Lời khuyên của giáo viên trường chuyên từ đề tham khảo môn Lịch sử

GD&TĐ - Phân tích đề thi tham khảo môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2018, giáo viên tổ Lịch sử Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) chia sẻ kinh nghiệm giúp giáo viên, học sinh dạy học, ôn tập tốt môn học này.

Lời khuyên của giáo viên trường chuyên từ đề tham khảo môn Lịch sử

Đề thi phân hóa cao

Xét về phạm vi kiến thức theo khối lớp, đề thi tham khảo môn Lịch sử gồm 8 câu hỏi kiến thức của khối 11 (câu 10, 11, 12, 18, 19, 20, 27, 28); kiến thức của khối 12 gồm 32 câu còn lại.

Xét về phạm vi kiến thức theo nội dung: Câu hỏi kiến thức lịch sử thế giới gồm 12 câu (1, 2, 3, 10, 13, 18, 21, 22, 29, 30, 31, 32) và câu hỏi kiến thức lịch sử Việt Nam gồm 28 câu còn lại. Như vậy tỉ lệ số lượng câu hỏi lịch sử thế giới chiếm 30%, lịch sử Việt Nam chiếm 70% là phù hợp.

Nội dung các câu hỏi trong đề thi tham khảo môn Lịch sử đều nằm trong chương trình THPT lớp 11 và 12, không có nội dung câu hỏi nào nằm ở phần giảm tải.

Mức độ khó và phân hóa học sinh của đề thi cao. Cụ thể, từ câu 1 đến câu 19 khá dễ, học sinh chỉ cần đọc sách giáo khoa và nắm chắc kiến thức cơ bản là làm được.

Từ câu 20 trở đi mức độ phân hóa cao đòi hỏi học sinh không chỉ thuộc kiến thức mà còn phải hiểu sâu, hiểu bản chất của sự kiện; đồng thời biết liên hệ, so sánh sự kiện để làm được.

Tuy nhiên, từ câu 20 trở đi chưa thể hiện rõ sự tăng dần mức độ khó. Trong khi các câu 22, 25, 34, 36 không quá khó thì các câu 23, 24, 27, 33, 39 lại rất khó.

Học sinh cần đọc kĩ từng đáp án, tránh vội vàng lựa chọn. Các đáp án nhiễu đưa ra bằng cách diễn đạt cửa người ra đề sẽ có nhiều điểm tương đồng với đáp án đúng. Vì vậy cần đọc kĩ từng đáp án, trên cơ sở chắc kiến thức để phát hiện điểm chưa đúng trong đáp án nhiễu.

Tập dần cách tư duy, tránh “sốc” khi gặp đề khó

Chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh trong dạng đề thi này, các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT chuyên Hùng Vương lưu ý: Học sinh cần chăm chỉ đọc sách giáo khoa, tích lũy kiến thức ngay từ đầu, nắm thật vững kiến thức trong sách giáo khoa phần chữ to, vì trong đề tham khảo có tới hơn 10 câu hỏi là trích nguyên trong sách giáo khoa.

Sau khi học thuộc kiến thức cơ bản, học sinh cần tích cực ôn luyện, chăm chỉ làm câu hỏi trắc nghiệm sau mỗi bài, tích cực làm đề trắc nghiệm tổng hợp để quen dần với cách thức thi.

Học sinh không chỉ làm đề trắc nghiệm trên lớp mà cũng cần tham gia các nhóm học tập, ôn luyện trên mạng để có điều kiện làm quen nhiều hơn với các câu hỏi khó, lạ để tập dần cách tư duy, tránh việc “sốc” khi gặp đề khó.

Để làm bài thi đạt kết quả như ý, học sinh nên đọc kĩ phần nội dung câu hỏi, câu dẫn bởi trong đó đã có những dữ kiện gợi ý để giúp các em chọn được đáp án đúng.

Cần gạch chân những từ khóa trong phần câu hỏi. Từ khóa trong câu hỏi là những từ thể hiện đối tượng mà câu hỏi hướng tới, rồi những từ thể hiện phạm vi không gian, thời gian của đối tượng được hỏi.

Đối tượng ở đây có thể là một đối tượng lớn, sự kiện lớn (cách mạng tháng Tám, chiến dịch Hồ Chí Minh,…) hoặc cũng có thể chỉ là một lĩnh vực, một khía cạnh của đối tượng (đặc điểm của cách mạng tháng Tám, nghệ thuật chỉ đạo của chiến dịch Hồ Chí Minh,…).

Học sinh cũng cần đọc kĩ từng đáp án, tránh vội vàng lựa chọn. Các đáp án nhiễu đưa ra bằng cách diễn đạt cửa người ra đề sẽ có nhiều điểm tương đồng với đáp án đúng. Vì vậy cần đọc kĩ từng đáp án, trên cơ sở chắc kiến thức để phát hiện điểm chưa đúng trong đáp án nhiễu.

Đặc biệt, trong những đáp án có 2 vế, được ngăn cách bằng từ “và” hoặc dấu “,” hoặc “;” thì thường sẽ có một vế đúng và một vế không đúng. Cần đọc kĩ đáp án, tránh đọc lướt để không bị đánh lừa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ