Lớp học trải nghiệm của cô giáo trẻ

GD&TĐ - Cô Dương Thị Thu Hà - giáo viên môn Sinh học Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) đã tổ chức thành công lớp học trải nghiệm, được nhà trường, phụ huynh hưởng ứng. Qua đó giúp học sinh phát triển toàn diện.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà và học sinh tại lớp học dành cho trẻ bị down. Ảnh: Hanoimoi.vn
Cô giáo Dương Thị Thu Hà và học sinh tại lớp học dành cho trẻ bị down. Ảnh: Hanoimoi.vn

Theo cô Hà, hiện nay nhiều học sinh THPT còn hạn chế trong giao tiếp, bày tỏ cảm xúc yêu thương, hay kĩ năng tự phục vụ như: nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Học sinh học Vật lý nhưng không biết thay bóng đèn điện cháy, học Sinh học nhưng không biết cách trồng và chăm sóc một cây xanh.

Bản thân mỗi học sinh thường rất khó để phát hiện mình có năng khiếu, đam mê gì từ đó dẫn tới thiếu động lực và định hướng trong cuộc sống và học tập là điều dễ hiểu.

Nắm bắt được điều đó, năm học 2017 – 2018 cô Hà đã xin phép BGH nhà trường, giới thiệu đến phụ huynh, học sinh mô hình lớp học trải nghiệm diễn ra hàng tháng.

“Là giáo viên chủ nhiệp lớp, tôi hiểu học sinh mình cần gì? Để triển khai được mỗi chuyến trải nghiệm, tôi đã xây dựng kế hoạch, chương trình trải nghiệm; Liên hệ với đơn vị trải nghiệm thực tế; Hướng dẫn cho học sinh kiến thức, kĩ năng chuẩn bị trải nghiệm, nói rõ nội dung, yêu cầu và hình thức đánh giá của chuyến đi; Đưa học sinh đi trải nghiệm; Tiến hành tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm cho học sinh"- cô Hà chia sẻ.

Theo đó, cô Hà đưa học sinh đến Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, chơi trong rừng với trò chơi “truy tìm kho báu” học sinh vận dụng các kiến thức để giải các mật thư bố trí trong rừng. Gặp gỡ với Ban lãnh đạo Viện Điều tra, quy hoạch rừng. Thông qua việc đặt câu hỏi giúp học sinh hình thành được kĩ năng đặt câu hỏi, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp.

Trải nghiệm tại Bảo tàng học sinh nhận thấy được sự đa dạng tài nguyên sinh vật, quan sát video “Tuyệt chủng của tê giác một sừng” từ đó có thái độ yêu quý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Sự chia sẻ của lãnh đạo Viện giúp học sinh có niềm tin đối với khoa học, làm động lực để học sinh học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Ảnh: VnExpress
 Cô giáo Dương Thị Thu Hà được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Ảnh: VnExpress

Khi tổ chức đưa học sinh tham quan làng nghề Vạn Phúc, tìm hiểu truyền thống, quy mô làng nghề. Tôi cô hướng dẫn học sinh tự làm video giới thiệu về làng Lụa Vạn phúc. Qua đó, học sinh cảm nhận thấy tự hào vì sản phẩm truyền thống của quê hương, có thái độ gìn giữ, phát huy và quảng bá sản phẩm Lụa Vạn phúc qua video.

Video dự thi chia sẻ trên page cuộc thi, trên mạng xã hội là hành động cụ thể giúp lan toả tình yêu, tự hào về Lụa Vạn Phúc của Hà Đông, được sự đồng thuận khen ngợi của người dân làng nghề. Kết quả chất lượng video đạt giải nhì Quốc gia, được tặng bằng khen của Trung ương Đoàn... 

Ngoài ra, cô còn tổ chức cho học sinh trải nghiệm tìm hiểu định hướng nghề nghiệp tại Đại học FPT, học tập môn Địa lý bằng tiếng Anh kết hợp với Công nghệ thông tin tại Khu Công nghệ cao Đại học Bách khoa Hà Nội, tìm hiểu về giới tính và sức khoẻ sinh sản vị thành niên với việc quan sát tinh trùng. Trải nghiệm nền nông nghiệp hữu cơ theo mô hình người Nhật để tự lựa chọn nguyện liệu, nấu ăn phục vụ cho bản thân tại Học viện Edufarm.

Mỗi chuyên đề trải nghiệm, học sinh có cơ hội thể hiện bản thân. Giáo viên quan sát, nhắc nhở học sinh trong suốt quá trình trải nghiệm giúp giáo viên nhận biết được đặc điểm, tính cách, hiểu học sinh thuận tiện trong quá trình giáo dục tại trường.

Sự đa dạng về hình thức đánh giá kết quả trải nghiệm, mỗi chuyến đi và yêu cầu học sinh viết nhật kí cho riêng mình, giáo viên rút kinh nghiệm cho học sinh sẽ giúp học sinh nhận biết được những ưu điểm và nhược điểm của bản thân, trưởng thành hơn qua mỗi chuyến đi trải nghiệm.

Đặc biệt, qua lớp học trải nghiệm, học sinh nhận ra được những năng khiếu và đam mê của bản thân như: tài năng nấu ăn, quay phim, lồng tiếng, diễn xuất, kinh doanh, tổ chức và quản lí, trách nhiệm trong công việc được giao.

“Từ đó cho tôi thấy, mỗi học sinh đều thông minh theo các cách khác nhau, nhiệm vụ của người giáo viên là tạo ra nguồn cảm hứng bất tận cho học sinh, giúp học sinh phát huy được tài năng của riêng chúng” – cô Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.