Lòng nhân ái - Phép màu của cuộc sống

GD&TĐ - Hỗn láo với cha mẹ, thách thức bôi nhọ thầy cô giáo; thản nhiên nhìn bạn bị đánh hội đồng; vô cảm với nỗi đau, sự mất mát của người khác; không bảo vệ lẽ phải... Đó là những vấn đề mà xã hội ngày càng được chứng kiến nhiều từ bộ phận không nhỏ học sinh (HS). 

HS cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và đặc biệt các giá trị sống. Ảnh: Đ.Hạnh.
HS cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và đặc biệt các giá trị sống. Ảnh: Đ.Hạnh.

Không thể coi đây như chuyện muôn thủơ của xã hội hiện đại mà thể hiện HS không chỉ thiếu hiểu biết, kỹ năng sống... mà còn trống vắng giá trị sống cốt lõi.

Nhầm lẫn giá trị sống

Giá trị sống là những điều mà con người cho rằng tốt, quan trọng, phải có cho bằng được và vì thế giá trị sống chi phối hành vi hướng thiện của con người. Mang tính cá nhân, không phải giá trị sống của mọi người đều giống nhau bởi vậy trên thực tế không phải ai cũng nhận thức đúng giá trị sống.

Với nhiều HS, trở thành người giàu có mới là “giá trị đích thực”. Khi ấy, các em sẽ phấn đấu để có tiền bằng mọi giá, kể cả việc trộm cắp, lừa bạn, nói dối gia đình...

Cũng không ít HS lấy danh vọng làm thước đo giá trị nên cố gắng học tập thật tốt để tìm cho mình chức vị nào đó khi bước vào cuộc sống. Nhưng khi chức vị ấy mất đi, hay bị tước bỏ các em trở nên “trắng tay”, vô giá trị.

Cũng nhiều HS coi sự nhàn hạ thuộc giá trị sống nên trốn tránh trách nhiệm, lười lao động, chọn những công việc nghề nghiệp không vất vả. Vì vậy, các em không làm được gì cho bản thân hay cống hiến cho xã hội.

Nhiều HS ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nghĩ rằng phải hút thuốc lá, phải biết yêu sớm, cầm đầu những băng nhóm... mới thực sự là “người hùng”, mới có giá trị. Những HS đó đã nhận nhầm, coi giá trị ảo là giá trị sống đích thực.

Ngay trong chuyện học tập, hiện nay còn không ít HS học không phải vì đam mê, vì trau dồi kiến thức cá nhân mà để thi đỗ, để kiếm tiền. Tâm lý hưởng thụ, vị kỷ cũng được đẩy lên cao tạo nên những “chuẩn” khác như:

Đánh giá sự tự tin qua quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm xịn, coi giá trị của mỗi cá nhân là việc thể hiện bằng được cái tôi, bất chấp dư luận, thậm chí đi ngược với lợi ích chung của cộng đồng.

Có thể nói, giá trị con người của nhiều HS đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Nguyên nhân để dẫn tới những biến đổi đó có thể kể tới như sự bùng nổ của các game show mà mục đích thương mại, hút quảng cáo và tràn ngập dịch vụ nhắn tin được đặt lên hàng đầu;

Các hình mẫu từ phim ảnh, người mẫu, ca sĩ.. để không ít học sinh theo đuổi về cách ăn mặc, trang điểm khó chấp nhận. Vì vậy, giáo dục để tuổi trẻ nói chung, HS, SV nói riêng nhận diện đúng giá trị đích thực của cuộc sống là điều vô cùng cần thiết.

Nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục đã nhận định: So với thế hệ trẻ của 20 năm trước, hoặc lâu hơn nữa giới trẻ hiện nay đang có sự khác nhau căn bản. Các em thiếu lý tưởng sống, không có đam mê lành mạnh, nhìn nhận chệch hướng về một vấn đề… Mà gốc rễ xuất phát từ việc coi nhẹ giá trị sống đích thực, dễ sa vào lối sống bản năng thay vì có định hướng từ các giá trị chuẩn mực.

HS cần được trang bị giá trị sống từ cấp học đầu đời. Ảnh: Đ.Hạnh
  • HS cần được trang bị giá trị sống từ cấp học đầu đời. Ảnh: Đ.Hạnh

Nền tảng vào đời

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn đã đưa ra những ví dụ cụ thể về tình trạng HS thiếu giá trị sống: Có em trả lời làu làu về việc phải làm gì để giúp đỡ người cao tuổi, người tàn tật; được nhận điểm 10 môn đạo đức, nhưng ra đường vẫn trêu chọc những người khuyết tật, lên xe buýt vẫn ngồi chễm chệ trên ghế, trơ mắt nhìn cụ già đứng xiêu vẹo trên xe mà không nhường ghế.

Thậm chí, có HS học giỏi môn Lý vẫn không thể thay một bóng đèn cháy. Một SV khoa tâm lý có thể có bài viết rất hay về “Kỹ năng giao tiếp”, nhưng đứng trước các thầy cô giáo hay trước đám đông vẫn ấp úng, nói không thành lời.

Đặc biệt, có HS đi thi quốc tế đạt điểm cao về lý thuyết sách vở nhưng khi thực hành hay lúc phải giao lưu, trò chuyện với bạn bè năm châu thì tỏ ra lúng túng, nhút nhát, co mình lại, thiếu tự tin.

Điều này cho thấy, HS tập trung quá nhiều vào việc học để chuẩn bị cho mưu sinh trong tương lai. Nhưng bên cạnh những kỹ năng sống vốn rất quan trọng ấy, HS cần biết nên sống ra sao.

Làm thế nào để ứng phó trước nhiều tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh.

Nếu HS không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù được học nhiều kỹ năng, cũng không biết cách sử dụng hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Từ đó, sẽ không biết cách tôn trọng bản thân mình và người khác.

Có nền tảng giá trị sống HS sẽ không bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất trong việc định hình mục đích sống. Giá trị sống giúp mỗi HS cân bằng lại những mục tiêu vật chất.

Lòng nhân ái - Phép màu của cuộc sống ảnh 2
  • Vững vàng giá trị sống giúp HS có mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Ảnh: Đ.Hạnh

Trong khi đó, việc dạy kỹ năng sống trong các nhà trường theo đánh giá của các nhà tâm lý học mới chỉ là phần ngọn. Bản thân HS cần tích cực tự trang bị nhiều hơn cho mình. Chỉ khi nào có được nền tảng vững vàng về giá trị sống khi ấy mới thôi thúc HS hành động đúng, vượt qua khó khăn trở ngại của bản thân và ngoại cảnh để có một cuộc sống tốt hơn.

Thực tế cũng chỉ ra vai trò của gia đình trong việc giáo dục giá trị sống vô cùng quan trọng. Số những gia đình lúng túng, không biết cách dạy dỗ con ngày càng nhiều hơn.

Nhiều HS điện thoại tới các trung tâm tư vấn kêu cứu, để kể cho cán bộ tư vấn nghe bị bố mẹ mạt sát, xúc phạm trong lúc quá giận dữ ra sao; cấm đoán cách nào để các em không được giao lưu chơi bời với bạn A, B, C...

Những hành động sai lầm của cha mẹ sẽ dẫn đến những phản ứng không thể lường của con trẻ. Nhất là khi kiến thức liên quan đến giới tính, các phương pháp giáo dục hiện đại lại bị nhiều bậc cha mẹ né tránh…

Rõ ràng, chỉ cần có kiến thức văn hóa, kỹ năng sống, HS chưa thể giải quyết mọi vấn đề trong tương lai. Chỉ khi nào HS được giáo dục giá trị sống đầy đủ khi ấy mới có được những định hướng giá trị đạo đức nhân văn, nghề nghiệp đúng đắn. Trên cơ sở đó mới có thể hình thành được những kỹ năng sống cơ bản phù hợp với yêu cầu của xã hội và chuẩn mực của cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ