Loa phát thanh… thay tiếng trống
Chúng tôi đến bản Nà Phầy (xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) để chứng kiến một lớp học đặc biệt. Hàng đêm, sau khi gà đã lên chuồng, bóng đêm buông xuống, tiếng loa phóng thanh vang lên, hàng chục học viên của lớp xóa mù lại kéo nhau về học chữ. ọ là những học viên ở tuổi ông, tuổi bà đang theo lớp xóa mù học chữ...
Lớp học không có, nên họ phải mượn nhà văn hóa bản. Học viên của lớp đều là lao động chính trong mỗi gia đình, nên chỉ có thể tham gia vào buổi tối.
Thầy Vàng Văn Hiền (SN 1986 – Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng San) được giao phụ trách lớp học này. Theo thầy Hiền, lớp có 36 học viên, độ tuổi từ 30 - 60, 100% là người Thái.
Theo kế hoạch, lớp 1 chương trình xóa mù chữ Nà Phầy bắt đầu từ 1/3 và kéo dài trong 3 tháng. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên phải đến ngày 14/3 mới đi vào hoạt động. Giáo trình giảng dạy tập trung chủ yếu ở 2 môn gồm: Toán và Tiếng Việt.
“Lớp học xóa mù chữ được dạy vào buổi tối vì như thế sẽ phù hợp với công việc của học viên. Chúng tôi tổ chức dạy từ thứ 2 đến Chủ nhật để kịp chương trình. Lúc mới huy động ra lớp học, do tuổi đã cao nên nhiều học viên tỏ ra rụt rè, e ngại.
Tuy nhiên, sau quá trình vận động, mọi người đều hiểu được việc học giúp cho bản thân biết đọc viết, làm được các phép tính toán. Qua đó, họ có thể tự đọc sách, báo, tìm hiểu về thông tin để vận dụng vào sản xuất nông nghiệp” - thầy Hiền cho biết.
Bà Vàng Thị Han (sinh năm 1964, trú tại xã Vàng San) là học viên nằm trong nhóm tuổi cao nhất lớp. Bà Han chia sẻ: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn phải đi làm nương rẫy theo bố mẹ nên không được đi học.
Bây giờ đã lên chức bà, các cháu đã đi học tiểu học và mầm non hết. Về nhà các cháu học chữ, tôi cũng thích lắm. Được nhà trường mở lớp xóa mù tại bản, tôi đã đăng ký theo học. Giờ có thể học cùng các cháu trong nhà”.
Ngoài ra, bà Han mong muốn bản thân có thể đọc được, hiểu được những tài liệu của cán bộ đến bản tuyên truyền hướng dẫn, từ đó có thêm kiến thức để tăng gia sản xuất.
Trong lớp, không ít người tuổi đã cao, thị lực yếu nên việc truyền thụ kiến thức gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, thầy Hiền phải viết lên bảng và dạy họ đọc từng câu, từng từ, uốn nắn từng chữ. Sau mấy tháng học tập, hầu hết học viên từ chỗ không biết gì, đến nay đã biết đọc, viết và biết tính toán các bài đơn giản.
Chỉ tay vào hệ thống loa phát thanh của bản, thầy Hiền cười nói: “Nó thay tiếng trống để thông báo cho mọi người đến lớp. Học viên đều giao tiếp được tiếng phổ thông nên thuận lợi trong quá trình thực hiện vận động và dạy học”.
Thầy Hiền sinh ra và lớn lên ở bản Vàng San, xã Vàng San. Nhà của thầy cách điểm trường dạy học lớp xóa mù khoảng 7km, việc di chuyển gặp khó khăn do phải dạy vào buổi tối. Với thầy Hiền, niềm vui lớn nhất là được làm giáo viên phục vụ trên chính quê hương của mình, được dạy người dân địa phương biết “con chữ” để nâng cao hiểu biết để phục vụ cuộc sống.
Lớp xóa mù cho người Hà Nhì. |
Ngủ ở lớp dạy học
Thời gian dạy điểm chính 2 buổi sáng và chiều. Buổi chiều tan học vào lúc 16 giờ 10 phút. Tôi chủ động về nhà để sinh hoạt cùng gia đình, sau đó chuẩn bị đồ đạc lên lớp xóa mù. Lớp buổi tối kéo dài khoảng 3 tháng, quỹ thời gian sinh hoạt hạn hẹp. Dù vậy nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà Ban giám hiệu nhà trường đã tin tưởng giao phó. Thầy Vàng Văn Hiền
Chia tay lớp học Nà Phầy, chúng tôi đến lớp dạy xóa mù chữ tại bản Sang Sui, cách trung tâm xã Vàng San chừng 8km. Lớp học này do cô Lò Thị Tâm (SN 1973 - Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng San) phụ trách. Cô cho biết, lớp của mình có 16 học viên, hầu hết ở độ tuổi từ 30 đến 56. Học viên ở đây đều là người Hà Nhì.
Cô Tâm được Ban giám hiệu phân công dạy học lớp 1 tại điểm trường bản Sang Sui. Khi triển khai chương trình xóa mù chữ, cô Tâm tiếp tục dạy cho học viên lớp 1 tại bản này. Thường thì cô Tâm đi – về trong ngày. Nhưng giờ có thêm việc, tuy vất vả hơn nhiều, song cô Tâm luôn thấy vui vì buổi tối lại được gặp gỡ bà con để truyền thụ kiến thức.
“Quãng đường từ nhà tôi cách điểm trường khoảng 8km, cũng có thể đi về trong ngày nhưng vất vả. Lớp xóa mù chữ được mở, tổ chức dạy học vào buổi tối nên những hôm mưa gió, đường về nhà hay bị sạt lở nên tôi phải ngủ lại trường như chuyện thường ngày”, cô Tâm chia sẻ.
Do học viên đều là những ông bố, bà mẹ, có người đã là ông, bà nên mọi người đều có ý thức tốt, tham gia học tập chuyên cần. Dù vậy thì mỗi giáo viên dạy xóa mù như cô Tâm đều gặp những khó khăn nhất định.
“Khó nhất là rào cản ngôn ngữ. Nhiều người đã lớn tuổi, song không biết tiếng phổ thông. Bài học đầu tiên là tập cho bà con làm quen với các ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày.
Có học viên chưa được cầm bút bao giờ, tôi phải cầm tay hướng dẫn lại từ điểm đặt bút, cách viết. Mình phải phát âm trước rồi cho họ đọc theo. Họ đều là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo. Kết thúc lớp học, 100% học viên đã hoàn thành chương trình lớp học. Mọi người đều biết đọc, viết thành thạo”, cô Tâm vui vẻ nói.
Thầy Nguyễn Việt Hùng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, xã Vàng San có 2 lớp học xóa mù chữ, tổng 52 học viên đang theo học. Cả 2 lớp đều đã hoàn thành kế hoạch từ 30/5. Đó là tiền đề quan trọng để thầy cô và nhà trường đúc rút kinh nghiệm, triển khai các lớp tiếp theo.
“Để phân công giảng dạy lớp xóa mù chữ, chúng tôi ưu tiên tinh thần xung phong của giáo viên sắp xếp được thời gian, công việc gia đình để yên tâm cho việc dạy học. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 1 vào ngày 30/5, 2 lớp học xóa mù chữ tại Vàng San sẽ tiếp tục dạy liên thông các lớp 2, 3 cho các học viên, thời gian học đến hết tháng 12”, thầy Hùng nói.