Do đó, việc ban hành Thông tư của Bộ GD&ĐT về Hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông là cấp thiết và hợp lý.
Lựa chọn SGK tiểu học có đặc thù
Theo ông Đặng Tự Ân, Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông ban hành dựa trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”.
Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020, khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Theo quy định tại Luật, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Do đó, hiệu lực của Thông tư khi ban hành có giá trị chưa đầy nửa năm và chỉ áp dụng cho việc lựa chọn SGK lớp 1. “Phải chăng, thời gian này nên ban hành “Hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 ở tiểu học” – ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.
Mặt khác, việc lựa chọn SGK ở tiểu học sẽ khác lựa chọn SGK ở THCS và THPT. Nhấn mạnh điều này, Giám đốc Quỹ VIGEF làm rõ: Ở tiểu học, giáo viên dạy theo lớp, nên một giáo viên sử dụng cả bộ SGK của một lớp, do được phân công dạy. Ngược lại, ở THCS và THPT, giáo viên phân công dạy theo môn, nên một giáo viên chủ yếu sử dụng nhiều SGK của cùng một môn và nhiều lớp khác nhau. Giáo viên các cấp học có hình thức tác nghiệp khác nhau nên khác nhau về cách lựa chọn công cụ tác nghiệp, ở đây chính là SGK.
“Cần tách riêng 2 Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK ở tiểu học và THCS, THPT. Nếu để chung sẽ khó viết Thông tư và khó áp dụng cho các cơ sở giáo dục vì đặc điểm giáo viên tổ chức dạy học của các bậc học này có những đặc thù riêng” – ông Đặng Tự Ân cho hay.
Theo Luật Giáo dục 2019, UBND tỉnh, thành phố quyết định lựa chọn SGK. Tuy nhiên, ông Đặng Tự Ân cho rằng, nên hiểu cấp có thẩm quyền ra quyết định là UBND tỉnh, thành phố; còn trong quá trình lựa chọn SGK để trình UBND quyết định, phải dựa trên cơ sở các trường, giáo viên được trực tiếp thực hiện các khâu trong quá trình lựa chọn. Nghĩa là chỉ thay đổi cấp ra quyết định còn quy trình và cách làm là giống nhau.
Ảnh minh họa/ INT |
Một số góp ý cụ thể
Từ quan điểm trên, ông Đặng Tự Ân cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Thông tư cần ghi rõ là hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1 bậc tiểu học. Về nguyên tắc lựa chọn SGK (Điều 2), nên quy định lựa chọn một SGK chủ đạo (chính). Các bộ SGK trong danh mục Bộ GD&ĐT duyệt cho lưu hành là bình đẳng và giáo viên vẫn cần các SGK khác để hiểu biết đầy đủ cách tiếp cận của từng SGK, qua đó xây dựng kế hoạch lên lớp có chất lượng hơn, sát đối tượng. Mặt khác, sẽ hạn chế giáo viên chỉ quan tâm tới SGK được chọn mà bỏ qua các SGK khác.
“Quy định mỗi trường (trong thư viện) có đầy đủ các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Điều này giúp giáo viên có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu các cách tiếp cận bài học từ nhiều SGK khác nhau” - ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh.
Góp ý cho tiêu chí lựa chọn SGK (Điều 3), nội dung “phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông” (điểm b, mục 1), theo ông Đặng Tự Ân, nên ghi rõ điều kiện tổ chức dạy học là gì: Trình độ của học sinh, năng lực của giáo viên, điều kiện dạy học (như sĩ số, trang thiết bị, cơ sở vật chất).
Với quy định về Hội đồng lựa chọn SGK (Điều 4), ông Đặng Tự Ân cho rằng, số lượng thành viên Hội đồng nên dựa vào Hướng dẫn định mức giáo viên làm việc tại trường tiểu học, theo hai mức và dựa theo số lớp của từng trường, cụ thể: Trường có từ 28 lớp trở lên (có khoảng 51 cán bộ và giáo viên) có 17 thành viên Hội đồng. Trường có từ 27 lớp trở xuống (có khoảng 40 cán bộ và giáo viên) có 11 thành viên Hội đồng.
Giám đốc Quỹ VIGEF cũng dẫn nội dung “Ủy viên Hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường” (tại điểm 4 về cơ cấu hội đồng) và cho rằng nội dung này có chỗ chưa phù hợp, vì không có khái niệm “đại diện giáo viên dạy các môn học” ở TH.
Về nguyên tắc làm việc của Hội đồng quy định trong dự thảo (Điều 7), ông Đặng Tự Ân góp ý, nên thêm nguyên tắc: Cơ sở chính để Hội đồng xem xét là biên bản, đề xuất của các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Điều này đảm bảo cho giáo viên có “quyền lớn” trong việc lựa chọn SGK phù hợp cho chính mình trực tiếp sử dụng. Đây cũng là mục tiêu và giá trị mong muốn cho một môn học có nhiều hơn một SGK.
Với Điều 8 (nguyên tắc làm việc của Hội đồng), theo ông Đặng Tự Ân, trong quy trình, coi trọng quá trình trải nghiệm dạy học trên lớp mà không thể chỉ nghiên cứu rồi tưởng tượng, giả định dạy học theo SGK như thế nào? Do đó, phải có bước quan trọng là mỗi cuốn SGK cần có phân công giáo viên dạy một số bài và tổ chức ghi biên bản góp ý. Có quy định hướng xử lý khi xảy ra trường hợp có dưới 50% phiếu bầu của các thành viên Hội đồng đồng ý lựa chọn.