* Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng có nhiều điểm mới và có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy tiến sỹ có nhận định gì về những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay?
- TS Trương Tiến Tùng: Như chúng ta đã biết, cái mới nào cũng làm cho xã hội và những người liên quan có những suy nghĩ, thậm chí là khó được chấp nhận ngay. Trở lại câu chuyện về Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhìn nhận một cách có hệ thống và khách quanh thì Bộ GD&ĐT bao giờ cũng mong muốn những gì tốt nhất cho các em thí sinh. Và những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm nay cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Thực tế, 3 năm gần đây, tất cả những đổi mới hoặc những cải cách trong công tác tuyển sinh đại học, chúng ta đều nhận thấy, mọi lợi ích đều hướng tới thí sinh. Nhất là trong cuộc cách mạng 4.0, mọi cái nhu cầu của xã hội đều hướng đến con người, hay nói cách khác là cá nhân hoá nhu cầu của từng người. Ngành Giáo dục của chúng ta cũng vậy, cũng đang hướng tới từng những em học sinh để đáp ứng những công việc đó.
Đầu tiên, chúng ta thấy là thi đại học đều phải tập chung về các đô thị, bây giờ là kỳ thi “2 trong 1”, các em thi ngay tại địa phương, thời gian tổ chức kỳ thi ngắn lại. Ở bậc phổ thông, các em được học để làm người, là công dân tốt, do vậy hiểu biết phải mang tính chiều rộng, các trường đại học sẽ dựa trên kết quả đó để chọn theo chiều sâu.
Để thỏa mãn được 2 điều đó thì một bên phải hi sinh, vất vả một chút và đó chính là các trường đại học, còn các thí sinh sẽ nhẹ nhàng hơn trong thi cử và xét tuyển đại học.
* Việc thay đổi chênh lệch điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học có đảm bảo công bằng trong tuyển sinh – thưa tiến sỹ?
TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội |
- TS Trương Tiến Tùng: Theo quan điểm của tôi, điểm ưu tiên thứ nhất là điểm dành cho những người có công và dành cho các gia đình thuộc diện chính sách. Đó là những người có công, những người đã hi sinh thân mình cho nền độc lập của dân tộc. Cả dân tộc phải đền đáp cho họ, do đó việc giữ nguyên điểm ưu tiên cho những đối tượng thí sinh này là hoàn toàn hợp lý.
Còn đối với điểm ưu tiên về vùng miền cũng cần có sự điều chỉnh. Hiện nay, chúng ta đang dần làm giảm đi sự chênh lệch giữa các vùng miền. Do đó việc giảm dần chênh lệch về điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học theo lộ trình như hiện nay là hợp lý, không gây sốc và đảm bảo sự công bằng xã hội. Hy vọng, sau những cải tiến của chính sách tuyển sinh thì 5 đến 10 năm nữa, mỗi 1 địa phương sẽ có 1 lực lượng lao động có năng lực làm việc tốt hơn, chất lượng cao hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
* Nhiều người băn khoăn việc bỏ quy định về “điểm sàn” sẽ khiến các trường “vơ bèo vạt tép”, tiến sỹ nghĩ sao về việc này?
- TS Trương Tiến Tùng: Trên thực tế, sự nghi ngại của xã hội, cũng như của các em thí sinh cũng không phải không có cơ sở. Tuy nhiên có hai vấn đề mà tôi muốn trao đổi: Thứ nhất là việc lựa chọn đi học ở bậc học nào hay là đi làm ngay của các em thí sinh và các bậc phụ huynh đã có sự thông thái hơn rất nhiều. Họ không chọn theo cảm tính nữa và bắt đầu họ chọn, họ coi đó là sự đầu tư cho con cái. Và để đầu tư đó có xứng đáng hay không thì họ bắt đầu tìm kiếm các thông tin và thông tin. Tức là việc lựa chọn nghề nghiệp và trường học bây giờ đều đã khác, không theo cảm tính như ngày trước mà đã có phân tích ở nhiều phương diện khác nhau để có sự lựa chọn hoàn hảo nhất.
Thứ hai, nếu là một trường đại học. Chẳng hạn ngay như Viện Đại học Mở Hà Nội, chúng tôi không dại gì mà đi hạ quá thấp xuống để tuyển sinh, thà chúng tôi đào tạo ít đi nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo được chất lượng đào tạo. Những con số chuẩn đầu ra của chúng tôi phải được giữ.
Chúng ta thấy, mặt sàn phía trên là đào tạo ra phải làm việc được và chúng tôi cam kết với xã hội rằng, sinh viên tốt nghiệp phải có công ăn việc làm. Vì thế, nếu chúng tôi tự hạ điểm sàn đầu vào thì chính chúng tôi đang giết chết chúng tôi. Vì đây là vấn đề các trường tự khẳng định vị thế của mình, tự khẳng định chất lượng của mình.
Tôi nghĩ rằng sẽ không một hiệu trưởng nào, không một lãnh đạo nào, hay bất cứ tập thể sư phạm nhà trường nào lại chấp nhận hạ điểm chuẩn “kịch đáy” để tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”. Nếu có thì khi tuyển sinh được rồi thì quá trình đào tạo sẽ rất vất vả. Và nếu tính theo bài toán kinh tế thì thời gian đào tạo của chúng ta chỉ từ 3 năm rưỡi cho đến 4 năm. Nhưng vì tuyển sinh những thí sinh kém chất lượng nên phải mất đến nửa năm hoặc thập chí 1 năm để bù lại các kiến thức hổng ở phổ thông. Như vậy có còn hiệu quả nữa hay không? Tôi nghĩ trường nào cũng phải đặt vấn đề đó lên bàn cân để tính toán.
* Xin cảm ơn tiến sỹ!