Xử lý nghiêm hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ”
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6187/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ".
Nội dung Công văn nêu rõ, việc "đi chợ hộ" đã được triển khai trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng hủy đơn hàng "đi chợ hộ", gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi trên, để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.
Trước đó, TP. Hồ Chí Minh áp dụng phương án tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23/8 tới nay. Người dân được yêu cầu tuyệt đối ở nhà, không ra đường.
Để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân, nhiều lực lượng như bộ đội, tình nguyện viên được tăng cường tại TP. Hồ Chí để hỗ trợ người dân những việc thiết yếu trong đó có việc đi chợ mua sắm thực phẩm…
Tuy nhiên, theo báo chí phản ánh, việc "đi chợ hộ", tại nhiều nơi có tình trạng người dân sau khi đặt hàng và được bộ đội, tình nguyện viên mang đến nhà nhưng không nhận, hủy đơn hàng với nhiều lý do gây nhiều khó khăn cho lực lượng bộ đội, tình nguyện viên.
Hoạt động “đi chợ hộ” là việc làm vất vả
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết “hành vi “bom hàng” đối với những địa phương đang thực hiện chính sách “đi chợ hộ” mà do lỗi cố ý thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nguyên tắc nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, thậm chí ở mức cao hơn là “ai ở đâu, ở đó”, việc cung cấp lương thực thực phẩm do chính quyền địa phương đảm trách.
Khi người dân không được ra khỏi nhà thì việc cung cấp lương thực thực phẩm sẽ do chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh thực hiện để đảm bảo nhu cầu về lương thực thực phẩm cho người dân.
Có nhiều hình thức khác nhau để cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo đời sống cho nhân dân, trong đó có hình thức “đi chợ hộ”. Chính quyền địa phương có thể cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc liên lạc qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để tiếp nhận thông tin nhu cầu lương thực thực phẩm của các hộ gia đình, cá nhân; sau đó sẽ mua lương thực thực phẩm ở các siêu thị, chợ (thường là combo gói sẵn) rồi mang phân phát cho các gia đình, đồng thời thu tiền.
Hoạt động “đi chợ hộ” là việc làm vất vả, thường xuyên nên đòi hỏi lực lượng hỗ trợ rất lớn để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của nhân dân. Ngoài lực lượng tại chỗ ở địa phương thì quân đội cũng đã huy động hàng ngàn chiến sĩ tham gia hỗ trợ người dân trong việc đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm.
Đó là những nỗ lực hết sức to lớn, là trách nhiệm của chính quyền để chăm lo cho đời sống nhân dân vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Đây cũng là việc làm rất tình nghĩa, rất đáng trân trọng và cần phải được ghi nhận, tạo điều kiện để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ, người dân có lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong thời gian dịch bệnh hiện nay.
Thực tiễn thực hiện hoạt động đi chợ hộ trong thời gian qua thì phát hiện nhiều trường hợp người dân sau khi đặt hàng thì đã không liên hệ được hoặc từ chối nhận hàng gây khó khăn cho lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, tạo ra những dư luận xấu trong xã hội. Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân từ những vụ việc người dân không nhận hàng này để xử lý theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Cũng theo Luật sư Cường, những trường hợp người dân không liên hệ được sau khi đặt hàng thì phải tìm hiểu nguyên nhân do họ hỏng điện thoại, do tắt máy, do họ đã nhập viện cấp cứu hay là nguyên nhân nào khác.
Nếu là nguyên nhân khách quan thì chuyện này thì hoàn toàn có thể thông cảm và lực lượng chức năng sẽ tìm giải pháp khác là chuyển lương thực thực phẩm đó cho người khác hoặc hỗ trợ các đồng bào khác thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Trường hợp người dân sau khi đặt hàng mà cố tình không nhận hàng với lý do không chính đáng, nhằm gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan chức năng hoặc không có mục đích nhận hàng nhưng cố tình đưa tin sai sự thật, đặt hàng để cản trở hoạt động thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Sau khi đặt hàng rồi thì tắt máy, khóa máy, trốn tránh việc liên hệ làm việc với lực lượng chức năng thì đây là những hành vi rất đáng trách, đáng lên án và phải xử lý theo quy định của pháp luật bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ” bị xử lý như nào?
Cụ thể, với hành vi không có nhu cầu thực phẩm nhưng lại cố tình đặt hàng rồi không nhận hàng thì đây là hành vi đưa tin sai sự thật, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện vậy mất sự phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Hành vi không thực hiện chính sách đi chợ hộ trong thời điểm dịch bệnh còn là hành vi không chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Hành vi cố tình không nhận hàng còn là hành vi cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, công vụ nên có thể được xác định là hành vi chống người thi hành công vụ. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với chế tài 2.000.000 đến 5.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo điều 330 bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp có những đối tượng vì động cơ chính trị, vì mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân mà gây khó khăn trở ngại cho hoạt động phòng chống dịch bệnh (đặt hàng nhiều lần, với nhiều người nhưng không nhận hàng, mặc dù đã được nhắc nhở, giáo dục hoặc đã bị xử phạt nhưng vẫn tính cố tình vi phạm) nhằm cản trở các chính sách, pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội đi kèm với đó là các hành vi khác nhằm chống chính quyền nhân dân thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia mà bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định tùy thuộc vào động cơ mục đích và hành vi cụ thể.