Nhóm thợ hồ gồm 5 người dân tộc Cơ Tu từ tỉnh Quảng Nam ra thi công công trình bể chứa nước phòng cháy chữa cháy rừng ở bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). Khi phóng viên Thanh Niên tiếp cận được nhóm thợ vào chiều 13.12, họ vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể lại chuyện xảy ra vào rạng sáng ngày 8.12.
Giữa lúc trời đất tối mịt, khi họ đang ngủ trong lán trại dựng bên bờ suối thì nước ầm ầm đổ về, khiến họ không kịp trở tay. Họ chạy thoát thân, nhưng cơn lũ hung dữ đã cuốn trôi tất cả. Những ngày qua họ đang sống khoắc khoải trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát giữa bán đảo Sơn Trà vốn bị sạt lở kinh hoàng, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Nhóm thợ hồ người đồng bào Cơ Tu từ tỉnh Quảng Nam ra bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) để thi công công trình hồ chứa nước PCCC. ẢNH: HUY ĐẠT. |
Con suối cạnh lán trại, thường ngày rất hiền hoà, bao bọc cho những phận đời mưu sinh chốn núi non hiểm trở. Thế nhưng, trong trận mưa lớn lịch sử vừa qua ở TP.Đà Nẵng, con suối hiền hoà ấy hóa thành dòng thác cuồng nộ, giận dữ cuốn sạch những gì trên đường nó đi qua.
Con suối nhỏ thường ngày vẫn cưu mang nhóm thợ hồ... |
... bỗng hóa dòng thác dữ cuốn trôi mọi thứ, suýt lấy đi mạng sống của nhóm thợ. |
Vẫn chưa hết khiếp sợ, anh A Lăng Hiếu (19 tuổi, trú thôn Gố, xã Za Hung, H.Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), nắm chặt tay, nép mình trong lán trại, lắc đầu kể lại đêm kinh hoàng mà anh cùng 4 người khác kịp chạy thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 8.12, anh Hiếu cùng 4 người khác, trong đó có 2 vợ chồng ông chủ, con trai của họ và anh Minh đang ngủ say thì bất ngờ nước lũ ầm ầm đổ về, nước suối dâng cao, chảy mạnh như dòng thác.
Cả 5 người chỉ kịp vùng dậy chạy ra khỏi lán sau tiếng gọi thất thanh “dậy chạy nhanh, nước lũ kinh khủng quá” của anh A Lăng Phương (phụ trách nhóm thợ, trú thôn Gố, xã Za Hung, H.Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Vùng dậy chạy trong vô thức, tất cả không kịp mang theo thứ gì. “Lúc anh Phương gọi, tôi thấy nước chảy trắng xoá. Tôi cùng vợ con anh Phương cùng nhau chạy lên núi, ngồi run sợ”, anh Hiếu nhớ lại.
A Lăng Hiếu và nhóm thợ chỉ ăn mì tôm cầm cự giữa núi rừng heo hút trong những ngày qua. |
Chỉ sau một đêm mọi thứ đã bị cuốn trôi, họ chỉ kịp mang dép và chạy thoát thân. |
"Ở đây, 2 anh em chỉ biết nhìn nhau chờ cho hết ngày. Chúng tôi thay phiên ngủ vì trời mưa sợ rắn và sợ nước lũ lại về", anh Lương Văn Minh (phải) nói. ẢNH: HUY ĐẠT. |
Củi rừng khô đã cạn dần, không có nơi nào khô ráo... nên họ lấy xe rùa để nhóm bếp. |
Đến ngày 9.12, mưa đỡ ngớt nên anh Phương cùng vợ con tìm đường xuống núi Sơn Trà. Đón xe đưa vợ con về quê, anh Phương vay mượn tiền để mua thức ăn và mang lên cho 2 người thợ còn lại. Nhưng số tiền quá ít, chẳng đủ 3 miệng ăn.
Anh Lương Văn Minh (28 tuổi, trú H.Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Chúng tôi lên đây làm đã 3 tháng, nơi đây không có điện, không có sóng điện thoại. Sau mấy ngày mưa lũ và sạt lở đất đá trên bán đảo Sơn Trà, hai ngả đường lên đến công trình không đi được vì đường đã bị sạt lở".
Dòng nước dữ đi qua, nó cuốn trôi mọi thứ... chỉ còn sót lại bao gạo trôi cách xa công trình gần 50m. |
Bếp ga cũng bị cuốn theo dòng nước, nhóm thợ lượm về lại... nhưng cũng không biết để làm gì. |
Nhóm thợ vượt gầm 100 km để lên bán đảo Sơn Trà mưu sinh, chịu khó, kiên nhẫn vượt qua những khó khăn giữa rừng heo hút. Hiện bán đảo Sơn Trà đang sạt lở nghiêm trọng, các tuyến đường bị chia cắt, xe bê tông không thể đến được công trình.
Hiếu nhìn xa xăm, không biết đến bao giờ công trình mới thi công trở lại, khi nào được về nhà... |
“Em đi làm gửi tiền về để ba mẹ nuôi 2 chị và em gái đi học, trên quê làm nương rẫy khó khắn lắm. Cũng muốn về nhà, nhưng chưa nhận được tiền công, em không thể về được”, Hiếu nhìn xa xăm.