Lượng và chất

GD&TĐ - Công tác thanh tra trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Hoạt động thanh tra giáo dục thời gian qua không ngừng đổi mới thế nhưng thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng, do còn nhiều rào cản. Một trong những rào cản lớn, ảnh hưởng đến chất lượng là đội ngũ thanh tra viên quá mỏng, lại kiêm nhiệm công tác pháp chế, kiểm soát các thủ tục hành chính.

Để hoàn thành nhiệm vụ, cộng tác viên thanh tra giáo dục được xem là cánh tay nối dài, cùng “chia lửa” tác nghiệp thanh tra ở cơ sở. Thế nhưng đến nay, một số sở GD&ĐT chưa quan tâm, bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này. Số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục cũng đang giảm mạnh.

Năm học 2022 - 2023, tổng số cộng tác viên thanh tra giáo dục của các sở GD&ĐT giảm 608 người so với năm học 2021 - 2022. Trong khi đó, thanh tra tỉnh/thành phố và thanh tra huyện chưa chủ động trong thanh tra hành chính đối với cơ sở giáo dục theo phân cấp; ít hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng cho thanh tra sở GD&ĐT, cán bộ quản lý giáo dục của phòng GD&ĐT và cộng tác viên thanh tra giáo dục.

Công tác thanh tra lại càng khó khăn hơn khi các điều kiện bảo đảm, chế độ cho hoạt động này tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; nhất là chế độ cho những người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi. Kinh phí cho hoạt động thanh tra chưa bảo đảm để chi trả chế độ cho cộng tác viên thanh tra giáo dục theo Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-BGDĐT ngày 20/10/2014 của Bộ GD&ĐT quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục.

Mới có 47/63 (74,6%) tỉnh, HĐND cấp tỉnh có Nghị quyết chi trả chế độ cho công chức, viên chức điều động tham gia thanh tra, kiểm tra thi. Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 của Bộ Tài chính cũng chưa quy định cụ thể về mức chi cho người làm công tác này dẫn đến khó thực hiện và không thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Địa bàn nhiều tỉnh thành rộng, vị trí địa lý khó khăn cũng gây nhiều cản trở cho lực lượng thanh tra khi tác nghiệp.

Mỏng nhân sự gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch thanh tra, chất lượng tác nghiệp. Theo quy định, sau khi thành lập đoàn thanh tra, người ra quyết định phải giám sát đoàn hoặc cử người giám sát.

Do biên chế hạn hẹp, có khi cùng thời điểm phải cử nhiều thanh tra, nên thực tế không ít đoàn đi tác nghiệp mà… không có người giám sát. Một số trường hợp, để đủ cơ cấu buộc phải huy động công chức thanh tra hay lãnh đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ của sở vào vai giám sát. Điều này không bảo đảm tính khách quan, nếu không nói là hình thức.

Quy mô trường, lớp học, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngày càng tăng. Cả nước lại trong những năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới, đi kèm không ít vấn đề chưa từng có tiền lệ, nên nhiệm vụ của thanh tra giáo dục ngày càng nặng nề. Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đội ngũ này phải đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Vì thế, song song với việc bổ sung lực lượng thanh tra chuyên nghiệp, phát triển cộng tác viên thanh tra giáo dục, rất cần đẩy mạnh các lớp tập huấn, cung cấp tài liệu thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cập nhật với thực tiễn cho các sở GD&ĐT và thực hiện chế độ tài chính phù hợp hơn cho công tác này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.