Lao động nước ngoài đóng 8% lương
Dự thảo nghị định đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài mà Bộ LĐ-TB&XH xây dựng nêu rõ, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải đóng BHXH bắt buộc.
Các chế độ BHXH bắt buộc gồm 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp - tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định.
Hàng tháng, NLĐ nước ngoài sẽ đóng BHXH với mức đóng 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động nước ngoài phải đóng tối đa bằng 18% tháng lương trả cho NLĐ, gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; tối đa 1% vào quỹ bệnh nghề nghiệp – tai nạn lao động; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH về một số nội dung cơ bản tại dự thảo nghị định...
Theo đại diện BHXH Việt Nam, việc xây dựng nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế. Theo đó, BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH 2014, nhằm bảo đảm bình đẳng, an sinh cho NLĐ nước ngoài tại Việt Nam; cũng như làm căn cứ trong các thỏa thuận song phương, đa phương để quyền lợi, chế độ BHXH của lao động nước ngoài tại các nước được thực hiện thống nhất, tương đồng...
Tuy nhiên, việc xây dựng nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc, như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế... Do đó Việt Nam cần có những hiệp định song phương về chính sách BHXH với các quốc gia khác, để NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam không phải đóng BHXH 2 lần ở cả hai nước… Đồng thời, có thể quy đổi, thực hiện chính sách BHXH một cách liên thông, tương đồng, bình đẳng...
Cần có lộ trình cụ thể
Hiện nay, lao động nước ngoài có nhiều hình thức: Lao động được cấp giấy phép làm việc thông qua giao kết hợp đồng lao động, di chuyển trong nội bộ DN theo dạng phái cử, đi thực hiện công tác chuyên môn, việc cấp bách một thời gian... Trước hết, về đối tượng, phải thống nhất theo Luật BHXH là chỉ có những lao động nước ngoài ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động thì được quyền tham gia chính sách BHXH.
Theo một số chuyên gia, không phải tất cả lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam đều được tham gia BHXH mà chỉ có lao động nước ngoài ký hợp đồng được quyền tham gia BHXH. Bởi trong 5 chế độ quy định thì có 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cần hoàn toàn khuyến khích với lao động nước ngoài có hợp đồng với DN, được quyền tham gia để hưởng lợi trực tiếp, vì đây là bảo hiểm có tính chất ngắn hạn. Ba chế độ này, DN và lao động nước ngoài có thể tham gia ngay từ năm 2018, sau khi các cơ quan chức năng lấy ý kiến rộng rãi DN trong cả nước.
Về chế độ dài hạn là hưu trí, lao động nước ngoài có hợp đồng được quyền tham gia, nhưng việc này cũng chỉ được thực hiện khi hai nước có hiệp định về BHXH (hiện nay Việt Nam đang thỏa thuận ký hiệp định với Đức và Hàn Quốc). Việc tham gia chế độ này cũng nên có lộ trình, thực hiện từ năm 2018 nhưng lộ trình có lẽ phải sau năm 2020 mới thực hiện được.