Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến huy động nguồn lực xã hội bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Hồi hương cổ vật bằng ngân sách
Luật Di sản văn hóa gồm 9 chương, 95 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 quy định hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân; giải quyết điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác; mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định.
Luật cũng quy định ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số… Bảo đảm giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu; lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương...
Đáng chú ý, Luật Di sản văn hóa quy định việc hồi hương cổ vật bằng ngân sách. Tại Điều 51 về thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, thông báo với cơ quan Nhà nước; mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được Bộ VH,TT&DL xác định, đề xuất, Thủ tướng quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam.
Bộ VH,TT&DL chỉ đạo lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất phương án thu hồi hoặc mua, cấp giấy phép nhập khẩu và đưa về nước. Cơ quan này đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công trong phát hiện, hồi hương di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam.
Trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài có xuất xứ trên địa bàn, UBND cấp tỉnh tổ chức nhận diện, lập danh mục và xác định giá trị; huy động nguồn lực theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Bộ VH,TT&DL để thu hồi và đưa về nước.
Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam để trưng bày, bảo vệ và phát huy giá trị không vì mục đích lợi nhuận hoặc tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước, được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế phí và lệ phí.
Sẽ thêm nhiều cổ vật được hồi hương
Để ngăn chặn vấn nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài, Luật nghiêm cấm mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp. Đồng thời cũng nghiêm cấm hành vi: Chiếm đoạt di sản văn hóa; làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích, nội dung và giá trị của di tích, di sản tư liệu.
Phổ biến, thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị; xâm hại, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa và cảnh quan văn hóa; khai thác, sử dụng di sản văn hóa làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc; công nhận, trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa trái quy định.
Đánh giá về việc hồi hương cổ vật, TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, với những quy định rõ ràng sẽ có thêm nhiều cổ vật được về nước, góp phần bổ sung, hoàn thiện bộ tài sản văn hóa quốc gia. Các di sản được hồi hương không chỉ có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào dân tộc.
Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn lại cho rằng, việc hồi hương cổ vật là cần thiết, song cũng chỉ nên hồi hương những cổ vật giá trị, mang ý nghĩa lớn về lịch sử nói chung, về những giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc nói riêng. Những cổ vật không quan trọng, không mang nhiều giá trị lịch sử không cần thiết hồi hương. Bởi về bản chất, khi cổ vật Việt Nam được trưng bày hay đấu giá ở nước ngoài cũng góp phần quảng bá giá trị văn hóa – lịch sử Việt Nam.
Ngoài nội dung hồi hương cổ vật, Luật vừa thông qua cũng bổ sung quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ.
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cổ vật của Việt Nam thời gian qua liên tục bị chào bán ở nước ngoài. Tháng 10/2021, mũ quan triều Nguyễn được bán 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá cổ vật tại Tây Ban Nha. Tháng 6/2022, bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức đạt mức 845.000 euro (20,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Drouot. Tháng 11/2022, hãng đấu giá Millon (Pháp) chào bán ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng với giá 2 - 3 triệu euro (48 - 72 tỷ đồng).