thì 1 phim không qua được kiểm duyệt, 3 phim đoạt giải tại các liên hoan phim uy tín. Mùa hai thì 5 phim được làm có 1 phim không qua được kiểm duyệt, nhưng lại có 4 phim tranh giải tại các liên hoan phim uy tín.

Hình ảnh rò rỉ phim “Vị” gây ồn ào với nhiều ý kiến khen – chê.

Hình ảnh rò rỉ phim “Vị” gây ồn ào với nhiều ý kiến khen – chê.

Cấp “visa” cho phim Việt

Trước sự chỉ trích gay gắt, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh lên tiếng khẳng định những hình ảnh rò rỉ của phim “Vị” không phải từ phía Cục hay hội đồng duyệt phim. Bản phim do đơn vị sản xuất “Vị” gửi tới để thẩm định và xin cấp phép hoàn toàn không có dòng chữ nào ở góc bên phải màn hình.

Giới làm phim Việt đồng tình đưa ra kiến nghị có thêm giấy phép tham gia liên hoan phim quốc tế ở nước ngoài, tách biệt với giấy phép phổ biến phim trong nước. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - gọi đây là “visa” cho phim Việt đi nước ngoài.

“Muộn còn hơn không, cần có “luồng xanh” cho dòng phim này trong cơ chế kiểm duyệt hiện tại. Chúng tôi đề xuất với các nhà làm phim mà bộ phim của họ được liên hoan phim quốc tế chọn lựa và mời đến tham gia tranh giải, trình chiếu trong các hạng mục phi thương mại thì cần tạo điều kiện”.

Theo bà Điệp, cần thành lập riêng một hội đồng thẩm định. Hội đồng này hoạt động phi lợi nhuận, không hưởng lương, phụ cấp trích ra từ quỹ điện ảnh hoặc các khoản đầu tư vào điện ảnh khác mà hàng năm vẫn cấp cho ngành.

Bộ tiêu chí mà hội đồng sử dụng sẽ là một bộ tiêu chí riêng. Sẵn sàng cấp “visa” cho phim được chiếu trong liên hoan phim quốc tế ngay cả khi phim chưa ra được bản cuối, nếu phim đáp ứng được các tiêu chí đã được quy định.

Quá trình này cho phép bộ phim có thể nộp duyệt bản phim chưa hòa âm và chưa chỉnh màu. Tất nhiên, nhà làm phim nào cũng hiểu, nếu muốn thuyết phục hội đồng thì bản phim càng hoàn hảo bao nhiêu, cơ hội càng cao bấy nhiêu. Phải áp dụng cơ chế đối thoại trực tiếp giữa nhà làm phim và hội đồng duyệt.

“Visa” này không có giá trị như giấy phép phổ biến ở Việt Nam hiện nay, nhưng cho phép bộ phim mang quốc tịch Việt Nam được “đi lại” thoải mái ở các quốc gia khác.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, hội đồng cần đảm bảo phần lớn thành viên là những người có chuyên môn về điện ảnh. Có ít nhất 2 hội đồng duyệt Trung ương ở Hà Nội và TPHCM. Cần công bố công khai mọi ghi chép, lời nói, căn cứ để hội đồng đưa ra kết quả phân loại.

Trong bản kiến nghị của giới làm phim, có đề xuất được nhiều người chú ý: Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay nên đổi tên thành Hội đồng đạo đức điện ảnh và chỉ thực hiện thẩm định, phân loại độ tuổi phim thay vì cấm phim.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) làm khó nhiều bên nên cần điều chỉnh, chứ không nên tập trung vào việc đổ lỗi. Riêng trường hợp phim “Vị”, không nên đổ hết trách nhiệm lên đầu hội đồng duyệt nhiệm kỳ này.

Ồn ào liên quan đến bộ phim có tên “Vị” chưa khép lại, khi mới đây trên mạng xã hội rò rỉ một số hình ảnh được cho là phản cảm trích ra từ bộ phim này. Rất nhanh sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, những hình ảnh này đã biến mất.

Ngay khi những bức ảnh được phát tán, thì lập tức dư luận “quy tội” cho Hội đồng thẩm định và phân loại phim Việt Nam. Lý do là bởi phía trên các bức ảnh rò rỉ này có ghi dòng chữ “Vietnam Cinema Department”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.