Đình chỉ xây dựng chùa xâm lấn di tích quốc gia
Ngày 18/11, ông Đặng Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Thanh Chương báo cáo về việc chùa Linh Sâm (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) xây dựng xâm lấn di tích lịch sử quốc gia đền Hữu.
Cụ thể, UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Chương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra kịp thời xử lý các hành vi, vi phạm theo đúng qui định pháp luật.
Trong vòng 2 tháng, nhiều vật liệu xây dựng, gỗ được vận chuyển liên tục đến xây dựng chùa Linh Sâm (xã Thanh Yên, Thanh Chương, Nghệ An |
Trước đó, người dân xã Thanh Yên phản ánh hơn 2 tháng qua có hoạt động khẩn trương xây dựng chùa Linh Sâm khi chưa được cấp thẩm quyền cấp phép đầy đủ.
Ông Nguyễn Cảnh Truyền, người trông coi đền Hữu cho biết: “Khoảng 2 tháng nay, đoạn đường vào đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) liên tục có xe tải qua lại. Vật liệu xây dựng được vận chuyển ngày đêm để xây dựng chùa như gỗ, ngói. Khu vực mà chủ đầu tư xây dựng chùa đã chồng lấn lên phần lớn diện tích vùng II khu vực bảo vệ di tích Quốc gia đền Hữu”.
Thông báo đình chỉ thi công chùa Linh Sâm của UBND xã Thanh Yên nhưng sau 10 ngày, chủ đầu tư tiếp tục thi công |
Ông Nguyễn Cảnh Điền - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên thừa nhận việc người dân phản ánh. Theo ông Điền thì chủ đầu tư đã xây dựng chùa Linh Sâm khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Chùa Linh Sâm chưa được cấp phép xây dựng và phần lớn diện tích nằm trong khu vực bảo vệ của Di tích lịch sử quốc gia đền Hữu.
Giải thích về việc chùa Linh Sâm đã xây dựng chồng lấn lên vùng II khu vực bảo vệ di tích Quốc gia đền Hữu, ông Nguyễn Cảnh Điền cho biết do địa chính xã không có Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Đền Hữu nên đã chỉ sai cho chủ đầu tư và thừa nhận sự sai sót này.
Sau đó xã đã ra thông báo đình chỉ việc xây chùa. Nhưng sau 10 ngày đình chỉ, chùa Linh Sâm tiếp tục được thi công. Đến nay, khu vực này đã mọc lên 6 tòa nhà và cổng tam quan với kiến trúc đồ sộ cơ bản hoàn thành phần thô.
Chùa xây dựng trái phép và xem thường Luật di sản
Trước đó Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An có tờ trình Đề nghị thành lập cơ sở tôn giáo trực thuộc - chùa Linh Sâm tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Vị trí bên phải là đền Hữu (đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan là Di tích LSVH cấp Quốc gia) thuộc tờ bản đồ 5, thửa đất số 163, diện tích khoảng 3.931,9 m2 theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2014.
Ngày 26/7/2019 UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 5198/UBND-NC chấp thuận tờ trình thành lập Chùa Linh Sâm, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương.
Hiện công trình chùa Linh Sâm đã bị đình chỉ để làm rõ việc xâm lấn khu vực di tích Đền Hữu |
Tháng 8/2019, chùa được khởi công xây dựng (chùa cũ đã bị phá hủy) ngay cạnh bên trái đền Hữu (làng Xuân Bảng, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Tuy nhiên, theo cao niên trong làng, chùa Linh Sâm cũ nằm trên đồi Ó, cách đền Hữu khoảng 1km chứ không nằm bên cạnh.
Nhiều người trong dòng họ Nguyễn Cảnh phản ứng vì chùa xây lấn lên phạm vi bảo vệ di tích đền Hữu. Ông Nguyễn Cảnh Nhu, đại diện dòng họ Nguyễn Cảnh bức xúc:
“Không chỉ xâm phạm đất di tích, chủ đầu tư còn dùng cả một ngôi nhà cổ thuộc đền Hữu để làm chỗ sinh hoạt cho công nhân xây dựng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và sự linh thiêng của đền”
Liên quan đến sự việc này, ngày 12/11, đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An do bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc làm trưởng đoàn đã đến Di tích Quốc gia Đền Hữu kiểm tra. Sau đó, Sở này đã báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An để có phương hướng xử lý.
Chùa Linh Sâm cạnh đền Hữu đã xây cơ bản phần thô. Theo cao niên trong làng, chùa cũ không nằm cạnh mà cách đền khoảng 1km. |
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Công trình xây dựng chùa tại Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Hữu do Ban Tôn giáo Tỉnh Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh. Ban Tôn giáo đã không xin ý kiến tham mưu qua cơ quan thẩm quyền về Di tích văn hóa là Sở VH&TT. Công trình chùa xây dựng trái phép như thế không những vi phạm Luật Xây dựng mà còn xem thường Luật Di sản văn hóa.
Theo tư liệu, đền Hữu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thờ Thái phó tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng. Toàn bộ khu vực đền Hữu rộng khoảng 3,2ha.
Để bảo vệ di tích, ngày 20/5/2008 lãnh đạo các ngành tỉnh Nghệ An đã ký bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích (Vùng I và vùng II).
Năm 2009, đền Hữu được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm tuổi cùng nhiều cổ vật, di vật có giá trị.