Luật sư Lê Đình Ứng: "Nguyễn Xuân Sơn không liên quan đến sai phạm Hợp đồng 33"

GD&TĐ - Sáng 13/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 thuộc cấp liên quan đến sai phạm dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục diễn ra. Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, luật sư Lê Đình Ứng cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không liên quan đến sai phạm Hợp đồng 33

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Luật sư Lê Đình Ứng cho rằng, Hợp đồng 33 có sai sót thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không có trách nhiệm liên quan vì sau khi chuyển đổi hợp đồng, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh là người phụ trách.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện sự án Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PVN.

Dù biết rõ hợp đồng EPC số 33 ký trái quy định nhưng ông Sơn vẫn chỉ đạo Ban QLDA tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 119 tỷ đồng sai mục đích.

Hành vi của bị cáo Sơn phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên tòa ngày 11/1, trong bản luận tội của VKS ND TP. Hà Nội, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị đề xuất mức án từ 10 đến 11 năm tù.

Trước đó, giai đoạn lấy lời khai của cơ quan điều tra, ông Sơn không mời luật sư bào chữa vì cho rằng mình làm đúng quy định của PVN. Ông Sơn đã tự bào chữa cho mình.

Tuy nhiên đến nay, do sức khỏe không đảm bảo, thấy cần luật sư trình bày rõ cho mình trong vụ án, ông Sơn đã mời luật sư Lê Đình Ứng.

Theo luật sư Lê Đình Ứng, chủ trương xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được lập trước khi ông Sơn về PVN, các tài liệu chứng cứ đã thể hiện rõ điều này.

Ông Thăng, ông Thực cũng đã khai nhận rõ điều này với HĐXX. Bởi vậy, ông Nguyễn Xuân Sơn không được tham gia đàm phán, phê duyệt hợp đồng 33.

Sau khi chuyển đổi hợp đồng, HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc đã phân công cho Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh phụ trách chứ không liên quan đến ông Nguyễn Xuân Sơn.

Luật sư Ứng phân tích: “Một ông phụ trách về sức khỏe thì vấn đề sức khỏe phải báo cáo ông ấy chứ không thể báo cáo ông không biết gì về sức khỏe.

Tôi lấy ví dụ như vậy để nói rằng ban chuyên theo dõi về điện, than không có bị cáo Sơn. Vì vậy, việc HĐ 33 có sai sót, không ai phải báo cáo ông Sơn và ông cũng không có trách nhiệm theo dõi vấn đề này".

Theo luật sư Lê Đình Ứng: "Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do ông Vũ Hồng Chương làm Trưởng ban có quy chế quản lý tài chính riêng. Căn cứ vào cuộc họp tại công trường ngày 3/6/2011, theo thông báo ý kiến của Chủ tịch HĐTV đã có chỉ đạo ứng vốn cho PVC 10% nhưng hiệu lực hợp đồng 33 vẫn giữ như cũ".

“Xuyên suốt các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và cả ngay trong bản cáo trạng cũng không hề có nội dung nào thể hiện bị cáo Nguyễn Xuân Sơn biết hợp đồng 33 có sai sót. Cũng không có nội dung nào về ai báo cáo với bị cáo Sơn việc sai sót này”, luật sư Ứng phân tích.

Luật sư Ứng tiếp tục bào chữa: "Với việc nhắc nhở, ứng vốn cho PVC theo luật sư, bị cáo Sơn thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công. Hoàn toàn theo quy chế tài chính của PVN và theo quy định hiện hành.

Như vậy, với các căn cứ nêu trên, lần tạm ứng đầu tiên của PVN với PVC ông Sơn ký quyết định tạm cấp vốn cho Ban quản lý dự án là đúng quy chế tập đoàn. Yêu cầu sử dụng vốn đúng mục đích, đúng quy chế của PVN.

Đối với khoản tạm ứng lần 2 theo việc phê duyệt của Chủ tịch HĐTV, ông Sơn đã thực hiện đúng quy chế PVN và thể hiện trách nhiệm của người chịu trách nhiệm quản lý phần vốn của Tập đoàn...".

Xác định thiệt hại của giá trị hợp đồng 33 trước đó đã có nhiều luật sư đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong kết luận giám định, ông Ứng bày tỏ sự đồng tình với các luật sư khác và không có ý kiến gì thêm.

Giống các luật sư trình bày trước đó, ông Ứng yêu cầu HĐXX xem xét căn cứ, phương pháp giám định thiệt hại khoản tiền 1.100 tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích.

Trong trường hợp phát sinh thiệt hại thì trách nhiệm thuộc công ty con là PVC, không thuộc PVN.

Luật sư Ứng đề xuất áp dụng hết các tình tiết có lợi để áp dụng cho bị cáo Sơn.

"Trong quá trình điều tra, bị cáo Sơn đã thành khẩn khai báo, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án, bản thân ông Sơn cũng rất ăn năn, hối cải nên mong HĐXX sẽ giảm hình phạt với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Xem xét tổng thể, toàn cảnh vụ án, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là người chỉ đạo cũng chỉ mong muốn đẩy nhanh tiến độ nên cấp dưới, trong đó có ông Nguyễn Xuân Sơn mới sai phạm", luật sư Ứng nói.

Trong khi đó, luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu) cũng cho rằng kết quả xác định giám định chưa rõ ràng, khách quan.

Luật sư Quang cho rằng hành vi của bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính – kế toán Tập đoàn Dầu khí vi phạm quy định pháp luật nhưng không có động cơ xấu.

PVN không phải tổ chức cho vay lấy lãi nên không thể lấy mức lãi suất để áp dụng tính thiệt hại.

Luật sư Quang cho rằng, trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Quỳnh luôn thành khẩn, tạo điều kiện để cơ quan tố tụng điều tra vụ án. Trường hợp xác định bị cáo Quỳnh phạm tội như quy kết của cơ quan tố tụng, luật sư Quang mong HĐXX áp dụng khung hình phạt thấp nhất cho bị cáo này.

Luật sư Quang yêu cầu trả hồ sơ bổ sung để điều tra làm rõ.

Về trường hợp Lê Đình Mậu (nguyên Phó trưởng ban kế toán và kiểm toán PVN), luật sư nói qua nghiên cứu hồ sơ đã nhận định bị cáo này không thể biết việc cấp vốn thiếu căn cứ pháp lý.

Luật sư Quang mong đại diện VKS trong phần tranh luận sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy bị cáo Mậu nắm rõ tình trạng pháp lý của hợp đồng EPC số 33 nhưng cố ý làm trái quy định.

Ngoài ra, luật sư cho rằng việc ông Mậu ký vào 6 giấy ủy nhiệm là thực hiện theo ủy quyền trong thời gian Kế toán trưởng đi công tác. Các thủ tục này đã được lãnh đạo tập đoàn phê duyệt. Người bào chữa đề nghị cho bị cáo này được hưởng án treo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ