Việc cung cấp kiến thức phòng chống thiên tai sẽ giúp các em học sinh hạn chế được những hậu quả do thiên tai gây ra |
Ngay trong lời khai mạc, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh, Hội thảo quan trọng này để mở đầu cho các hoạt động lồng ghép kiến thức phòng chống thảm họa thiên tai trong trường học.
Cũng theo Thứ trưởng, cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống thảm họa thiên tai trong trường học như: Truyền thông giáo dục, lồng ghép những nội dung phòng chống thảm họa thiên tai vào một số các môn học trong trường phổ thông; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về phòng chống thảm họa thiên tai. Nhiều mô hình hoạt động đã được các tổ chức quốc tế triển khai có hiệu quả, nhất là các mô hình hoạt động có sự tham gia của trẻ em.
Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban tiếp nhận viện trợ khẩn cấp của Bộ để tiếp nhận và phân phối hàng viện trợ tới các trường học ở thuộc vùng hay bị thiệt hại bởi thiên tai.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Phương Nga (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đại diện cho nhóm tư vấn đã đưa ra đề xuất về việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng chống thảm họa thiên tai vào chương trình chính khóa trong nhà trường phổ thông và vào các hoạt động ngoại khóa. Mục tiêu của chương trình tích hợp là giúp học sinh biết về các loại thiên tai chính ở địa phương và của Việt Nam; các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến thiên tai và biến đổi khí hậu, các chính sách và chương trình phòng chống thảm họa thiên tai ở địa phương và của Việt Nam; các việc nên làm trước và sau thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
Việc tích hợp nội dung này cũng nhằm mục đích hình thành các kỹ năng: đánh giá rủi ro, lập bản đồ rủi ro và nguồn lực, phân tích, chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực ứng phó của học sinh trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho bản thân, gia đình và cộng đồng; giúp học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ thông tin và phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra ở nhà trường và cộng đồng.
Theo TS.Nga, giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh không chỉ nhằm cung cấp kiến thức mà quan trọng là hình thành các kỹ năng, năng lực ứng phó với thảm họa thiên tai có thể xảy ra và chung sống với nó.
Đối với việc lồng ghép trong chương trình chính khóa, nguyên tắc là không làm thay đổi đặc trưng, không gây quá tải cho chương trình môn học; khai thác nội dung giáo dục phòng chống thiên tai có chọn lọc, có tính tập trung, không gượng ép.
TS. Nga cũng đưa ra các môn học thích hợp ở mỗi cấp học phù hợp để lồng ghép. Cụ thể, cấp tiểu học gồm Tiếng Việt, Đạo Đức, Tự nhiên & Xã hội, Khoa học, Hát nhạc, Mỹ thuật; THPT là các môn Địa lý, Sinh vật, Vật lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các mô hình giáo dục phòng chống thiên tai đã được thực hiện có hiệu quả tại địa phương đồng thời đóng góp ý kiến cho việc lồng ghép giáo dục phòng chống thảm họa thiên tai trong trường học. Thứ trưởng Trần Quang Quý khẳng định, các mô hình được giới thiệu tại Hội thảo này sẽ được Bộ GD&ĐT nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trong thời gian tới đây.
Hiếu Nguyễn