'Luật công bằng tài chính' có công bằng?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - UEFA đã công bố danh sách 8 câu lạc bộ vi phạm Luật công bằng tài chính và án phạt. Nhưng một số “đối tượng cộm cán” lại thoát nạn.

Hợp đồng mới với Kylian Mbappe là nguyên nhân khiến PSG bị phạt.
Hợp đồng mới với Kylian Mbappe là nguyên nhân khiến PSG bị phạt.

PSG dẫn đầu “danh sách đen”

Trên trang chủ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), 8 câu lạc bộ bị phạt tiền bao gồm AC Milan, AS Roma, Inter Milan và Juventus (Ý); Marseille, AS Monaco và PSG (Pháp); Besiktas (Thổ Nhĩ Kỳ). Các đội bóng này phải chấp nhận đóng phạt tổng cộng 172 triệu euro. Trong đó, 26 triệu euro (15%) được thanh toán bằng cách bị UEFA khấu trừ trực tiếp vào doanh thu câu lạc bộ kiếm được khi tham gia vào các giải đấu mà họ tổ chức hoặc trả trực tiếp.

PSG là đội nhận án nặng nhất với 65 triệu euro. Xếp sau là 2 đại diện Serie A, Roma, Inter với số tiền phạt lần lượt là 35 triệu euro và 26 triệu euro. Juventus, AC Milan lần lượt là 23, 15 triệu euro. 4 triệu euro là hình phạt dành cho Besiktas. Marseille và Monaco đều đóng cùng 2 triệu euro. Đây là án phạt dựa trên phân tích tài chính của các câu lạc bộ từ năm 2018 đến 2021.

Sở dĩ PSG dẫn đầu danh sách phạt của UEFA có nguyên nhân tới từ Mbappe và Messi. Cuối tháng 5, đội bóng nước Pháp giữ chân thành công Kylian Mbappe theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Đổi lại, đội bóng thủ đô phải trả cho tiền đạo người Pháp mức lương 50 triệu euro mỗi mùa, đi kèm đó là khoản tiền thưởng lên đến 180 triệu euro.

PSG còn phải trả thêm 40 triệu euro cho Lionel Messi trong năm cuối cùng của hợp đồng. Trong khi đó, PSG cho rằng tài chính của họ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi tập đoàn Mediapro phá hợp đồng mua bản quyền phát sóng Ligue 1 vào cuối năm 2021. Theo truyền thông Tây Ban Nha, Le Parisien đã thua lỗ 120 triệu euro bởi thương vụ làm ăn đổ bể này và án phạt từ UEFA là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài việc bị phạt, các câu lạc bộ sẽ bị cảnh cáo về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu họ vi phạm luật một lần nữa trong một thời hạn nhất định. Theo đó, nếu các câu lạc bộ bị xử phạt không tuân thủ các quy tắc và cải thiện tình hình của họ trong 3 năm tới, thì họ có khả năng bị loại khỏi các giải đấu của UEFA, chẳng hạn như Champions League. Các câu lạc bộ có quyền lựa chọn bào chữa và nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).

Tuy nhiên, trong danh sách trừng phạt hiện không có câu lạc bộ nào của Ngoại hạng Anh và Tây Ban Nha. UEFA cho rằng, tổ chức này sẽ giám sát chặt chẽ hơn tất cả các câu lạc bộ trong thời gian tới. Các quy định mới của UEFA cũng sẽ nghiêm ngặt hơn. Từ mùa Hè năm 2022, khoản lỗ cho phép của các đội bóng chỉ là hơn 60 triệu euro.

Hợp đồng của Raphinha tiêu tốn của Barca 67 triệu euro ở mùa Hè 2022.

Hợp đồng của Raphinha tiêu tốn của Barca 67 triệu euro ở mùa Hè 2022.

Có khả năng “hồi tố”?

Danh sách án phạt của UEFA thực sự mang đến bất ngờ và tranh cãi về sự công bằng khi ra phán quyết.

Cuối tháng 8 vừa qua, Arsenal nằm trong số những câu lạc bộ có nguy cơ vi phạm Luật công bằng tài chính. So với giai đoạn chi tiêu dè xẻn trước kia, Arsenal đã bạo chi hơn hẳn trong vài năm gần đây. Tổng cộng 270 triệu bảng đã được Pháo thủ bỏ ra mua cầu thủ trong hai mùa vừa qua, trong khi chỉ thu về 45 triệu bảng tiền bán cầu thủ. UEFA cho rằng Arsenal (và nhiều câu lạc bộ khác) có khả năng vi phạm Luật công bằng tài chính.

Ngoài ra, một câu lạc bộ chi tiêu đậm trong mùa Hè 2022 dù bị cho mắc nợ ngập đầu là Barca lại không bị UEFA trừng phạt!? Theo quy định của UEFA, một câu lạc bộ không được phép báo lỗ vượt quá 30 triệu euro trong vòng 3 năm. Trong khi đó, Barca đang trải qua mùa giải thứ 3 liên tiếp thua lỗ rất nặng. Dù chưa có thông tin chính xác, nhưng theo truyền thông xứ sở bò tót, khoản lỗ lũy kế 3 năm gần đây của Barca lên đến gần 500 triệu euro.

Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin phát biểu hồi cuối tháng 8 cho rằng đang cân nhắc trừng phạt nghiêm khắc đội bóng xứ Catalunya. Nguyên nhân là Barca bị phát hiện đã vi phạm luật công bằng tài chính một cách nghiêm trọng. Đội bóng này vốn đã trở thành cái gai trong mắt của UEFA, sau vụ công khai ủng hộ kế hoạch thành lập Super League, giải đấu tách khỏi UEFA.

Sự việc nghiêm trọng đến mức, truyền thông châu Âu loan tin rằng, Barca có thể đối mặt với những án phạt rất nặng như cấm được dự Champions, không được phép tham gia thị trường chuyển nhượng một vài mùa giải hoặc các biện pháp kỷ luật khác. Nhưng cuối cùng Barca, Arsenal và cả Man City đều “sạch bóng” trong danh sách trừng phạt của UEFA.

UEFA có nêu quan điểm, Barca, Man City và nhiều câu lạc bộ khác được đưa vào diện giám sát đặc biệt. Và việc các đội bóng lọt “danh sách đen” nhưng chưa bị phạt do UEFA khoanh vùng điều tra đến hết mùa giải 2021. Daily Mail nhận định, Barca có thể sẽ bị phạt trong giai đoạn điều tra tiếp theo của UEFA. Mặc dù vậy, khả năng “hồi tố” của UEFA không cao bởi 2022-2023 sẽ là mùa giải cuối cùng mà các quy tắc của Luật công bằng tài chính hiện tại của UEFA được áp dụng.

Từ mùa giải tới, một hệ thống mới bộ luật mới liên quan đến vấn đề thu chi của các câu lạc bộ châu Âu sẽ được thực thi. Và nên nhớ rằng, trong quá khứ, UEFA từng ra phán quyết trừng phạt Man City và PSG vì đã vi phạm luật công bằng tài chính. Tuy nhiên, cơ quan quyền lực của bóng đá châu Âu đã bị bẽ mặt, khi cả 2 đội bóng đại gia nói trên đều kháng án thành công để thoát khỏi sự trừng phạt. UEFA chả dại gì “bới bèo ra bọ”.

Mùa 2022 - 2023 sẽ là mùa cuối cùng sử dụng Luật công bằng tài chính hiện hành. Từ năm 2023, UEFA sẽ giới thiệu một hệ thống mới giới hạn chi tiêu của các câu lạc bộ theo tỷ lệ phần trăm doanh thu trong một năm đối với tiền lương, chuyển nhượng và phí môi giới cầu thủ. Mức giới hạn là 90% vào năm 2023, 80% vào năm 2024 và 70% từ năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ