“Đóng băng” ngân sách
Tổng thống Bolsonaro cho rằng cần thúc đẩy nền GD ở trẻ mà “không truyền dạy”. Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông đã tái khẳng định ưu tiên đối với bậc GD tiểu học. Với những tư tưởng hoàn toàn trái ngược với Bộ trưởng Giáo dục lúc đó, ông Ricardo Vélez Rodríguez, tháng 4/2019, Tổng thống Brazil đã ra quyết định cách chức vị Bộ trưởng này. Không lâu sau đó, Tổng thống
Bolsonaro đã bổ nhiệm ông Abraham Weintraub, một nhà kinh tế học kiêm giáo sư tại Đại học Liên bang Sao Paulo, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục. Ngày 30/4, vị tân Bộ trưởng tuyên bố, các trường đại học có hiệu suất hoạt động kém là “những tổ chức tồi” và nên bị cắt giảm ngân sách tài trợ liên bang. Quyết định cắt giảm 30% ngân sách đã có ảnh hưởng không nhỏ đến 3 trong số các trường đại học liên bang nổi tiếng nhất quốc gia này: Brasilia (UnB), Bahia (UFBA) và Fluminense (UFF).
Cũng theo Bộ trưởng Weintraub, điều cần thiết là tập trung vào các sản phẩm cũng như thứ hạng của các cơ sở GD. Tuy nhiên, theo Xếp hạng ĐH Thế giới Times Higher
Education, ĐH Liên bang UnB và UFBA đã có sự cải thiện thành tích đáng kể so với năm trước, còn trường UFF vẫn duy trì phong độ như cũ. Ngoài ra, bảng xếp hạng của tờ báo hàng đầu Brazil, Folha de Sao Paolo cho thấy, cả 3 tổ chức bị Bộ trưởng cắt giảm ngân sách nói trên đều nằm trong số 20 trường ĐH tốt nhất cả nước kể từ năm 2012.
Vì vậy, trong vòng 2 ngày kể từ khi tuyên bố được đưa ra, chính phủ Brazil đã áp dụng cắt giảm ngân sách đối với tất cả các tổ chức GD đại học do chính phủ tài trợ: 69 trường đại học liên bang và 39 viện liên bang. Giải thích về quyết định này, ông Weintraub khẳng định, “ưu tiên hàng đầu của ngành GD hiện nay là trường mầm non, tiểu học và trường kỹ thuật”. Tuy nhiên, các viện liên bang chủ yếu cung cấp các khóa học kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách mới này.
Khoản cắt giảm 1,8 tỷ USD chỉ tương ứng với 3,4% tổng ngân sách, nhưng nếu xem xét tới các chi phí không bắt buộc, bao gồm điện, nước Internet và các dịch vụ khác, các trường đại học chỉ còn chưa đến khoảng 30% tiền hỗ trợ. Trước nhiều ý kiến phản đối, Bộ trưởng Weintraub cho rằng, biện pháp này không phải là một sự cắt giảm, mà là “đóng băng ngân sách”. Ông khẳng định, các tổ chức GD có thể nhận được toàn bộ số tiền nếu tình hình tài chính của chính phủ Brazil được cải thiện. Ngoài ra, theo ông Weintraub, cách lãnh đạo của các chính quyền trước là “một thảm họa”.
Cắt giảm nối tiếp cắt giảm
Tuyên bố từ Bộ GD Brazil thu hút sự quan tâm lớn của cả cộng đồng GD nước này. Nguyên nhân chủ yếu là do trong 4 năm qua, số tiền chính phủ đầu tư vào lĩnh vực này đã giảm tới 54%. Trong nhiệm kỳ của các cựu Tổng thống Dilma Rousseff và Michel Temer cũng đã có những chính sách cắt giảm, đặc biệt là vào năm 2015, khi ông Rousseff cắt giảm 9,4 tỷ BRL (khoảng 2,4 tỷ USD) ngân sách cho GD. Bị thu hẹp kinh tế trong nhiều năm, hiệu trưởng các trường đại học và viện nghiên cứu liên bang mới đây đã tuyên bố, chính phủ không thể tiếp tục cắt giảm chi phí. Một số tổ chức thậm chí cho biết, họ chỉ còn đủ ngân sách để vận hành cho đến tháng10 năm nay.
Hôm 15/5, hàng chục nghìn người đã xuống đường trên khắp Brazil, phản đối chính sách cắt giảm đối với nền GD. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn đầu tiên tại quốc gia này kể từ năm 2016. Trước làn sóng phản đối dữ dội, Tổng thống Jair Bolsonaro đã có phản ứng gay gắt, chỉ trích những người biểu tình này là “những kẻ ngốc” và “thiểu năng”. Cũng theo ông
Bolsonaro, cắt giảm ngân sách ngành GD là biện pháp vô cùng cần thiết; đồng thời, khẳng định chính phủ đang nỗ lực hơn trong việc giảm chi tiêu công.
Vài tuần trở lại đây, Tổng thống Brazil tiếp tục chia sẻ trên Twitter về ý định cắt giảm tài trợ công cho các khóa xã hội học và triết học. Bên cạnh đó, Cơ quan nghiên cứu sau đại học (CAPES) cũng tuyên bố đình chỉ các khoản trợ cấp và học bổng dành cho thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Ngoài ra, Tổng thống Bolsonaro còn là một trong những người ủng hộ lớn nhất của “Trường không đảng” - một dự án được cho là theo phong trào bảo thủ, chống lại tư tưởng cánh tả vốn được lan truyền trong các trường và đại học.
Nhiều nhà GD cho rằng, đây là một hình thức kiểm soát, khiến học sinh chống lại giáo viên. Do nhận được nhiều ý kiến trái chiều, dự án này đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, không ít người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những quyết định của Tổng thống Bolsonaro. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, cách tiếp cận ưu tiên cấp độ GD tiểu học đã nhận được nhiều ý kiến bảo vệ.
Do những chính sách của mình, tháng 3 vừa qua, ông Bolsonaro đã nhận được nhiều đánh giá không tích cực trong 3 tháng đầu tại vị Tổng thống. Việc đóng băng ngân sách GD không chỉ là nguyên nhân của các cuộc biểu tình, mà còn khiến ông Bolsonaro phải hứng chịu sự lên án từ một số đồng minh, như thành viên Quốc hội, ông Wagner Gomes.
Trước bối cảnh đó, hàng triệu sinh viên Brazil đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng từ cuộc xung đột chính trị. Theo những người này, các thông điệp của Tổng thống cũng như Bộ trưởng GD đều không thể tạo ra sự lạc quan cho thành viên trong cộng đồng GD nước này. Các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp được dẫn đầu bởi tầng lớp sinh viên và hiệp hội GD. Theo tiết lộ từ chính quyền Tổng thống Bolsonaro, phần lớn những người này không có mối liên hệ với bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn đang tiếp tục gây ra tranh cãi khi ủng hộ việc cắt giảm ngân sách, bất chấp các cuộc biểu tình và cả những sự bất mãn trong nội bộ. Đối với sinh viên và các nhà GD trên khắp Brazil, có vẻ như những ngày khó khăn sẽ còn chờ họ ở phía trước.