Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 3/3 cho biết đã phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội và Hà Tĩnh) bắt giữ 4 đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại.
Tiến trình lừa đảo
Theo tin từ Viettel, ngày 13/2, ông Nguyễn Đình Phúc, sinh năm 1956 (trú tại Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) là thương binh nặng đến trụ sở Viettel trình báo bị các đối tượng dùng số điện thoại lừa đảo hơn 10 triệu đồng tiền thẻ cào.
Sau khi tiếp nhận đơn thư, Viettel đã chủ động liên hệ với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) tiến hành điều tra và bắt giữ được nhóm đối tượng gồm:
Trương Văn Chỉ (sinh năm 1991, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Công nghệ), Trần Xuân Hùng (sinh năm 1994), Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1991) và Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957), đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Cơ quan chức năng đã tạm giữ 5 chiếc điện thoại và 6 sim.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã giả danh là cán bộ ngân hàng và mạng di động thông báo khách hàng trúng thưởng để lừa đảo.
Cụ thể, ngày 12/2, Chỉ cùng Hùng và Tuấn Anh giả là nhân viên Viettel, nhân viên Sở Giao thông vận tải, Chi cục Thuế… sử dụng các số điện thoại khác nhau gọi điện cho ông Nguyễn Đình Phúc thông báo ông đã may mắn trúng thưởng một chiếc xe máy và tiền mặt trị giá 137 triệu đồng từ một chương trình khuyến mãi.
Để nhận thưởng, đối tượng yêu cầu ông Phúc mua thẻ cào điện thoại có mệnh giá từ 100 - 500 nghìn đồng rồi gửi mã số cho đối tượng để làm thủ tục nhận thưởng.
Sau khi lừa được của ông Phúc số thẻ cào trị giá 10,5 triệu đồng, các đối tượng tắt máy điện thoại, ngừng liên lạc. Số mã thẻ chiếm đoạt được, chúng bán cho đối tượng Nguyễn Thị Xuân với giá bằng 70% rồi chia nhau tiêu xài.
Căn cứ tài liệu điều tra, xác minh, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định Trương Văn Chỉ, Trần Xuân Hùng, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thị Xuân có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226 b Bộ Luật Hình sự.
Hiện Tập đoàn Viettel đang tích cực phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) để xác minh những người bị hại, mở rộng điều tra làm rõ các đối tượng khác có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
Cảnh giác trước "chiêu" lừa đảo cũ
Đại diện của Viettel cũng cho hay, thời gian qua, tình trạng kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại vẫn diễn ra.
Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là mạo danh các nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định,… hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào.
Trước đó, ngày 23/1, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng phát đi thông báo cảnh báo nhiều thuê bao điện thoại di động, cố định của VNPT bị kẻ xấu gọi đến quấy rối, lừa đảo và thậm chí còn uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Kịch bản mà kẻ gian đem ra lừa các thuê bao là giả danh nhà mạng nhắc nợ với số tiền cước lên tới 8-9 triệu đồng. Sau đó, chúng dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0, 9, 113… và đe dọa nếu không nộp ngay tiền sẽ chuyển sang bên an ninh để điều tra, xử lý.
Hoặc, chúng giả mạo ngân hàng nhắc nợ vay tới hàng chục triệu đồng; giả mạo công an khuyến cáo người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của chúng để được bảo vệ.
Thậm chí, có trường hợp còn đe dọa đang giữ người thân (bắt cóc), ép người nghe mang tiền vàng đến giao nộp để nhận lại người...
VNPT khẳng định không nhắc nợ tự động qua hộp thư ghi âm tự động nào, mà chỉ sử dụng thống nhất tổng đài 800126. Ngoài ra, thuê bao của VNPT có thể tham khảo thêm kênh thông tin khác riêng cho thuê bao trên địa bàn đó, ví dụ như thuê bao Hà Nội gọi 38700700; thuê bao Thành phố Hồ Chí Minh tra cứu cước trên website http://ebill.hcmtelecom.vn...
Phía Viettel cho hay đã đăng tải thông tin trên website và nhắn tin tới thuê bao toàn mạng để khuyến cáo về các thủ đoạn đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng.
Các nhà mạng đều khẳng định trong tất cả các chương trình khuyến mãi/quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào hoặc nạp tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết (mã số cá nhân, lịch sử liên lạc…).