Học tiền lớp 1: Cần nương theo sự phát triển của trẻ

GD&TĐ - Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh ráo riết tìm địa chỉ những trung tâm, cô giáo dạy tiền tiểu học uy tín để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Trẻ lớp Lá được dạy cầm bút, tô nét chữ trước khi bước vào lớp 1. Ảnh: Cẩm Anh
Trẻ lớp Lá được dạy cầm bút, tô nét chữ trước khi bước vào lớp 1. Ảnh: Cẩm Anh

Lo con không theo kịp chương trình

Gần 5 tháng nữa, bé Minh Anh, con chị Thu Cúc (Bình Dương) vào học lớp 1. Hai vợ chồng bận rộn với công việc, nên chị quyết định tìm giáo viên cho con. Lập một hội nhóm trên Facebook kêu gọi các phụ huynh cùng tìm giáo viên tiền tiểu học, chị Cúc nhận được nhiều sự ủng hộ từ cha mẹ có chung mục tiêu.

Bé Hạ, con anh Quang Ninh (TP Thủ Đức, TPHCM) đã theo học lớp tiền tiểu học từ tháng 10 năm ngoái đến giờ “vẫn như tờ giấy trắng”. Bé không nhớ được hết mặt chữ, số nên mỗi tối, vợ chồng anh luân phiên kèm thêm con.

“Môi trường tiểu học khác hẳn mẫu giáo. Chương trình lớp 1 tại trường công được nhiều đồng nghiệp cho biết khá nặng và nhiều đổi mới, nếu không học trước sợ con không theo kịp chương trình”, anh Ninh chia sẻ.

Đa số phụ huynh khi tìm lớp tiền lớp 1 đều mong muốn trẻ làm quen với tập đọc, viết, rèn việc tập trung học trong lớp, giúp các bé không bỡ ngỡ và học kém hơn so với bạn.

Thời điểm này, không khó để tìm một lớp tiền tiểu học. Có lớp được tổ chức bài bản bởi các trung tâm giáo dục hoặc do giáo viên, phụ huynh tự tổ chức. Trong bài viết quảng cáo về lớp tiền tiểu học của một trung tâm chuyên dạy thêm: “Khai giảng lớp cho trẻ sinh năm 2018 chuẩn bị vào lớp 1, học các kỹ năng đọc, viết, làm toán”, có hơn 100 bình luận của phụ huynh.

Theo ghi nhận, buổi học của lớp tiền tiểu học sẽ kéo dài liên tục vào các ngày trong tuần, khung giờ từ 18 – 20 giờ (trong 4 tháng) với mức học phí dao động từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/50 buổi học, chưa bao gồm tài liệu, đồ dùng phục vụ khóa học như bảng, phấn, đồ dùng học môn Toán... Lớp học có 1 giáo viên, 1 trợ giảng.

Cô Nguyễn Ngọc Tiền Giang có kinh nghiệm 6 năm dạy lớp tiền tiểu học tại TPHCM cho biết, trẻ học trong môi trường năng động vui vẻ, tăng tính tư duy, phản xạ thông qua việc tham gia trò chơi kiến thức và trả lời các câu hỏi của cô giáo.

“Các bé đang ở lứa tuổi mầm non nên bài học trong lớp luôn thiết kế bắt mắt tạo cảm giác hứng thú. Lớp học trang bị thêm máy chiếu, loa, giáo cụ trực quan”, cô Giang giới thiệu.

Nhiều lớp tiền tiểu học đưa ra các quy định như phụ huynh cần cho trẻ đi học đầy đủ đúng giờ, không nghỉ quá 20% số buổi học. Nếu vi phạm, các cô sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra.

Bên cạnh đó, tất cả trẻ khi đi học phải làm bài tập về nhà và nộp bài đầy đủ, thậm chí có quy định nếu không nộp bài tập 5 lần sẽ cho nghỉ học. Lý do được đưa ra: Đây là khóa học rèn tính kỷ luật, tự giác nên không chấp nhận việc phụ huynh xin phép nghỉ để đi chơi. Vi phạm quy định có thể bị “đuổi học”.

Trẻ đang sinh hoạt tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Trẻ đang sinh hoạt tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Trải nghiệm trường tiểu học

Theo cô Nguyễn Thị Phúc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), hằng năm, nhà trường đều có kế hoạch tổ chức cho trẻ 5 tuổi tham quan một trường tiểu học trên địa bàn phường. Năm nay, dự kiến nhà trường tổ chức cho 180 trẻ tới trải nghiệm tại Trường Tiểu học Mậu Lương. Việc này nhằm giúp trẻ làm quen dần môi trường học tập mới, qua đó thêm mạnh dạn, tự tin, khám phá những điều mới mẻ ở môi trường học tập mới.

“Tại trường mới, trẻ được giao lưu với thầy, cô giáo và nghe giới thiệu về tên gọi, địa chỉ của trường, thăm phòng học, chức năng và các đồ dùng học tập cũng như một số hoạt động của học sinh tiểu học. Khi được tiếp xúc với môi trường mới, trẻ rất hào hứng, thích thú. Các cô mầm non giúp trẻ hiểu hơn những lưu ý khi học ở trường mới, nhất là vị trí phòng học, thư viện, hành lang, nhà vệ sinh… để trẻ không bỡ ngỡ khi vào lớp 1”, cô Nguyễn Thị Phúc nói.

Tại Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), thầy Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh cho biết, hoạt động tiếp đón trẻ 5 tuổi ở các trường mầm non trên địa bàn phường đến tham quan, trải nghiệm thường được tổ chức vào cuối tháng 5. Mỗi năm, trường đón khoảng 200 trẻ đến từ Trường Mầm non Hội Hợp B và một trường mầm non tư thục tới thăm.

“Ở trường mầm non, hoạt động chủ yếu của trẻ là vui chơi, không bắt buộc, gò bó. Tuy nhiên, khi bước vào lớp 1, học là hoạt động chủ đạo. Việc học là bắt buộc và được tổ chức chặt chẽ, có mục đích, kế hoạch và ý nghĩa xã hội. Mỗi học sinh phải cố gắng, tự giác và có tinh thần học tập mới có thể đạt kết quả tốt. Do đó, việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với môi trường tiểu học là cần thiết để có được hành trang tốt trước khi vào lớp 1”, thầy Mạnh trao đổi thêm.

Trẻ mầm non tới tham quan tại Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Đình Tuệ

Trẻ mầm non tới tham quan tại Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Đình Tuệ

Tránh gây áp lực sớm

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Quỳnh - chủ đầu tư Trường Mầm non Thiên Ân 3 (TP Thủ Đức, TPHCM), trẻ học tiền lớp 1 thì khi vào học chính thức sẽ phải học thêm một lần nữa, dễ gây cảm giác nhàm chán, không hứng thú. Điều cần thiết phải trang bị cho trẻ trước khi vào lớp 1 là kỹ năng sống, tâm thế vui tươi.

“Hiện, chương trình mầm non dành cho lớp Lá hỗ trợ tương đối đủ kiến thức để tiếp nối vào khung chương trình lớp 1 như làm quen chữ cái, ghép vần đơn, toán học tách gộp… Điều quan trọng khi trang bị cho trẻ vào lớp 1 là kỹ năng quan sát, khả năng tập trung, ngồi học đúng tư thế, kỹ năng tự phục vụ”, cô Quỳnh nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) chia sẻ, cho trẻ 5 tuổi học chữ, làm toán sớm có nhiều lợi ích. Có thể giúp trẻ phát triển tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, chuẩn bị tốt hơn việc học tập ở trường tiểu học.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá kỳ vọng và gây áp lực khiến trẻ mất hứng thú, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Hiệu quả của việc cho trẻ học chữ, toán sớm phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm sự phát triển về nhận thức, kỹ năng vận động tinh, sự tập trung để học chữ, học toán trong thời gian dài.

Bác sĩ Nam khuyến cáo, cha mẹ cần dựa vào sự phát triển của trẻ, phương pháp giảng dạy, môi trường học tập và thời gian học tập để đưa ra quyết định phù hợp với lứa tuổi và khả năng.

Cho con 5 tuổi tham gia lớp tiền tiểu học nhưng chị Phương, 29 tuổi (quận Tân Bình) không đặt nặng việc phải biết đọc, chữ trước khi vào lớp 1. Chia sẻ lý do, chị Phương cho rằng, bé đang độ tuổi phát triển nên muốn tạo tâm lý thoải mái, tự do lựa chọn điều mình yêu thích. Việc học bảng chữ cái nếu con không thích, bố mẹ sẽ không yêu cầu đọc.

“Ở độ tuổi này, chỉ mong con đọc thuộc nhiều thơ, hát nhiều bài, ăn giỏi, khỏe mạnh, chơi món đồ con thích. Ba mẹ muốn nghe con kể chuyện được đi chơi chứ chưa phải lúc nói về chuyện chữ và số”, chị nói.

Tại phiên họp Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Chương trình giáo dục mầm non được điều chỉnh từng bước để phù hợp hơn với thực tiễn.

Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi tới cơ sở giáo dục mầm non, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ