Phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm chiều 8/1: Các bị cáo nguyên lãnh đạo PVC khai gì?

GD&TĐ - Chiều 8/1, phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm bước vào phần thẩm vấn.

Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn đầu tiên. Ảnh: theo NLĐ
Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn đầu tiên. Ảnh: theo NLĐ

Khoảng 13h30, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty PVC tiếp tục làm việc sau giờ nghỉ trưa.

Nguyên Tổng giám đốc PVC: PVC không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm nhưng vẫn nhận dự án vì… khó khăn

Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn đầu tiên.

Theo cơ quan tố tụng, cuối năm 2007, ông Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, để thực hiện mục tiêu xây dựng Tổng công ty này trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam.

Gần 2 năm sau, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng công ty Sông Đà về làm Phó tổng giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.

Vũ Đức Thuận là người ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC để được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.132 tỷ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ trong số tiền tạm ứng này sai mục đích không đưa vào dự án gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Vũ Đức Thuận cùng với Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Thuận được ăn chia 800 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

Tại phiên tòa chiều nay, ông Thuận khai Hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ vì chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được duyệt phương án.

Tòa chất vấn: "Vậy vì sao lại ký?".

Bị cáo trả lời: "Ký để tạo công ăn việc làm cho người lao động và Chủ tịch HĐQT cũng đã đồng ý. Ngoài ra còn ký để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác".

Ông Thuận còn thừa nhận PVC không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để thực hiện dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 song lúc đó tình hình tài chính của PVC khó khăn nên vẫn cứ nhận.

Thẩm phán Trương Việt Toàn liên tục đặt các câu hỏi với ông Thuận. Ông Thuận khai sau ngày khởi công dự án đã giao cho Phó tổng giám đốc ký công văn đề nghị chủ đầu tư là PVPower tạm ứng. Nhưng do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư về cho PVN. Hợp đồng 4194 được ký lại dựa trên hợp đồng 33 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện.

“Chưa đủ điều kiện nhưng cứ ký để có tiền đã đúng không?”, thẩm phán hỏi và bị cáo Thuận nói đúng.

Theo lời khai của bị cáo Thuận, khi có tiền tạm ứng về, PVC rất khó khăn về tài chính nên lấy luôn tiền tạm ứng để trả gốc, lãi nợ ngân hàng...

"Bị cáo nghĩ sao về việc sử dụng tiền sai mục đích?", thẩm phán tiếp tục hỏi.

Ông Thuận vẫn giải thích do áp lực trả nợ tiền vay ngân hàng, khó khăn về tài chính ở thời điểm đó và "mọi việc đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Xuân Thanh" - nguyên Tổng giám đốc PVC khai.

Chủ tọa chất vấn bị cáo Thuận: "Đến nay bị cáo nhận thức gì về hành vi của mình?".

Ông Thuận đáp: "Sau khi làm việc với các cơ quan tố tụng, bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là sai".

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó chủ tịch HĐQT PVC): Phủ nhận mọi cáo buộc

Sau ông Thuận, tòa thẩm vấn bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó chủ tịch HĐQT PVC). Tuy nhiên, ông Quý phủ nhận mọi cáo buộc, nói "không biết, không được hỏi ý kiến" về những việc làm trái quy định tại PVC.

Khi thẩm phán Toàn hỏi "có cần tòa công bố lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra không?", ông Quý vẫn khẳng định "không biết".

Thẩm phán ngay sau đó đọc lời khai của ông Quý tại cơ quan điều tra và ông Quý đã thay đổi câu trả lời trước đó, thừa nhận "có ký duyệt chi tiền cho phương án tái cấu trúc".

Với nhiều câu hỏi của tòa, ông Quý đều phủ nhận có liên quan trách nhiệm hoặc nói "không nhớ".

Khi ông Quý nói không biết PVC lấy tiền ở đâu để đầu tư cho công ty con, thẩm phán truy vấn: "Thực tế, nếu có một khoản tiền khổng lồ như vậy thì có thể nào không biết nguồn tiền ở đâu mà vẫn chi tiêu không?”. Sau đó, ông Quý không trả lời.

Bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC: Đến 30/4/2011 PVC đã đầu tư quá vốn điều lệ 1.013 tỷ

Bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC khai khi HĐ EPC số 33 được ký kết, bị cáo chưa được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng, sau này có đọc lại HĐ và thấy nhiều nội dung còn sơ sài. Đạt làm báo cáo nhanh về tình hình tài chính được làm hàng tháng, quý, phân tích đánh giá tình hình tài chính của đơn vị. Báo cáo này có gửi lên HĐQT và có báo cáo với Thuận và Tiến.

Thuận có họp đánh giá về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2011 và khen báo cáo của Đạt làm cẩn thận, dặn bị cáo tập trung thu hồi, giám sát tài chính để làm cho tài chính lành mạnh hơn.

Nội dung báo cáo gồm, đến 30/4/2011 PVC đã đầu tư quá vốn điều lệ 1.013 tỷ, PVC đã vay hơn 800 tỷ trên tổng số 721 tỷ được phê duyệt hạn mức; hầu hết các khoản nợ này đến quý 3/2011 đến hạn trả nợ; tình hình công nợ phải thu của PVC rất lớn và bị các đơn vị chiếm dụng vốn, trong khi PVC phải đi vay lãi ngân hàng; rủi ro tình hình tài chính do các khoản đầu tư của PVC nếu các đơn vị không có những cải thiện trong công tác tài chính thì PVC sẽ phải trích lập dự phòng.

Đối với số tiền tạm ứng cho NMNĐ Thái Bình 2, thời điểm đó tình hình tài chính của PVC mất cân đối trầm trọng. Các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn phải trả nợ, nên khi tiền tạm ứng về hầu hết ngân hàng thu nợ trên tài khoản. Không có cách nào khác.

Đối với khoản đầu tư tài chính, theo phương án tăng vốn được ĐHCĐ phê duyệt khi phương án tăng vốn được hoàn thành. Nhưng HĐQT ra nghị quyết góp vốn trước khi phương án tăng vốn hoàn thành. Trước tình trạng đó, bị cáo có báo cáo HĐQT, Ban TGĐ về tình hình tài chính khó khăn, bị cáo biết là mình sai nhưng không có cách nào khác. Liên quan đến khoản đầu tư tài chính bị cáo thực hiện theo nghị quyết HĐQT, bị cáo không nhớ cụ thể ai chỉ đạo trực tiếp vì có rất nhiều nghị quyết.

Riêng khoản trả nợ ngân hàng là 763 tỷ đồng, còn lại đầu tư góp vốn vào các đơn vị hơn 200 tỷ đồng, hỗ trợ vốn lưu động cho các công trình hơn 100 tỷ. Theo nhận thức ban đầu, bị cáo làm về tài chính nên việc thu xếp tiền nhàn rỗi phục vụ cho nhu cầu trước mắt thì sẽ tạm sử dụng sau đó thu hồi về để trả lại, bị cáo nghĩ chắc là sẽ không gây hậu quả gì. Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã nhận thức được việc làm đó là sai.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng GĐ của PVN nói về vai trò của Đinh La Thăng tại PVN

Trả lời về việc liên quan đến hợp đồng số 33, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng GĐ của PVN cho biết:

Thời gian đó bị cáo mới về PVN nên toàn bộ chuẩn việc bị dự án, ký kết hợp đồng, chuyển giao hợp đồng bị cáo không được tham gia, không được theo dõi. Còn khi hợp đồng được chuyển đổi về PVN, theo yêu cầu Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình trọng điểm cần phải đẩy nhanh tiến độ dự án, phải ứng cho nhà thầu một khoản vốn để thực hiện.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn.

Theo bị cáo Sơn, việc PVN ứng và chuyển tiền cho PVC theo chức trách, chuyên môn đã được PVN quy định.

HĐXX hỏi bị cáo có biết hợp đồng số 33 chưa phù hợp với quy định của pháp luật không, bị cáo Sơn trả lời: “Bị cáo thú thật không biết hợp đồng số 33 không đủ điều kiện thực hiện, chỉ biết đây là công trình lớn được PVN và các cơ quan ban ngành thẩm định, được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu và PVN đã ký với nhà thầu.

Bị cáo không kiểm tra lại các yếu tố để cấu thành hợp đồng, sau này khi làm việc với Kiểm sát viên cao cấp lúc đó bị cáo mới biết hợp đồng vi phạm pháp luật”. Bị cáo Sơn cho biết thấy có trách nhiệm trong việc quản lý tài chính của PVN.

Thẩm phán Trương Việt Toàn đã hỏi bị cáo Sơn về vai trò của bị cáo Đinh La Thăng tại PVN. Bị cáo Sơn cho rằng,  đơn vị nào cũng thế, người đứng đầu có yếu tố quyết định tất cả các công việc, nhất là đối với đơn vị kinh doanh, lãnh đạo đã quyết là làm, chứ không có chuyện bàn đi bàn lại thế này thế kia.

Bị cáo Sơn cho biết thêm, cách chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng như mệnh lệnh, tuy nhiên nếu biết hợp đồng số 33 có vấn đề thì sẽ không thực hiện. HĐXX hỏi bị cáo Sơn, tại sao trong lần chuyển tiền đầu tiên của PVN cho PVC ông Thăng lại mắng, có gì bất ổn mới mắng?

“Đây là cách của anh Thăng trong quá trình triển khai công việc”, bị cáo Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.