Lửa thử vàng

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV, khai mạc sáng 24/3 với nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, bên cạnh công tác nhân sự và cho ý kiến về một số dự án luật, Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Quốc hội, Chính phủ cùng một số cơ quan khác... 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, Quốc hội Khóa XIV đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực. Tính riêng hoạt động lập pháp ở 10 kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp), có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành (Luật Quy hoạch), tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Cùng với đó là nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội hoặc giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Đáng chú ý là Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong việc giải quyết “điểm nghẽn” về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19...

Chưa cần kể ra những con số về tăng trưởng kinh tế, về xuất khẩu, về ổn định các chỉ số vĩ mô, ở thời điểm hiện tại chỉ đơn giản nhìn vào việc mỗi sáng chúng ta vẫn đến công sở, vào nhà máy, ra cánh đồng làm việc như bình thường thì đó đã là kỳ tích.

Góp vào thành quả ấy có nỗ lực của tất cả người dân Việt Nam - từ những bác sĩ nơi tuyến đầu phòng dịch, những người lính nơi biên ải, các cơ quan đoàn thể Nhà nước sẵn sàng ở mọi điểm nóng dập dịch; hàng triệu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; những “shipper” giao hàng khắp mọi con đường và mỗi công dân bình thường “khẩu trang mọi nơi mọi lúc”.

Nhưng, điều kiện cần là chính sách và năng lực điều hành tốt của Chính phủ và bộ máy Nhà nước, điều đó đã quá rõ. 

Nhìn rộng hơn, cả nhiệm kỳ vừa qua, trí tuệ và bản lĩnh của Chính phủ thể hiện ở chỗ linh hoạt để thích ứng nhưng bằng mọi giá duy trì ổn định vĩ mô và đặc biệt là đặt mình đối sánh với thế giới.

Một mặt, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, khát vọng “make in Việt Nam” và phong trào khởi nghiệp (start-up) được khơi dậy mạnh mẽ trong thế hệ trẻ… Mặt khác, Chính phủ lấy chuẩn mực của khu vực, thế giới để đo lường kết quả hoạt động.

Ví dụ, Chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới để đo năng lực cải cách môi trường kinh doanh đầu tư; hay chỉ số về số giờ làm thủ tục thông quan phải là tiêu chuẩn ASEAN 4 (nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN)... Như vậy, thành tích không phải là ta so với ta như trước nữa mà phải so với thế giới.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trí tuệ và bản lĩnh đích thực cần được thử thách và hiển lộ trong những thời điểm khó khăn nhất.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đều đã cho thấy trí tuệ và bản lĩnh, đặc biệt khi ứng phó với Covid-19, đại dịch đặt toàn nhân loại trước thách thức mà nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia cho là khó khăn nhất kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.