Lớp bồi dưỡng miễn phí “Đồng hành cùng giáo viên các tỉnh thành”

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức chương trình bồi dưỡng miễn phí mang tên “Đồng hành cùng giáo viên các tỉnh thành”, với mục đích hỗ trợ, sát cánh cùng các giáo viên trong công tác dạy học ở bối cảnh mới.

Ảnh chụp màn hình một buổi tập huấn của chương trình.
Ảnh chụp màn hình một buổi tập huấn của chương trình.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trước tình hình nhiều tỉnh thành bắt đầu năm học mới với hình thức trực tuyến, nhà trường sau một thời gian nghiên cứu, đã xây dựng, ban hành 5 chương trình đồng hành cùng với thầy cô giáo để triển khai dạy học, giáo dục trong bối cảnh trực tuyến.

Chương trình diễn ra từ ngày 1 đến ngày 12/9, có kịch bản cụ thể và phần mềm cụ thể để hỗ trợ giáo viên có thể làm chủ hoạt động dạy học, giáo dục trực tuyến.

Điều thú vị là 5 chương trình bám sát vào những khó khăn của học sinh, những áp lực từ phía thầy cô giáo khi tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh.

Những vấn đề này được chia sẻ, lồng ghép qua từng kịch bản cho từng nhóm giáo viên ở từng cấp học. Điều đặc biệt, thấu hiểu với những khó khăn của giáo viên chủ nhiệm khi làm việc với học sinh thông qua kênh trực tuyến, những gợi mở cụ thể được phân tích trong chương trình và được triển khai bởi chính các giảng viên của trường.

Những lo lắng của giáo viên đầu cấp hay giáo viên lớp 1 và 2 khi dạy học, giáo dục học sinh bằng phương thức trực tuyến cũng được phân tích riêng, tách hẳn chương trình đồng hành dành cho giáo viên tiểu học lớp 3 -5; lớp 1-2 để đảm bảo tính hiệu quả.

Chương trình bồi dưỡng – tập huấn này hoàn toàn miễn phí do Trường ĐH Sư phạm TPHCM xây dựng, tổ chức thẩm định và tổ chức bồi dưỡng trực tuyến.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng của nhà trường, cũng là người xây dựng ý tưởng này chia sẻ: “Ngành giáo dục và đào tạo đã rất nhiều nỗ lực để đưa học sinh đến trường, Sở GD&ĐT các tỉnh thành đã gặp quá nhiều áp lực. Là cơ sở đào tạo giáo viên cho hơn 20 tỉnh thành phía nam và nhiều tỉnh thành trong cả nước, chúng tôi cảm nhận, rung cảm và thấy trách nhiệm của chính mình.

Trường chọn giá trị nhân văn nên không có gì khác hơn là sẽ cống hiến hết mình cho ngành bằng tất cả những nỗ lực và sự tận tâm. Có dịp làm việc với nhiều giáo viên các cấp, có dịp lắng nghe phụ huynh và cả học sinh, chúng tôi hiểu chỉ có làm chủ công cụ trực tuyến, thầy cô giáo mới làm đúng vai trò truyền lửa, là người dẫn dắt và tổ chức học sinh học tập…

Kinh phí tổ chức hơn 10 lớp bồi dưỡng này dựa trên sự tiết kiệm của nhà trường, sự nỗ lực hết mình của từng giảng viên và các anh chị tổ chức ở các phòng ban với tình yêu thương và sự gắn kết với thầy cô giáo dài lâu, bền vững…”.

Ngay khi triển khai chương trình đã có một số cơ sở giáo dục tại TPHCM, TP Cần Thơ, Long An, Bình Dương… đã phản hồi kết quả rất đáng khích lệ khi mục tiêu tập huấn, nội dung đạt được đều có 100% giáo viên đánh giá cao.

“Các lo lắng về dạy học trực tuyến, sử dụng phần mềm, kỹ thuật tương tác với học sinh hay động viên học sinh… khi học trực tuyến đều được giải quyết thỏa đáng… Đây là một trong những cảm xúc tích cực và niềm vui đầu năm mới  mà chúng tôi có được” – thầy L. T. N chia sẻ.

“Hiện nay, các tỉnh thành đều có nhu cầu rất lớn, tuy nhiên, khi tổ chức lớp đào tạo, chúng tôi phải bàn bạc và thống nhất kịch bản cho giảng viên và nhất là phải lấy phản hồi cụ thể nên công tác chuẩn bị phải luôn cố gắng. Kinh phí tổ chức chuỗi 10 lớp là sự cố gắng có hạn nhưng hiện nay, nhu cầu đã lên đến hơn 20 lớp… Thế nhưng, chúng tôi quan niệm là lớp học để trao đổi, hướng dẫn kỹ năng, giải đáp thắc mắc, định hướng ứng dụng mà không phảilà nói chuyện hay giới thiệu… nên phải đảm bảo tiêu chuẩn lớp. Vì thế, đây là vấn đề trường cũng rất áy náy và đang cân nhắc để đồng hành và hỗ trợ thêm…”.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ