Đặc biệt nhờ tác động tích cực từ nghị định này, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học được tăng cường khang trang hơn.
Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non
Thực hiện Nghị định 105, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã tham mưu UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 05 và Nghị quyết số 73. Năm học 2021 – 2022, thành phố Cần Thơ có 171 trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG), trong đó có 137 trường công lập, 37 trường tư thục và 96 nhóm trẻ, lớp MG độc lập, lớp MN độc lập tư thục.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, các quận/huyện của thành phố luôn quan tâm phát triển mạng lưới trường, lớp MN. Địa phương chủ động bố trí quỹ đất, đầu tư nguồn lực và nâng cấp phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng hiện đại, đạt chuẩn, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/nhóm, lớp.
Trong năm 2022, TP đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trường Mầm non Hoa Sen (quận Bình Thủy) với kinh phí 36,2 tỷ đồng. Năm học vừa qua, thành phố có 317 trẻ MG thuộc đối tượng chính sách được hỗ trợ ăn trưa từ 5 - 6 tháng (tổng kinh phí trên 272,3 triệu đồng). Năm học 2020 - 2021, số trẻ thuộc đối tượng Nghị định 105/2020/NĐ-CP được hỗ trợ ăn trưa (từ 3 - 4 tháng, tùy địa phương) với tổng kinh phí trên 197 triệu đồng...
Tại Đồng Tháp, những năm qua tỉnh ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, tiếp tục cải tạo, nâng cấp trường lớp, cơ sở vật chất bổ sung đồ chơi, học liệu tại các cơ sở GDMN.
Ngoài tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu được quy định trong danh mục của Bộ GD&ĐT, các cơ sở GDMN đã làm thêm đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên vật liệu sẵn có phù hợp với văn hóa địa phương, gắn với cuộc sống của trẻ, phù hợp với thực hiện nội dung chương trình GDMN, đáp ứng nhu cầu thực tế của trẻ mần non ở từng địa phương.
Trong giai đoạn 2021 – 2020, tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học các cấp cập nhật theo quy định mới và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, cơ sở giáo dục công lập tiếp tục được sắp xếp giảm dần theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2030.
Vì vậy, việc đầu tư cũng được tập trung, ngân sách Nhà nước chỉ ưu tiên cho khu vực biên giới, vùng sâu và các trường trọng điểm của tỉnh, còn những nơi có điều kiện thuận lợi tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa theo quy hoạch; quỹ đất dành cho giáo dục được bố trí. Mặt bằng các dự án xã hội hóa được tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giao cho nhà đầu tư theo quy định của Luật Đất đai… Riêng trong năm 2022, tỉnh đã khởi công mới 15 trường với tổng kinh phí 129 tỷ đồng.
Cơ sở vật chất một số trường được đầu tư khang trang. |
Vẫn còn khó khăn
Tuy đạt được những thành quả nhất định nhưng trên thực tế việc thực hiện Nghị định 105 ở một số địa phương vẫn còn khó khăn. Việc đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, giáo viên MN còn hạn chế.
Đơn cử TP Cần Thơ, cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục tư thục đã xuống cấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu quy định mới của GDMN nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên tại cơ sở GDMN tư thục không ổn định, đặc biệt là 2 năm dịch bệnh Covid-19, gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng chuyên đề đáp ứng kịp thời việc chăm sóc, giáo dục trẻ trong tình hình hiện nay.
Theo ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, do năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 05 của TP về chính sách mầm non nên việc tổ chức thực hiện còn chậm so với tiến độ đề ra. Mặc khác, đa phần phụ huynh học sinh là công nhân đi làm xa nên mất nhiều thời gian ký đơn xác nhận của công ty tại khu công nghiệp, khu chế xuất (nơi cha mẹ trẻ đang làm).
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương và đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh, quận Ô Môn đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, con công nhân và giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại Đồng Tháp, hiện có 186 trường mầm non (45 trường MG, 141 trường MN), trong đó có 176 trường công lập, 10 trường ngoài công lập. Toàn tỉnh có 313 điểm trường lẻ.
Theo bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT Đồng Tháp, có 8 cơ sở GDMN đủ điều kiện hưởng chính sách, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các địa phương chưa thực hiện hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Mặt khác, đặc thù công nhân lao động đi làm ăn xa nên một số cơ sở giáo dục chưa xin được giấy xác nhận cha mẹ làm công nhân, do công ty không ký xác nhận.
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn hỗ trợ con công nhân đang học tại trường công lập nên có hiện tượng so bì, rút trẻ từ trường công lập về nhóm trẻ độc lập. Tuy việc rút trẻ không nhiều nhưng dự báo trong những năm học tới số trẻ con công nhân sẽ ra lớp tại cơ sở GDMN ngoài công lập tăng nhiều và số trẻ học tại trường công lập sẽ giảm.
Tỉnh Vĩnh Long có 130 cơ sở giáo dục mầm non, gồm 117 trường công lập, có 13 cơ sở GDMN ngoài công lập với 86 nhóm lớp trong trường và 22 nhóm trẻ, lớp MG độc lập tư thục. Giám đốc Sở GD&ĐT – bà Trương Thanh Nhuận chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ban ngành nên việc tham mưu ban hành nghị quyết thực hiện các chính sách theo Nghị định 105 kịp thời.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm học 2021 – 2022, tỉnh cho trẻ dừng đến trường đến tháng 2/2022, vì vậy trẻ và giáo viên chỉ được hưởng tối đa 3,5 tháng trong năm học; đa số các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động chưa hưởng được chính sách theo quy định.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn cũng chưa được hưởng chính sách theo Nghị định 105, do chưa tổ chức nấu ăn cho trẻ bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đa số phụ huynh chưa an tâm cho trẻ ăn bán trú tại trường.
Mặt khác, quy trình tập hợp hồ sơ, thẩm định chi của một số huyện, thị còn chậm do nguyên nhân khách quan, chủ quan như tình hình dịch bệnh nên đi lại khó khăn, cha mẹ trẻ gửi hồ sơ chậm hoặc thiếu phải bổ sung; thiếu nhân sự phụ trách tổng hợp và còn nhiều lúng túng trong thẩm định… dẫn đến một số huyện chi trả còn chậm so với quy định.