Sáng 19/11, nhóm thợ săn ở Nghệ An vào rừng săn lợn, một người đã tử vong do lợn rừng tấn công. Trước đó ở Quảng Nam lợn rừng từng tấn công 5 người.
Lợn rừng có tên khoa học Sus scrofa, là loài sinh sản nhanh và sống theo bầy đàn. Chúng có bộ lông sọc vằn màu xám nâu với cân nặng lên tới hàng chục đến hàng trăm kg. Bờm lông ở trên gáy mọc dài tận sống lưng là đặc điểm đặc trưng của loài. Kẻ thù trong tự nhiên của chúng là hổ, chó sói và thợ săn.
Lợn rừng thích sống gần khu vực hoa màu để ăn ngô, khoai sắn, nên bị coi là kẻ thù của nhà nông. Chúng thường kiếm ăn vào lúc trời gần tối và ban đêm, còn ban ngay ẩn nấp vào rừng sâu.
Một con lợn rừng vừa tấn công người ở Nghệ An. Ảnh: Hải Bình. |
Theo các chuyên gia động vật, lợn rừng thường nhút nhát, nhưng rất thính tai thính mũi nên chỉ cần nghe thấy tiếng động nhỏ hoặc mùi lạ là ngay lập tức đánh động cả đàn để tháo chạy. Loài hổ muốn ăn thịt hay con người muốn săn bắn lợn rừng không hề dễ dàng. Chúng còn có khả năng nhớ rất tốt về nguy hiểm từng gặp. Ví dụ, lợn rừng nhận dễ dàng kiểu bẫy từng gặp để không bao giờ mắc phải.
Có hai loài là lợn đàn và lợn độc. Trong đó lợn độc chủ yếu là con đực trưởng thành, tách bầy để sống một mình. "Lợn độc ban đầu sống bầy đàn, sau đó tách ra có thể do không hợp với những con khác trong đàn, hoặc khả năng sinh sản của chúng hết", giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học cho biết.
Lợn độc có hai chiếc răng nanh lớn, cứng và sắc hơn nhiều so với lợn đàn. Đây là vũ khí lợi hại của tạo hóa giúp chúng có khả năng tự vệ chống chọi lại với bất kỳ loài nào có hành động gây hại.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, lợn độc hay lợn đàn đều "không nguy hiểm". "Chỉ khi nào con người có hành động gây bất lợi như phá hoại môi trường sống hoặc săn bắn thì chúng mới tấn công lại", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thành, chuyên gia động vật nói.
Trước nguy hiểm, lợn rừng thường chọn cách im lặng để nghi binh, nếu không được thì kêu thật to để uy hiếp kẻ thù và chạy nhanh vào rừng sâu, chứ ít khi tấn công. Chỉ khi cùng đường hoặc chịu đau đớn chúng mới trở nên hung dữ, sẵn sàng chiến đấu điên cuồng. Nhất là khi bị thương bởi súng đạn, chúng sẽ không ngại lao vào tấn công bất kỳ đối tượng nào.
Đặc biệt, lợn rừng có sức chịu đựng "ghê gớm". Nếu bị trúng đạn, chúng vẫn có thể lết thêm đoạn đường dài, thậm chí còn có thể tiếp tục tấn công kẻ thù.
Lợn rừng được cho là loài động vật hoang dã bị con người săn bắn nhiều nhất, cùng với đó là môi trường sống ngày càng thu hẹp, nên số lượng loài ngày càng ít đi. Con người coi thịt heo rừng là đặc sản và nanh của chúng là đồ trang sức giá trị cao, lông của chúng được sử dụng làm áo.