Lừa đảo người thân của nạn nhân tử vong ở thủy điện Rào Trăng 3 là nhẫn tâm

Các đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm trước sự việc gia đình một công nhân (nạn nhân trong vụ sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3) bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt 100 triệu đồng.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau). Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau). Ảnh: Quốc hội

Như Lao Động đã thông tin, ngày 21.10, Công an huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị Lê Thị Thu Thảo (thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung). Được biết, chị này là vợ anh T.V.L - công nhân vừa tử vong tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Theo đơn trình báo, ngày 20.10, một người đàn ông xưng tên là Nghị, ở Đà Nẵng gọi điện cho chị Thảo. Sau khi hỏi thăm, chia buồn, người này gửi tin nhắn kèm một đường link lạ và đề nghị chị Thảo nhập thông tin để gửi tiền ủng hộ. Chị Thảo làm theo hướng dẫn của người đàn ông kia thì trong vài phút, chị bị mất 100 triệu đồng trong tài khoản.

Cũng theo chị Thảo, trước đó trong tài khoản ngân hàng của chị đã nhận được khoảng 250 triệu đồng của nhiều người quyên góp, ủng hộ.

Hiện Công an huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang điều tra, xử lý vụ việc.

Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết, hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng, từ tín dụng, đa cấp, buôn bán cho đến bất động sản… Các cơ quan chức năng cần phải phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo sớm nguy cơ này đối với người dân.

Còn về vụ lừa đảo vợ nạn nhân tử vong tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Quốc cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận ở mặt đạo lý và pháp lý.

“Tôi cho rằng sự việc này phải được xử lý điểm, bởi hành vi lừa đảo xuất hiện ngay trong bối cảnh nạn nhân vừa mất người thân. Đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc tìm ra bằng được đối tượng đã nhẫn tâm lừa đảo nạn nhân như vậy” - ông Quốc khẳng định.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội - khẳng định đây là vụ việc vi phạm pháp luật hình sự cũng như đạo lý xã hội.

Về vi phạm pháp luật hình sự, đối tượng đã thể hiện sự lừa đảo khi tạo niềm tin giả tạo cho người bị xâm hại để chiếm đoạt tài sản. Còn về mặt đạo lý thì thể hiện bất nhân, bất nghĩa.

“Đối tượng không những không chia sẻ về sự mất mát đau thương của người bị ảnh hưởng bảo bão lũ mà còn lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để lừa đảo. Một hành vi vi phạm đồng thời cả đạo lý và pháp lý thì cần phải trừng trị nghiêm minh”, ông Vân nói.

Cơ quan chức năng đã công bố danh sách 17 công nhân chết và mất tích trong vụ sạt lở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Trong đó, đa số là người tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Trong số 17 công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, có 2 người đã tìm được thi thể, 15 người còn lại vẫn trong tình trạng mất tích.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ