Lương dân duy nhất trên 'đảo cải tạo'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với biệt danh 'đảo quỷ', Pianosa là nơi tù đày từ những năm 1700.

Trước năm 1998, đảo Pianosa khét tiếng 'luyện ngục' vì 'đối xử tàn bạo với tù nhân'. Ảnh: Marco Saracco, Adobe Stock
Trước năm 1998, đảo Pianosa khét tiếng 'luyện ngục' vì 'đối xử tàn bạo với tù nhân'. Ảnh: Marco Saracco, Adobe Stock

Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên đặt chân lên nó, chị Giulia Manca đã bị ấn tượng bởi “vùng biển trong xanh, những đêm đầy sao đẹp như thiên đường” và không muốn rời đi.

Đảo “luyện ngục”

Pianosa thuộc quần đảo Tuscan, biển Tyrrhenian (Italia), có diện tích khoảng 10,25 km2 và chu vi bờ biển dài 26 km. Từ thế kỷ XVIII, nơi này giam giữ những kẻ ngoài vòng pháp luật và tù chính trị.

Năm 1880, Pianosa từng có 960 tù nhân, tất cả đều bị ép lao động khổ sai. Bắt đầu từ năm 1884, Pianosa rơi vào hạn hán kéo dài, cuộc sống của các tù nhân trên đảo không khác gì “luyện ngục”.

Thay vì đóng cửa nơi giam giữ này, Chính phủ Italia chuyển nó thành địa điểm nhốt các phạm nhân bị bệnh lao. Đầu thế kỷ XX, Pianosa có đến 800 tù nhân bị bệnh, khét tiếng “hòn đảo chết chóc”. Những năm 1960, tỷ lệ tự tử trong tù tăng 300%, tỷ lệ tái phạm pháp cao tới 75%.

Thập niên 1990, Pianosa vẫn là “luyện ngục” đáng sợ. Năm 1992, Italia tống trùm mafia Michele Greco (1924 – 2008) đến đây. Kể từ lúc này đến khi đóng cửa vào năm 1998, Pianosa là nhà tù tập trung toàn các tội phạm khủng bố như Pippo Calò, Nitto Santapaola, Giovanni Brusca… khét tiếng đối xử tàn bạo với tù nhân.

Sau khi nhà tù trên đảo đóng cửa, Pianosa bị bỏ hoang nhiều năm. Vắng bóng con người, thiên nhiên phát triển mạnh mẽ, biến “luyện ngục” thành thiên đường hoang dã xinh đẹp, nhiều động - thực vật quý hiếm và nơi tạm dừng chân của các đàn chim di trú theo mùa.

Lương dân duy nhất

Giulia Manca, lương dân kiêm 'Nữ hoàng Pianosa'. Ảnh: Giulia Manca, Ccn.com

Giulia Manca, lương dân kiêm 'Nữ hoàng Pianosa'. Ảnh: Giulia Manca, Ccn.com

Thế kỷ XXI, Pianosa chính thức là một phần của Công viên quốc gia Quần đảo Toscano. Thay vì “luyện ngục”, nó sớm nổi tiếng với biệt danh mới: Thiên đường cải tạo.

Trung tâm của “thiên đường cải tạo” là khách sạn Milena tuyệt đẹp, được bao quanh bởi những cây thông cổ thụ cao vút và có 11 phòng, tất cả đều được trang bị đồ đạc nội thất bằng gỗ, có hiên rộng, cửa hướng ra biển.

Để được nhận vào Milena, các tù nhân phải thỏa mãn 2 điều khiện: Đã chấp hành tối thiểu 1/3 thời hạn tù và có kết quả bài kiểm tra đánh giá tâm lý, xã hội đạt tiêu chuẩn.

Giulia Manca là cư dân Tuscany, trung Italia. Năm 2011, chị tới Pianosa du lịch và lập tức bị mê hoặc bởi cả cảnh quan tuyệt mỹ lẫn cuộc sống của những người đang trải qua thời gian cải tạo trên đảo. “Tôi đã nghỉ ở Milena 1 tuần và không muốn rời đi”, chị nhớ lại.

“Năm đó, Milena mới mở chưa được bao lâu và đang gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ bị đóng cửa”, chị Manca kể tiếp. Vì thấy dự án cải tạo rất đáng thực thi và các tù nhân cũng “xứng đáng được trao cơ hội thứ 2”, chị quyết định trở thành người hỗ trợ.

“Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giúp đỡ những con người ở đây. Tôi không muốn họ lại phải quay về phòng giam, ngồi sau song sắt mà muốn trao cho họ cơ hội để thay đổi, học nghề, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống lương thiện sau khi hoàn lương”, chị Pianosa cho biết.

Chỉ trong vòng vài năm, chị Manca thành công xoay chuyển tình thế ngặt nghèo của Milena. Khách sạn này không chỉ là nơi sống và học nghề của các tù nhân, mà còn biến thành địa điểm tổ chức sinh nhật, đám cưới nổi tiếng, thu hút du khách trên đất liền.

“Nữ hoàng Pianosa”

Du khách chụp hình với các nam tù nhân kiêm nhân viên của khách sạn Milena. Ảnh: Giulia Manca, Ccn.com

Du khách chụp hình với các nam tù nhân kiêm nhân viên của khách sạn Milena. Ảnh: Giulia Manca, Ccn.com

Trên đảo Pianosa, các tù nhân được phép đi lại tự do, sử dụng điện thoại di động. Chị Manca vừa là người quản lý khách sạn, vừa là người giám sát chương trình cải tạo do Arnera, tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh giúp đỡ những người dễ bị tổn thương thiết lập.

Khách sạn Milena có tổng cộng 10 nhân viên, phụ trách các công việc đầu bếp, bồi bàn, làm vườn, dọn dẹp… và tất cả đều là nam phạm nhân. Ngoài khách sạn này, đảo Pianosa còn các khu nhà cũ được sửa sang thành phòng họp, phòng tập thể dục, phòng chiếu phim…

Mỗi ngày, Pianosa được phép đón tối đa 250 du khách. Các tù nhân được giao công việc và thanh toán lương hàng tháng. “Buổi tối, họ được tự do xuống bãi biển dạo chơi, bơi lội, sử dụng quầy bar cũng như các dịch vụ khách sạn”, chị Manca cho biết.

Trên Pianosa có 1 giám ngục, phụ trách giám sát các tù nhân. Chương trình cải tạo có quy định về giờ giấc và quy tắc ứng xử, đảm bảo sự trật tự và tôn trọng lẫn nhau giữa các tù nhân cũng như giữa tù nhân với người giám sát.

Mỗi tuần, chị Manca ngồi phà đến Tuscany 1 lần, giải quyết các công việc hành chính. Tính đến nay, chị đã gắn bó với đảo Pianosa được 12 năm, góp phần giúp đỡ khoảng 100 tù nhân hoàn thành chương trình cải tạo, trở về xã hội.

“Khi biết tôi quyết định ở lại đảo Pianosa, bạn bè và người thân đã rất bàng hoàng. Họ nói tôi quá điên rồ, vì dám liều lĩnh sống giữa những người đã bị buộc tội và hầu hết đều là nam giới”, chị Manca tiếp tục câu chuyện.

Trái với lo ngại của người quen, chị Manca không hề cảm thấy sợ hãi. “Ngược lại, tôi còn thấy sống ở đây an toàn hơn bất cứ nơi nào”, chị khẳng định.

“Tôi tin vào sức mạnh của cái thiện. Tôi thích quan tâm các tù nhân, chứng kiến những thay đổi ở họ và hạnh phúc khi có người được trả tự do. Theo dữ liệu mới nhất, tỷ lệ tái phạm của những người đã trải qua chương trình cải tạo ở đây thấp tới 0,01%. Đây chắc chắn phải là tỷ lệ thấp nhất hành tinh”, chị Manca tự hào.

Hiện tại, chị Manca vẫn tích cực làm việc trên đảo Pianosa. “Một số nhân viên khách sạn, sau khi được tự do, đã quyết định xin việc ở các nhà tù khác với mong muốn góp phần giúp các phạm nhân hoàn lương”, chị cho biết.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ