Lớp học miễn phí nơi miền núi

GD&TĐ - Gần 15 năm qua, lớp học miễn phí của đại tá Phan Chí Nhượng (sinh năm 1938) vẫn lặng lẽ mở cửa đón nhận nhiều thế hệ học trò nghèo ở xã miền núi Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Niềm vui của ông đại tá chính là các thành tựu mà những lớp học trò mình đạt được.

Lớp học miễn phí nơi miền núi

15 năm gieo chữ miễn phí

Từng công tác tại Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), năm 2004, sau khi nghỉ hưu, đại tá Phan Chí Nhượng về quê sinh sống và mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo miền núi. Nói là lớp học nhưng thực chất là trong căn nhà gỗ giản dị của hai vợ chồng, ông Nhượng đặt thêm 3 chiếc bàn, nhận dạy 15 em học sinh ở những độ tuổi khác nhau.

Ông kể, vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, ông xác định học hành là con đường tốt nhất để thoát nghèo. Năm 1959, ông gác bút vào chiến trường Đông Nam Bộ theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Sau khi đất nước được giải phóng, năm 1975, ông về nhận công tác tại Đà Nẵng rồi được cử đi học Trung cấp Biên phòng; sau đó về công tác tại Trường Đại học Biên phòng cho đến lúc nghỉ hưu.

Vợ chồng ông có 5 người con, tất cả đều thành đạt nhưng công tác xa nhà. Vì cuộc sống hưu trí nhàn hạ nên “buồn tay buồn chân”, lại thương những đứa trẻ gần nhà hiếu học nên năm 2004, ông bàn với vợ mở lớp dạy miễn phí cho các cháu, vừa vui cửa vui nhà, vừa giúp các cháu có thêm kiến thức.

Nói là làm, hai vợ chồng bắt tay cải tạo ngôi nhà, mở rộng sân vườn, sắm thêm vài bộ bàn ghế để mở lớp.

Lớp học của thầy Nhượng chỉ dạy ba môn toán, lý, hóa và học sinh không được sử dụng điện thoại, máy tính… Năm đầu chỉ vài ba em tham gia học trong thời gian nghỉ hè, nhưng thấy các cháu có kiến thức khá vững, nhiều phụ huynh tìm đến lớp xin cho con mình theo học.

Đến với lớp học ông Nhượng, có đứa người nhỏ xíu cũng có đứa lớn tồng ngồng, có đứa giỏi và cũng có những đứa đọc viết chưa “sành”. Hiện nay, lớp học của thầy Nhượng có 15 học sinh, trong đó có 8 em được ông bà nuôi ăn ở tại nhà.

Đại tá Nhượng chia sẻ: “Việc đầu tiên khi bọn trẻ đến đây là mình đọc cho chúng nghe thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai và học thuộc lòng Truyện Kiều. Mình muốn, qua những mẩu chuyện trong cuộc sống hàng ngày, có thể giáo dục các cháu tính trung thực, thật thà và lòng biết ơn để mai sau nếu không thành công thì các cháu cũng trở thành những con người tử tế, sống có ích cho xã hội”.

Điều đặc biệt, gần 15 năm nay, lớp học của ông dạy dỗ biết bao thế hệ học trò nhưng các em không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Thậm chí, có những cháu hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông nhận nuôi ăn ở trong nhà mà không hề thu một đồng nào. Quý mến tấm lòng của ông, các cháu đều gọi vợ chồng ông là “ông”, “bà” như chính người thân của mình.

Xin dự giờ để cập nhật kiến thức

Khi chúng tôi hỏi về phương pháp dạy học của mình, ông chỉ cười: “Mình chỉ có tình thương dành cho các cháu học trò nghèo chứ chẳng có phương pháp nào cả. Mình thực sự thương các cháu, hiểu được tâm tư tình cảm, tính tình từng đứa thì sẽ có phương pháp giáo dục phù hợp thôi. Cháu nào khá giỏi thì sẽ đầu tư thời gian và tâm huyết để giúp các cháu thi học sinh giỏi tỉnh. Cháu nào học yếu hơn thì tập trung bổ sung kiến thức cơ bản, có kiến thức cơ bản mới làm nền tảng để học nâng cao hơn”.

Có nền tảng vững chắc về các kiến thức tự nhiên, thế nhưng ông Nhượng vẫn luôn cảm thấy kiến thức của mình bị “hẫng” vì những đổi mới liên tục của chương trình giáo dục hiện hành.

Không ngần ngại, ông đến gặp ban giám hiệu các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn xin dự giờ giảng dạy các môn tự nhiên để cập nhật kiến thức. “Thường tôi sẽ tự tìm hiểu trong sách giáo khoa trước 5 - 7 bài. Bài nào khó thì ông cháu cùng nhau ngồi giải, “rắn” quá thì mời thầy giáo ở trường về tận nhà hướng dẫn cho”, ông nói.

Xoa đầu cậu bé nhỏ nhắn nhất lớp, ông mỉm cười: “Khi mới sang đây, cậu Tuấn này nhỏ nhất lớp, nghịch nhất lớp và học cũng kém nhất lớp. Thực ra, cậu khá thông minh nhưng do bố mẹ đi làm đồng cả ngày không có thời gian kèm cặp nên mới học hành sa sút. Sang đây từ năm ngoái, đến cuối năm học vừa rồi cậu được nhận giấy khen Học sinh giỏi xuất sắc môn Toán của khối lớp 5 đấy”.

Nói về thành tích của các cháu, ông Nhượng phấn khởi: “Năm vừa rồi có 6 cháu thi đại học thì tất cả đều đỗ điểm cao. Như trường hợp của cháu Nguyễn Quang Sang vừa trúng tuyển vào Học viện Quân y với 29 điểm. Cháu Sang được bố mẹ gửi sang đây từ năm lớp 5, cháu học giỏi và rất có tính kỷ luật nên tôi định hướng cho cháu thi vào trường quân đội.

Trước lúc lên đường nhập học, cháu Sang cũng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thực sự, mỗi lần nghe các cháu thông báo trúng tuyển là tôi như được trẻ và khỏe ra ấy. Các cháu thành công mình mới có thêm động lực để cố gắng chứ”.

Ngoài dạy chữ, ông còn dạy các em về đạo đức, tác phong, cách ăn mặc, đi đứng, xưng hô… đến nay, lớp học miễn phí của ông bà Nhượng đã chắp cánh cho 13 cháu đỗ đạt vào các trường đại học, học viện danh giá và ra trường có việc làm ổn định như: Thiếu úy Nguyễn Văn Quý, hiện đang là nhân viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế; thiếu úy Nguyễn Ngọc Thái, Trợ lý tham mưu kế hoạch Phòng hậu cần, Sư đoàn 370; Trần Tuấn, học viên Học viện Kỹ thuật quân sự; kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và kỹ sư Nguyễn Văn Báo (đều tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ