Thanh tra giáo dục là một trong những lĩnh vực đi đầu trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT công bố thông báo kết luận của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tại hội nghị thanh tra giáo dục toàn quốc.

Thanh tra giáo dục là một trong những lĩnh vực đi đầu trong đổi mới giáo dục

Sau khi nghe báo cáo “Đổi mới công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”, các tham luận, ý kiến phát biểu của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và ý kiến phát biểu của đại biểu, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng kết luận:

Trong 3 năm qua việc đổi mới hoạt động thanh tra theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục (NĐ số 42) là đúng hướng.

Việc đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục thời gian qua là một trong những lĩnh vực đi đầu trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Hoạt động thanh tra giáo dục đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nề nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành. Hoạt động thanh tra giáo dục đã chuyển mạnh từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý nhằm tác động vào cả hệ thống.

Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra vẫn còn có những khó khăn, đó là sai phạm trong lĩnh vực giáo dục nảy sinh đa dạng, phức tạp trong khi chế tài xử lý còn thiếu, yếu, không đủ sức răn đe; việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, không triệt để, việc phối hợp trong công tác thanh tra giữa các bộ, ngành, giữa thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra ở một số địa phương còn thiếu; việc xây dựng Kế hoạch thanh tra còn dàn trải; hiệu quả hoạt động thanh tra chưa cao.

Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng triển khai

Để thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của ngành giáo dục với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác thanh tra giáo dục thời gian qua, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ sau:

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh tra không chỉ với người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Từ đó tạo sự đồng thuận, cộng tác, tuân thủ, hiệu quả trong công tác thanh tra.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra. Các sở giáo dục và đào tạo (GDĐT) đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ Thanh tra Sở để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm kiện toàn tổ chức thanh tra theo quy định tại Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Căn cứ vào tình hình thực tiễn và những quy định mới về công tác thanh tra, chính sách mới về quản lý giáo dục, Thanh tra Bộ chủ động đề xuất nội dung, chuyên đề về nghiệp vụ, kỹ năng làm công tác thanh tra; phối hợp với Thanh tra Chính phủ hoàn thiện các quy trình thanh tra theo đặc thù của ngành để tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về thanh tra giáo dục cho từng nhóm đối tượng cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra của toàn ngành.

Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đề xuất, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng; bổ sung một số chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục tạo hành lang pháp lý nhằm xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục.

Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chức Thanh tra trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm có trọng tâm, trọng điểm tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc; kịp thời tiến hành thanh tra đột xuất khi cần thiết.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra đúng quy trình, quy định, kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm các vi phạm. Thực hiện việc công khai kết luận thanh tra nhằm tác động vào cả hệ thống. Đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, không để tích tụ mâu thuẫn và phát sinh các điểm nóng.

Thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.Tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan thanh tra nhà nước theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục.

Xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên giữa Bộ GDĐT với Thanh tra Chính phủ, giữa Thanh tra Bộ GDĐT với thanh tra các bộ, ngành, địa phương; giữa Sở GDĐT, Phòng GDĐT với UBND cấp huyện theo tinh thần Lãnh đạo sở GDĐT, Thanh tra sở GDĐT và Phòng GDĐT là nòng cốt trong việc xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Sở GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, tổ chức, thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, phối hợp với Thanh tra Bộ trong chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề nóng, được dư luận phản ánh, quan tâm.

Các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với Bộ GDĐT trong công tác thanh tra đối với cơ sở giáo dục trực thuộc. Trao đổi, chia sẻ thông tin trong việc xây dựng, tổ chức, thực hiện kế hoạch thanh tra đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ, ngành.

Tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông trong công tác thanh tra giáo dục. UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức cập nhật thông tin phản ánh những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý, công tác dạy và học trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, xác minh, xử lý và trả lời kịp thời theo thẩm quyền; thông báo kết quả, triển khai, công bố kết luận thanh tra theo quy định.

Giao Chánh Thanh tra Bộ tham mưu, đề xuất công tác thi đua khen thưởng đối với công tác thanh tra giáo dục để kịp thời động viên những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra giáo dục.

Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục căn cứ kết quả công tác thanh tra, giải quyết KN, TC để đánh giá, xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Ngày 19/12/2016, hội nghị công tác thanh tra giáo dục toàn quốc được tổ chức với 63 điểm cầu trên cả nước. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là UBND tỉnh), Lãnh đạo Thanh tra các Bộ, Ngành, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các Đại học, Trường Đại học, cơ sở giáo dục đại học, Thanh tra Sở GDĐT, các phòng ban chuyên môn của sở GDĐT, Phòng GDĐT, cộng tác viên thanh tra giáo dục.                                                                                                                                                                                                       Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý... đồng chủ trì hội nghị.
Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ