Nữ cử nhân trẻ đam mê nghiên cứu tâm lý học giáo dục

GD&TĐ - Nguyễn Hoàng Anh Thư (sinh năm 1999) là một trong những cá nhân tiêu biểu nhận giải thưởng của Quỹ Tài năng trẻ Tâm lý học - Giáo dục học 2024.

Nguyễn Hoàng Anh Thư tại lễ trao thưởng. Ảnh: Phong Anh
Nguyễn Hoàng Anh Thư tại lễ trao thưởng. Ảnh: Phong Anh

Tốt nghiệp cử nhân Giáo dục học, chuyên ngành Tâm lý học Giáo dục tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Anh Thư hiện đang tiếp tục theo học Thạc sĩ Tâm lý học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho ngành giáo dục nói chung và tâm lý học nói riêng.

Theo đuổi giáo dục và tâm lý học

Được thành lập theo quyết định số 55/QĐ-TWH ngày 15/09/1999 của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, Quỹ Tài năng Trẻ là tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ở các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục và tâm lý học. Năm 2024, Quỹ đã tổ chức trao thưởng cho các cá nhân xuất sắc có nhiều thành tích đóng góp, Anh Thư là một trong hai gương mặt vinh dự nhận thưởng ở hạng mục “Sinh viên triển vọng”.

Chia sẻ về lý do lựa chọn theo đuổi giáo dục và tâm lý học, Anh Thư cho biết bạn đã có ước mơ được trở thành giáo viên khi còn nhỏ. Với bạn, hình ảnh người thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng là điều rất thiêng liêng. Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò dẫn dắt, tạo cảm hứng và động lực cho học sinh.

“Suốt quá trình trưởng thành, mình đã gặp rất nhiều thầy cô với tâm huyết, luôn hết lòng, tận tụy vì học sinh. Chính những hình mẫu ấy đã khắc sâu trong tâm trí mình về vai trò của một người nhà giáo mẫu mực - người luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng học trò vượt qua những khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống”, Anh Thư nói.

Anh Thư cũng tâm sự, khó khăn lớn nhất bạn gặp phải trong quá trình học tập là vấn đề tài chính. Gia đình không có điều kiện, phải vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống nhưng bạn đã may mắn nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè và các Quỹ học bổng. “Những sự động viên và giúp đỡ của mọi người trở thành nguồn động lực lớn, giúp mình vượt qua áp lực, tập trung học tập và hoàn thành tốt chương trình học. Mình rất biết ơn và trân quý điều đó”, Anh Thư nói.

Dù từng có nhiều lựa chọn khác nhưng Anh Thư vẫn quay về với “Giáo dục” – một cái duyên đặc biệt. Anh Thư chia sẻ: “Giáo dục với mình không đơn thuần là “dạy” và “học”. Đó còn là nơi mang đến niềm tin và hỗ trợ tinh thần cho học sinh, giống như cách mà các thầy cô đã từng làm cho mình”.

Chính điều này đã thôi thúc Anh Thư quyết tâm theo đuổi ngành Giáo dục học, chuyên ngành Tâm lý học Giáo dục. Với khát khao nối dài những giá trị nhân văn, Anh Thư hy vọng có thể tạo nên sự khác biệt, giúp các thế hệ học trò không chỉ học tập mà còn cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ về mặt tinh thần.

Giúp cộng đồng hiểu rõ hơn

Có tình yêu với giáo dục và tâm lý học, Nguyễn Hoàng Anh Thư bên cạnh học tập còn tham gia các hoạt động cộng đồng cùng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được ghi nhận. Phần lớn các nghiên cứu của bạn chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực này.

z6073357102102-187b64f61918ca4e1ad3c32584401d9e.jpg
Nghiên cứu, tham gia các chương trình về Tâm lý học Giáo dục là niềm yêu thích đặc biệt của Anh Thư. Ảnh: NVCC

Anh Thư nhận định, hiện nay vấn đề về sức khỏe tinh thần như căng thẳng, trầm cảm, lo âu… ngày càng được cộng đồng quan tâm và nghiên cứu rộng rãi hơn. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đang dần cởi mở trong việc chia sẻ cảm xúc và tìm kiếm sự hỗ trợ. Các chương trình giáo dục về sức khỏe tinh thần, các hội thảo, khóa tập huấn, và sự xuất hiện của các tổ chức hỗ trợ tâm lý đều cho thấy lĩnh vực này rất được chú trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều định kiến và sự hiểu biết chưa đầy đủ về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong cộng đồng, và việc nâng cao nhận thức vẫn là một nhiệm vụ dài hạn. “Nhiều bạn trẻ hiện nay đối mặt với áp lực từ học tập, công việc, mối quan hệ xã hội và kỳ vọng gia đình, cùng với những áp lực vô hình từ công nghệ và mạng xã hội. Việc tham vấn và chăm sóc sức khỏe tinh thần giúp giải tỏa căng thẳng, quản lý cảm xúc, xây dựng sự tự tin và cải thiện khả năng ứng phó với thử thách”. Anh Thư nhấn mạnh.

Cũng theo Anh Thư, việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục và sức khỏe tinh thần là rất cần thiết. Ngoài giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về những thách thức mà các cá nhân đang phải đối mặt, nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu cụ thể để xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ hiệu quả.

Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn giúp đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm triển khai các chương trình phòng ngừa, đề xuất mô hình tham vấn tâm lý, cải thiện chất lượng dịch vụ tham vấn. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong bối cảnh các vấn đề tâm lý trở nên phức tạp.

“Mình cũng đã và đang tham gia vào các dự án liên quan đến chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho sinh viên, trước là ở Trường ĐH KHXH&NV, sau là mục tiêu hướng tới toàn thể sinh viên tại ĐHQG TP.HCM. Mình tin rằng, với các giá trị mà dự án thực hiện sẽ mang đến sự lan tỏa, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững trong xã hội”, Anh Thư nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đình – chùa Câu Nhi là những nơi còn lưu giữ dấu tích về Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong

GD&TĐ - Từ một thiếu niên không được đi học, không biết chữ nhưng chỉ 12 năm đèn sách đã đỗ Tiến sĩ, trở thành nhà khoa bảng đầu tiên của xứ Đàng Trong.

Khi con khóc đòi hỏi vô lý, bố mẹ hãy lắng nghe và giải thích cho con hiểu vì sao đòi hỏi đó được hay không. Ảnh minh họa: INT.

Tuyệt chiêu 'trị' con khóc nhè nơi công cộng

GD&TĐ - Ở chỗ đông người, “vũ khí” của trẻ nếu muốn đòi hỏi yêu cầu gì đó thường là khóc nhè. Vậy nên, nhiều cha mẹ tỏ ra bối rối, dẫn đến thỏa hiệp với con.