Năm học 2024 - 2025 sẽ khép lại chu kỳ của Chương trình GDPT 2018, đồng thời cũng là năm học có nhiều đổi mới từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vào lớp 10, học sinh giỏi. Giáo viên và học sinh bắt nhịp với những đổi mới này như thế nào?
Lo lắng trước những thay đổi
Năm 2025, học sinh lớp 9 (lứa sinh năm 2010) là khóa đầu tiên thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018. Điểm đặc biệt, học sinh khóa này vẫn chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Do vậy, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ băn khoăn về phương án kỳ thi vào lớp 10 năm học tới.
Em Nguyễn Thị Thanh Hằng - học sinh Trường THCS Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Năm đầu thi theo chương trình mới nên em rất lo lắng. Dù đã được thầy cô luyện tập và làm nhiều bài kiểm tra theo chương trình mới nhưng em vẫn bỡ ngỡ vì ngân hàng đề thi không nhiều.
Chị Nguyễn Thu Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng khi con phải trải qua 3 năm học trực tuyến do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến kiến thức bị hổng khá nhiều. Nội dung trong Chương trình GDPT 2018 so với chương trình cũ cũng khác nên bố mẹ gặp khó khăn trong việc kèm cặp con học bài, ôn tập.
Trước những đổi mới của kỳ thi vào 10, cô Trịnh Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mong Sở GD&ĐT Hà Nội sớm ban hành phương thức thi vào 10, văn bản hướng dẫn chấm kỳ thi lớp 10 cũng như tài liệu đồng hành với kỳ thi để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình, nhà trường nghiên cứu, hướng dẫn học sinh.
Năm đầu tiên học sinh thi vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 nên không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả giáo viên và các nhà trường có nhiều khó khăn. Nêu thực trạng, cô Hoàng Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nhật Tân (Tây Hồ) đồng thời đề xuất: Sở GD&ĐT cần sớm công bố phương án tổ chức kỳ thi, số môn thi và đề thi minh họa để học sinh tham khảo.
Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nếu có môn thi thứ 4 thì cho học sinh tự chọn hoặc môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, giống các thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Điều này sẽ giúp các em có định hướng sớm theo năng lực, không gây áp lực.
Tại Trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội), ban giám hiệu và giáo viên đều lúng túng không biết phương án và số môn thi ra sao. Đặc biệt môn Ngữ văn và môn tổ hợp có cách học, thi mới sẽ là thách thức lớn đối với giáo viên, học sinh.
Trên cơ sở đó, cô Trần Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt đề xuất khi có phương án, đề minh họa, giáo viên sẽ nắm được cấu trúc, từ đó xây dựng kế hoạch nội dung ôn tập, ngân hàng ôn tập cụ thể và hiệu quả. Ngoài ra, nhà trường mong được giới thiệu tài liệu ôn thi, tham khảo uy tín, chất lượng, nhất là môn Ngữ văn và tổ chức hội thảo hướng dẫn cụ thể các nội dung trên.
Không chỉ băn khoăn về kỳ thi lớp 10, cán bộ quản lý, giáo viên còn băn khoăn về các nội dung liên quan đến kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố cũng như kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Học và thi theo chương trình mới, các môn thi sẽ thế nào, môn tích hợp thi theo môn hay mạch nội dung? Kỳ thi giáo viên dạy giỏi có những môn thi nào?
Bảo đảm quyền lợi
Đáp ứng yêu cầu của đông đảo phụ huynh và học sinh, tháng 8/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội theo Chương trình GDPT 2018.
Nguyễn Tuấn Anh - học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) và các bạn cùng lớp rất vui vì sớm được biết cấu trúc định dạng và đề minh họa của các môn. Nam sinh mong được thầy, cô giáo các bộ môn thường xuyên tập dượt với đề kiểm tra theo cấu trúc định dạng do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố.
Tiếp cận với cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026, các thầy, cô giáo cho rằng, đề thi minh họa được biên soạn rõ ràng, đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo chuẩn “đầu ra”, tạo sự đổi mới trong phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng Chương trình GDPT 2018.
Cô Hoàng Thị Vân - Trường THCS Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, các đề tự luận phù hợp với thời lượng 120 phút/môn, trắc nghiệm phù hợp với thời lượng 60 phút/môn. Nội dung các đề trải nhiều mạch nội dung và đơn vị kiến thức từng môn, tăng cường tính mở và vận dụng những đơn vị kiến thức từ thực tiễn.
Cô Vân cũng cho biết, bắt nhịp với Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó có việc đổi mới kiểm tra đánh giá đã được Bộ GD&ĐT tính toán kỹ lưỡng. Do đó, giáo viên và học sinh không nên quá lo lắng và cần nhanh chóng bắt nhịp với những yêu cầu của đổi mới.
Giải đáp thắc mắc của các nhà trường, ông Đặng Trần Xuân - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Phương án thi, cấu trúc, ma trận, đề minh họa... của các kỳ thi đã và đang được phòng chuyên môn của sở xây dựng, hoàn thiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Tinh thần chung là có phương án thi phù hợp, thuận lợi nhất cho các nhà trường, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh.
Về các cuộc thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, sở sẽ đưa ra phương án phù hợp. Tinh thần chung là dạy song song hay dạy tích hợp nhưng đảm bảo chuẩn kiến thức, nội dung yêu cầu đầu ra của chương trình cũng như mạch kiến thức và quyền lợi của học sinh. Tránh trường hợp chỉ đảm bảo quyền lợi của giáo viên, ít quan tâm đến chất lượng học sinh.
Theo các chuyên gia giáo dục, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế những năm gần đây cho thấy, ngành Giáo dục Hà Nội đang bám sát yêu cầu cần đạt từ Chương trình GDPT 2018 và tiệm cận với đề thi các cuộc thi quốc tế uy tín. Điều này cho thấy sự cập nhật và đổi mới liên tục trong nội dung, hình thức các đề thi.