Bức ảnh hậu trường “bóc phốt”
Theo ban tổ chức cuộc thi, “bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee đã xuất sắc ghi lại cảm xúc của một người mẹ bị mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, nhưng vẫn thể hiện được tình yêu thương và sự mạnh mẽ trong gương mặt của mình”. Đây cũng chính là lý do mà ban tổ chức của HIPA đã quyết định chọn tác phẩm này chiến thắng của cuộc thi vì chủ đề năm nay là “Hope - hi vọng”.
Tay máy người Malaysia chia sẻ ngay sau khi giành giải rằng, anh đã chụp bức ảnh hoàn toàn tình cờ từ chuyến đi đến Việt Nam gần đây. Ảnh chụp bên đường và không lên kế hoạch trước. Nó xuất hiện tại một điểm dừng ngẫu nhiên. Tay máy này đã tấp vào lề đường để chụp bức ảnh, sử dụng Nikon D850 và ống kính 80-400mm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bức ảnh này đã bị “bóc phốt” bởi một bức ảnh hậu trường khác được chia sẻ trên mạng xã hội. Qua đó có thể thấy, bức ảnh được dàn dựng và sắp đặt hẳn hoi, chứ không bắt theo khoảnh khắc tự nhiên như lời nhà nhiếp ảnh chia sẻ.
Theo đó, không chỉ có Edwin Ong Wee Kee mà còn có nhiều nhà nhiếp ảnh khác cùng tham gia chụp hai mẹ con người dân tộc Mông ở Yên Bái. Và bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee đương nhiên sẽ có hình ảnh tương đối giống với các tay máy còn lại. Nhưng anh là người may mắn hơn khi biết lựa chọn sân chơi phù hợp với “đứa con tinh thần” của mình.
Theo quy định của giải thưởng nhiếp ảnh HIPA, tay máy này đã không phạm luật dù có sắp đặt và dàn dựng. Dẫu vậy, với những chia sẻ trước đó, Edwin Ong Wee Kee dường như đã không còn là một tác giả nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người.
|
Méo mó góc nhìn về Việt Nam
Ở trong nước, các nhà nhiếp ảnh Việt đã nhận ngay ra bức ảnh sắp đặt của Edwin Ong Wee Kee. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Thanh nhận định, đây là không phải là một cuộc thi nhiếp ảnh báo chí, sự sắp đặt được chấp nhận, chỉ cần bức ảnh đó đem lại cho người xem một thông điệp, cảm xúc nào đó. Và nghệ sĩ có quyền sắp xếp hình ảnh để thể hiện được cảm xúc của mình.
Nhưng nhà nhiếp ảnh Hoài Thanh cũng bày tỏ, anh cảm thấy không vui khi việc sắp đặt và can thiệp vào ảnh đã trở thành xu hướng sáng tác của không ít các nhà nhiếp ảnh trên thế giới và Việt Nam. Không những thế, việc đi sáng tác theo nhóm, theo tập thể đã dẫn tới những hình ảnh lặp lại và na ná nhau.
Không bàn chuyện bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee có sắp đặt hay không, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định, ông không thích bức ảnh này và nếu có quyền chấm giải, ông sẽ không chọn.
Ông Khánh đặc biệt không thích bức ảnh này bởi nó khai thác hình ảnh quá bi thương, khắc khổ của người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo ông, đây là cách khai thác đề tài không mang tính điển hình hóa, đi vào khai thác cái lạ để “ăn điểm”.
“Cách khai thác dù dễ đoạt giải, đặc biệt tại các cuộc thi ảnh quốc tế nhưng tôi không ủng hộ cách khai thác bi lụy, làm méo mó cái nhìn về Việt Nam ngày nay. Đất nước ta còn nhiều cảnh đẹp, nhiều con người đáng để lưu tâm và thể hiện trên ảnh hơn rất nhiều” - ông Vũ Quốc Khánh nhấn mạnh.
Giải thưởng nhiếp ảnh HIPA được thành lập vào năm 2011, dưới sự bảo trợ của hoàng tử Dubai - Hamdan bin Rashid bin Mohammed al Maktoum. Với tổng giải thưởng hàng năm lên tới 450.000 USD, đây là giải thưởng lớn nhất trong giới nhiếp ảnh và cũng là một trong những cuộc thi tạo điều kiện nhất cho người tham dự vì không thu lệ phí, không hạn chế độ tuổi, hay độ chuyên nghiệp của nhiếp ảnh gia, giới tính và quốc tịch.