Lương cao gấp 3 vợ, tôi vẫn giặt giũ, quét nhà, rửa bát

Tôi, dù lương gấp ba vợ nhưng vẫn luôn nghĩ, ở trong gia đình này, tôi là chồng của vợ, là người phải đồng cam cộng khổ, san sẻ công việc với vợ.

Lương cao gấp 3 vợ, tôi vẫn giặt giũ, quét nhà, rửa bát

Nếu ai bảo tôi hèn, thì tôi xin nhận. Hèn được như tôi cũng thấy tự hào. Tôi hèn để vợ tôi cảm thấy vui, thấy hạnh phúc, thấy yêu chồng nhiều hơn, thấy sống vui vẻ hơn, giữ đúng lời hứa mang lại hạnh phúc cho vợ thì tôi cũng chấp nhận làm một gã hèn.

Còn các ông nghĩ tôi hèn, tự hỏi một lần, các ông đã bao giờ làm mấy việc này cho vợ. Há, các ông phải kiếm cả tỉ một tháng ấy nhỉ, vì phải kiếm nhiều như thế thì các ông mới không có thời gian mà nghĩ đến việc vào bếp, quét nhà hay rửa bát giúp vợ?

Các ông chắc sẽ cho tôi là đang nịnh hót vợ, tâng bốc mình. Cũng được thôi, cũng đâu có gì sai khi tôi nịnh vợ. Chỉ cần tôi giỏi nịnh mà vợ vui, vợ thích thì tôi chấp nhận, ngày nào cũng xin nịnh vợ vài câu. Vài câu nói, chẳng mất gì mà làm cho người bên cạnh mình vui vẻ cả ngày thì hà cớ gì mà không nói?

Các ông nghĩ tôi điên, khi có tiền lại không biết ăn chơi, hưởng thụ, lại lao vào làm việc nội trợ cho vợ thì các ông lại quá sai. Các ông có thể sẽ nghĩ những bà vợ có chồng giàu, được chồng cho tiền hàng tháng, được chồng cung cấp ‘lương’ hàng tháng thì nên biết cách chiều lòng chồng.

Các ông nghĩ, những gã giàu thừa sức lấy mấy cô vợ đẹp, xinh, chân dài, đảm đang, tháo vát, thì các ông lại càng nhầm.

luong cao gap 3 vo, toi van giat giu, quet nha, rua bat - 1

Đồng tiền không quy định ai cao ai thấp trong gia đình. Dù tôi có kiếm được nhiều tiền hơn vợ thì tôi vẫn chỉ là chồng, không hơn không kém. (ảnh minh họa)

Đàn ông, phải có tình có nghĩa, có bản lĩnh. Ngày hôm nay mình giàu, phải nghĩ đến ngày còn nghèo túng. Khi ấy, người đàn bà bây giờ mình gọi là vợ đã ở bên cạnh mình, chăm sóc cho mình từng bữa cơm giấc ngủ.

Nếu không có người đàn bà ấy gắn bó thì liệu mình có giàu có được như ngày hôm nay? Và nếu, ai cũng giống như đàn ông, nghĩ rằng có tiền rồi thì tha hồ làm những điều mình thích, thích tiêu gì thì tiêu, xài gì thì xài thì còn đâu cái gọi là cái tình cái nghĩa.

Tôi, dù lương gấp ba vợ nhưng vẫn luôn nghĩ, ở trong gia đình này, tôi là chồng của vợ, là người phải đồng cam cộng khổ, san sẻ công việc với vợ.

Tôi, dù ở ngoài có là sếp của mấy chục nhân viên, ăn to nói lớn, quát tháo ầm ầm, nhưng về nhà, vợ là sếp của tôi. Tôi không có quyền quát vợ, không có quyền sai khiến vợ, vì vợ và tôi là bình đẳng, chẳng có ai cao ai thấp cả?

Đồng tiền không quy định ai cao ai thấp trong gia đình. Dù tôi có kiếm được nhiều tiền hơn vợ thì tôi vẫn chỉ là chồng, không hơn không kém. Vợ tôi cũng không phải có trách nhiệm kiếm nhiều tiền hơn tôi. Đàn ông giỏi giang, kiếm được tiền nuôi được cả nhà, đó là phúc đức, không phải là điều gì đáng khoe khoang cả.

luong cao gap 3 vo, toi van giat giu, quet nha, rua bat - 2

Vợ không phải là thánh sống nên nhiều lúc vợ mệt, vợ ốm, tôi là chồng, không lo cho vợ thì ai lo? (ảnh minh họa)

Vả lại, trong gia đình, vợ là vợ chứ không phải là cái máy. Vợ không thể một lúc làm tất tần tật mọi việc trong khi chồng chỉ ngồi vắt chân chữ ngũ. Vợ cũng không thể cứ lao đầu vào bếp suốt ngày, không biết đến mặt trời hay cái tivi.

Một người làm thì lâu, hai người làm nhanh gấp đôi. Một người làm thì mệt, ăn không muốn ăn, hai người làm thì vui, bớt mệt, lúc ăn cả hai cùng tận hưởng thành quả của mình.

Vợ không phải là thánh sống nên nhiều lúc vợ mệt, vợ ốm, tôi là chồng, không lo cho vợ thì ai lo? Không rửa bát, quét nhà, chăm cho vợ thì ai chăm? Không dọn dẹp, lau chùi, bếp núc, nấu ăn cho vợ thì ai làm?

Các ông lấy vợ về vì yêu vợ thật sự hay chỉ muốn lấy cho có người giúp việc trong nhà mình? Thử hỏi, các ông đã bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về điều ấy?

Đàn bà tính ra quá thiệt thòi. Lớn lên trong vòng tay của bố mẹ, bố mẹ nuôi học hành đàng hoàng. Rồi một ngày nọ, phải lòng một chàng trai, cô nàng quyết trí bỏ bố mẹ ra đi, theo người dưng nước lã, chẳng có công sức chăm bẵm gì.

Thậm chí cả năm về nhà được 1-2 lần thăm bố mẹ vội vàng rồi lại lên với cái người dưng ấy. Rồi, nàng dốc sức chăm sóc nhà chồng, cũng là bổn phận làm dâu của nàng. Nhưng nàng lại không nhận được những lời khen ngợi hay những câu cảm kích, thậm chí còn sống chết trong nhà chồng vì áp lực mẹ chồng nàng dâu.

Từ một người được bố mẹ nuông chiều, nàng trở thành người phụ nữ đảm đang chưa từng thấy, việc gì cũng đến tay, ốm cũng không dám ốm.

luong cao gap 3 vo, toi van giat giu, quet nha, rua bat - 3

Hãy một lần nghĩ nghiêm túc nếu như các ông thật lòng yêu thương vợ con. (ảnh minh họa)

Đấy… rồi nàng còn sinh con, đẻ cái, chăm sóc con thơ ngày qua ngày không biết đến ánh mặt trời. Các ông đã bao giờ nghĩ cho những người đàn bà làm vợ của các ông hay chưa?

Họ sướng hay khổ, trong khi các ông từ bé tới lớn được cưng chiều, chỉ biết đến ăn ngủ, có người phụ vụ và khi trưởng thành cho đến lúc về già, lại tiếp tục có người phục vụ các ông?

Còn gì sướng hơn mà không  bỏ ra chút sức lực chăm sóc vợ con, giúp vợ việc nhà? Đừng tưởng mình là ông tướng trong nhà mà không động chân động tay việc bếp núc, lau chùi nhà cửa.

Hãy một lần nghĩ nghiêm túc nếu như các ông thật lòng yêu thương vợ con. Bỏ ngay cái tính gia trưởng của mình đi, gạt bớt sĩ diện và tự trọng đi, cũng đừng nghe lời khích bác của mấy gã chẳng hiểu gì mà đồng cam cộng khổ cùng vợ. Vì hơn ai hết, vợ là người xứng đáng được chúng ta yêu chiều, quan tâm và săn sóc.

Theo Khám phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.