Ông Hiếu lý giải, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cho phép UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định cho địa phương, nhưng đến 1/7/2020 Luật mới có hiệu lực.
Trong khi đó, việc lựa chọn sách cho năm học tới phải thực hiện trước tháng 3 để kịp cho công tác tập huấn. Trong thời gian này, ngành giáo dục vẫn thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó quy định các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tất cả SGK đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, 32 đầu sách đó đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường. Tuy nhiên việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo các ý kiến.
Các trường học phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết tất các bộ sách để tham mưu việc lựa chọn. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh.
|
Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một sách khác nhau, ông Hiếu khẳng định: không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách nào mà kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh.
Ông Hiếu giải thích thêm, ngay bài khảo sát lớp 3 TP đang thực hiện, không đặt nội dung câu hỏi kiến thức của SGK mà học sinh phải học kiến thức đó và đưa ra cách giải quyết vấn đề.
"Định hướng phát triển năng lực là như vậy chứ không phải chỉ học SGK này mà không làm được SGK khác. Điều kiện dạy học SGK là cụ thể để triển khai năng lực trong chương trình yêu cầu. Cho nên việc học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình” - ông Hiếu nói.