Lợi ích từ thói quen ghi nhật ký

GD&TĐ - Nhiều trẻ bày tỏ rất ngại viết, nhất là viết dài. Điều này khiến con gặp nhiều cản trở trong học tập cũng như giao tiếp.

Thói quen viết nhật ký giúp con ham viết, học tốt hơn. Ảnh minh họa: INT.
Thói quen viết nhật ký giúp con ham viết, học tốt hơn. Ảnh minh họa: INT.

Vậy nên, một trong những cách khiến con chăm viết hơn là ghi nhật ký mỗi ngày.

Ứng xử với cảm xúc cá nhân tốt hơn

Nhiều học sinh chia sẻ rất ngại khi phải cầm bút viết, chép bài dài. Càng ngày trẻ càng không muốn học những môn phải ghi chép quá nhiều. Do vậy, kỹ năng viết và sắp xếp câu văn, suy nghĩ, tư duy logic càng kém hơn, qua đó ảnh hưởng đến học tập, giao tiếp và cả cảm xúc của trẻ.

Theo chuyên gia, dạy con viết nhật ký là cách để ghi lại những trải nghiệm, tâm tư, tình cảm của bản thân.

Theo sự phát triển của thế giới, trẻ em dần đắm chìm vào những thiết bị công nghệ cao và quên đi những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Cuốn nhật ký sẽ là nơi tuyệt vời giúp con rời mắt khỏi điện thoại và mạng xã hội để tập trung hơn. Đặc biệt, đây cũng là cách rèn luyện kỹ năng viết.

Theo TS Nguyễn Thu Huyền, Trường Đại học RMIT, cha mẹ đừng vội cho rằng nhật ký chỉ là nơi ghi chép lại những chuyện thầm kín hoặc bí mật của con. Viết nhật ký đơn giản chỉ là ghi chép lại những điều xảy ra với con hàng ngày, những điều con thấy biết ơn, hay những bài học rút ra được từ những gì trải nghiệm,… Nhưng những dòng “lưu trữ” ấy chính là tiền đề cho mọi hoạt động định hướng nghề nghiệp, ước mơ của con sau này.

Vì vậy, thói quen viết nhật ký thực chất mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, trí tuệ và hạnh phúc cho con.

Theo TS Huyền, trong hành trình trưởng thành, chắc chắn sẽ có lúc con phải đương đầu với những “chuyện khó nói”. Thực tế là không phải chuyện gì con cũng cảm thấy thoải mái và tự tin để chia sẻ với cha mẹ. Thế nên, viết nhật ký cũng là cách để con đối diện với chính mình. Bởi đây là lúc con bình tĩnh hơn để nhìn lại sự việc và sẽ hạn chế lặp lại những lỗi sai trong quá khứ, bởi những bài học đều đã được ghi lại.

Con cũng sẽ biết ứng xử với những cảm xúc của mình một cách tốt hơn, bởi con đã bóc tách và hiểu được nơi bắt nguồn của chúng là từ những sự việc nào. Con cũng sẽ cảm thấy được yêu thương nhiều hơn, vì những kỷ niệm đẹp nhất con đã ghi lại vào nhật ký, bất cứ lúc nào cảm thấy cần động lực đều có thể mở ra và xem lại.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Để con tự do sáng tạo

Cô Huyền cho biết thêm, viết nhật ký sẽ rèn luyện và nâng cao khả năng ghi nhớ của não bộ. Bởi để viết được những dòng nhật ký, con sẽ phải tập trung nhớ lại hết sự việc một cách chi tiết vào những trang giấy.

Ngoài ra, nếu một ngày con muốn nhớ lại một khoảng thời gian nào đấy, con chỉ cần mở nhật ký ra, dù chúng có được ghi chép đầy đủ hay không thì cũng sẽ là chiếc chìa khóa để “kích hoạt” những ký ức tưởng như đã bị lãng quên. Sau một thời gian duy trì thói quen viết nhật ký, con cũng sẽ học được cách sắp xếp những dòng suy nghĩ lộn xộn trong tâm trí.

Trong thực tế, nhật ký sẽ giúp con sắp xếp lại từng thứ, đâu là điều con đã trải qua, cảm thấy không hài lòng với điều gì, việc cần làm tiếp theo như thế nào.... Mọi thứ đều được tổ chức gọn gàng, logic hơn trong những dòng chữ. Có thể nói, duy trì thói quen viết nhật ký sẽ giúp con phát triển tư duy khoa học, kỹ năng viết lách, sắp xếp ý.

Cách dạy con viết nhật ký tưởng đơn giản nhưng không dễ dàng. Bởi nhiều trẻ không hào hứng với việc phải cầm bút viết. Do vậy, người lớn hãy khéo léo đưa phương pháp này thành một trò chơi, cách thức giải trí trước.

Sau khi “làm bạn” và coi những trang giấy thực sự là nơi trẻ có thể thoải mái sống thật với cảm xúc của mình thì con sẽ tự yêu thích hoạt động này.

Muốn vậy, cha mẹ hãy cùng con lên thời gian biểu để hình thành thói quen viết hàng ngày vào một thời điểm cụ thể. Hoặc ban đầu, hãy để trẻ vẽ lại những gì đã xảy ra thay vì viết. Sau đó, hướng dẫn con chú thích vào từng bức ảnh đó và dần dần trẻ sẽ chắp nối thành câu chuyện. Hoặc thu hút hơn, hãy để trẻ tự trang trí cho mỗi trang nhật ký của mình bằng sưu tầm tranh ảnh, tô màu sáng tạo,…

Bên cạnh đó, để con ham viết, hãy áp dụng cách viết nhật ký cho từng môn học. Có nhiều trẻ chuẩn bị những cuốn sổ tay nhỏ cho riêng các môn. Đó là nơi trẻ ghi công thức, ghi nhớ quan trọng, lưu ý của tiết học nào đó… Trẻ dần dần sẽ ham viết hơn và cũng học tốt hơn nhờ cách ghi chép khoa học.

Ngoài ra, để giúp con chăm chỉ và không ngại viết, cha mẹ cũng có thể viết thư cho con hoặc dạy con viết cho bạn bè, người thân…

Thay vì chụp hình hoặc quay phim, cha mẹ làm gương có thể viết thư cho con để ghi dấu các khoảnh khắc, kỷ niệm của thành viên trong gia đình và mọi người sẽ có dịp để hồi tưởng lại sau một thời gian.

Viết thư cho con còn là dịp để bố mẹ bày tỏ được tình cảm của mình đối với trẻ. “Trong mỗi bức thư dành cho bé, hãy chia sẻ một vài kỷ niệm mà bạn thật sự trân trọng, chẳng hạn như khoảnh khắc có ý nghĩa rất nhiều nhưng đôi khi con lại không biết được điều đó.

Câu chuyện của bạn sẽ truyền tải đến bé theo một cách đáng nhớ hơn bất kỳ lời khen đặc biệt nào. Nhờ vậy, con cũng có thể bày tỏ ngược lại với cha mẹ qua cách viết thư, làm thiệp, ghi dấu ấn vào nhật ký…”, TS Nguyễn Thu Huyền chia sẻ.

“Dồn nén cảm xúc sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Và việc được ‘xả hết’ vào cuốn nhật ký sẽ giúp con có thời gian nhìn nhận lại sự việc và giải quyết được những cảm xúc thuộc về cá nhân. Điều quan trọng là sau khi kết thúc trang nhật ký, con có thể điều chỉnh lại cảm xúc và tự rút ra được bài học quý báu cho bản thân”, TS Huyền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ