Lục bộ quản lý đất nước thế nào?

GD&TĐ - Chúng ta thường nghe thời phong kiến triều đình có lục bộ, tên các bộ thì ai cũng biết, nhưng trách nhiệm của mỗi bộ thế nào thì chưa chắc đã nắm rõ. Ví dụ, bộ nào sẽ quản lý vấn đề y tế thời xưa?

Tranh vẽ bộ Lễ thời nhà Nguyễn.
Tranh vẽ bộ Lễ thời nhà Nguyễn.

Trả lời câu hỏi này, tra quan chế thời Lê, ta biết quản lý lĩnh vực thuốc men, y tế, cùng với bói toán, tăng đạo, thuộc trách nhiệm của bộ Lễ.

Các nước quân chủ Á Đông đều tổ chức triều đình theo mẫu của Trung Quốc, với sáu bộ chia nhau quản lý tất cả mọi mặt hoạt động của quốc gia. Đứng đầu mỗi bộ là chức Thượng thư. Nước ta, từ thời Lý, sử sách bắt đầu nói đến việc đặt chức thượng thư, nhưng tên các bộ chia đặt thế nào chưa rõ. Chỉ biết sử viết các nhân vật như Mạc Hiển Tích, Đoàn Văn Khâm đều làm chức thượng thư.

Đến thời Trần, vào niên hiệu Đại Khánh (1314 - 1324, đời vua Trần Minh Tông) và Quang Thái (1388 - 1398, đời vua Trần Thuận Tông) mới chia ra các bộ, như ông Doãn Bang Hiến làm Thượng thư bộ Lại, Đỗ nhân giám làm Thượng thư bộ Binh, Trần Chiêu Ngạn làm Thượng thư bộ Hình.

Theo khảo cứu của nhà bác học Phan Huy Chú trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “Quan chức chí”, thì thời Lê sơ, triều đình mới đặt hai bộ Lại và Lễ, còn lại chưa đặt đủ. Đến khi Lê Nghi Dân cướp ngôi của em là Lê Nhân Tông (năm 1459), mới đặt ra đủ sáu bộ. “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép, sau khi lật đổ Lê Nghi Dân, quần thần rước hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông, cũng chọn đặt thượng thư sáu bộ, đều ban cho mỗi vị ấn bộ. “Toàn thư” chép rằng năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Lê Thánh Tông sai sửa định “Hoàng triều quan chế”, ngoài sáu bộ còn lập các khoa để giám sát, và dụ các quan viên rằng: “Gọi lính lấy quân là việc của đốc phủ, mà thể thống phải do bộ Binh; chi ra thu vào là chức của bộ Hộ; mà giúp đỡ tất có khoa Hộ. Bộ Lại thăng bổ không xứng thì khoa Lại có quyền bác bỏ; bộ Lễ nghi chế không hợp lễ thì khoa Lễ được phép hặc tâu. Khoa Hình thì xét lại lời thẩm đoán của bộ Hình; khoa Công thì kiểm điểm hạn công tác của bộ Công”.

Theo quan chế triều Lê, các quan được xếp thành 9 bậc, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi bậc lại chia làm 2 cấp là chính và tòng. Xếp cao nhất, ở bậc chính nhất phẩm là ba chức thái sư, thái phó, thái bảo. Chức thượng thư sáu bộ xếp đầu hàng tòng nhị phẩm.

Phủ phụ chính triều vua Duy Tân. (Từ trái sang phải: Tôn Thất Hân - Thượng thư bộ Hình; Nguyễn Hữu Bài - Thượng thư bộ Lại; Huỳnh Côn - Thượng thư bộ Lễ; Hoàng thân Miên Lịch, Lê Trinh - Thượng thư bộ Công; Cao Xuân Dục - Thượng thư bộ Hộ. Ảnh tư liệu
Phủ phụ chính triều vua Duy Tân. (Từ trái sang phải: Tôn Thất Hân - Thượng thư bộ Hình; Nguyễn Hữu Bài - Thượng thư bộ Lại; Huỳnh Côn - Thượng thư bộ Lễ; Hoàng thân Miên Lịch, Lê Trinh - Thượng thư bộ Công; Cao Xuân Dục - Thượng thư bộ Hộ. Ảnh tư liệu

Năm 1675, khi vua Lê Hy Tông vừa lên nối ngôi thay anh là Lê Gia Tông, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, triều đình đã định lệ rõ ràng về chức chưởng của sáu bộ. Theo đó, bộ Lại giữ các việc quan tước, phong tứ, tuyển bổ, khảo xét, thăng giáng, các việc điều động, sung, bổ, cấp nhân sự. Bộ Hộ giữ việc đất đai, nhân dân, kho tàng, tiền lương, vận chuyển, các việc bổng lộc, tiến cống, thuế khóa. Bộ Lễ giữ các việc lễ nghi, cúng tế, vui mừng, yến ẩm, nhã nhạc, thi cử, nghi thức về áo mũ, ấn dấu, chương biểu, cống sứ, chầu hầu, kiêm giữ các việc thiên văn, thuốc men, bói toán, tăng đạo, giáo phường, đồng văn nhã nhạc.

Bộ Binh giữ các việc quân lính, cấm vệ, xe ngựa, nghi trượng, khí giới; các việc về biên cương, trấn thú, nhà trạm, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp. Bộ Hình giữ các việc luật lệnh hình pháp, xét xử kiện tụng, xử tội về ngũ hình (năm thứ hình phạt theo pháp luật thời Lê gồm xuy – đánh bằng roi, trượng – đánh bằng gậy, đồ - bắt đi làm khổ sai, lưu – đày đi xa, tử - giết). Bộ Công giữ các việc về thành hào, cầu cống, đường sá, việc thổ mộc, thợ làm các việc sửa chữa xây dựng, các điều cấm về núi rừng, vườn tược, sông chằm.

Tuy nhiên, sang đến thời Lê trung hưng, quyền lực nằm cả ở phủ chúa Trịnh, triều đình vua Lê dù vẫn có sáu bộ nhưng không còn thực quyền. Trong phủ chúa Trịnh, đặt ra các Phiên, để trực tiếp quản lý các lĩnh vực. Ban đầu, chỉ là các lĩnh vực quân sự, nên phủ chúa có ba phiên là Binh phiên, Hộ phiên và Thủy sư phiên. Đến đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương cho đặt đủ sáu phiên, gồm Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Tất cả mọi việc tiền tài, thuế khóa, việc quân, việc dân từ trong cung đến ngoài các xứ đều thuộc về các phiên ty quản lý. “Quan chức chí” của Phan Huy Chú viết: “Chức vụ sáu phiên nhiều và trọng yếu, chuyên hết mọi việc của sáu bộ”. Mãi đến khi vua Quang Trung ra Bắc diệt chúa Trịnh, vua Lê Chiêu Thống (1787 - 1788) mới bỏ các chức thuộc sáu phiên, công việc giao về cho sáu bộ.

Tuy nhiên, phẩm trật của các quan thượng thư trong sáu bộ ở triều Lê vẫn có sự khác nhau. Bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Chính biên, quyển 44, ghi sự kiện vào tháng 6 năm 1772, thời vua Lê Hiển Tông, như sau: “Trần Huy Mật, Thượng thư bộ Lại, bị giáng chức làm Thượng thư bộ Công”. Nhiều người sẽ thắc mắc, vì sao từ chức thượng thư này sang thượng thư khác lại là giáng chức?

Nguyên nhân đã được các sử gia triều Nguyễn biên soạn “Cương mục” giải thích rõ như sau: Theo quan chế triều Lê, các quan trong kinh, về hàng đô ngự sử và tả thị lang (tức ngay dưới thượng thư), nếu người nào tại chức lâu năm mà có tư cách, đức vọng và chính trị, thì được thăng chức thượng thư trong ba bộ: Bộ Binh, bộ Hình hoặc bộ Công, rồi sau đó mới chuyển lên thượng thư ba bộ: Bộ Lại, bộ Hộ hoặc bộ Lễ. Phẩm trật thượng thư trong sáu bộ đều tòng nhị phẩm, nhưng về chế độ bổng lộc thì Thượng thư bộ Công lại kém một bậc, bổng lộc được cấp theo trật chánh tam phẩm (tòng nhị phẩm bổng lộc cả năm 62 quan, chánh tam phẩm bổng lộc cả năm 56 quan). Vì thế, từ bộ Lại chuyển sang bộ Công gọi là giáng chức.

Triều Nguyễn vẫn giữ cơ chế sáu bộ như triều Lê, mãi đến thời vua Duy Tân, bộ Lễ được thay thế bằng bộ Học để phụ trách lĩnh vực học hành, thi cử. Bộ này đến thời vua Bảo Đại lại được đổi tên thành bộ Công tác, Mỹ thuật và Lễ nghi rồi sau đó là Bộ Giáo dục – Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ