Theo Adobe Analytics (công ty phân tích các giao dịch trên trang web của các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu ở Mỹ), người tiêu dùng đã chi khoảng 9 tỷ USD vào các trang web bán lẻ của Mỹ vào Black Friday. Đó là mức tăng 22% so với kỷ lục 7,4 tỷ USD vào năm 2019.
Trong khi đó, lưu lượng khách hàng mua sắm tại các cửa hàng giảm mạnh do các nhà bán lẻ cố gắng cắt giảm giờ làm việc của người lao động và hạn chế mở cửa. Theo Sensormatic Solutions - một công ty theo dõi bán lẻ, số lượt khách khách hàng đến cửa hàng tại Mỹ đã giảm 52% vào Black Friday.
Theo RetailNext - một công cụ theo dõi mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các mặt hàng như trang sức và giày dép chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất. Doanh số bán hàng may mặc giảm 50% và hàng gia dụng giảm 39%.
Bất chấp sự sụt giảm đó, Black Friday vẫn là một trong những ngày hội mua sắm trực tiếp lớn nhất ở Mỹ trong năm nay. Nhiều người vẫn sẽ mua sắm trực tiếp trong những ngày lễ nhưng sẽ chọn những ngày giữa tuần do lượng khách vào thời điểm này ít hơn. Việc các cửa hàng giảm giá nhiều hơn và lo ngại về thời gian vận chuyển kéo dài cũng là một nhân tố thu hút người mua sắm.
Một xu hướng có thể vẫn sẽ duy trì sau khi đại dịch kết thúc là các cửa hàng có thể đóng cửa vào Ngày Lễ Tạ ơn. Kể từ năm 2013, ngày càng có nhiều cửa hàng mở cửa vào Lễ Tạ ơn để có một khởi đầu thuận lợi vào Black Friday. Tuy nhiên, vào năm nay, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa và lưu lượng truy cập vào các cửa hàng trong Lễ Tạ ơn đã giảm 95%.
Adobe dự kiến 1/12 sẽ là ngày bán hàng trực tuyến lớn nhất trong lịch sử Mỹ với mức chi tiêu ước tính từ 10,8 - 12,7 tỷ USD.
Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target được hưởng lợi nhiều từ sự gia tăng này và các nhà bán lẻ nhỏ cũng thế. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng lớn đã tăng 403% vào Lễ Tạ ơn và Black Friday so với mức trung bình hàng ngày trong tháng 10. Doanh số bán hàng tại các nhà bán lẻ nhỏ hơn cũng tăng 349%.