Lợi ích quốc gia là tối thượng

GD&TĐ - Tại nước Trung Hoa rộng lớn thời nhà Thanh, các hoàng đế và triều đình luôn tự coi mình là thiên triều hùng mạnh, coi các nước phương Tây như nước Anh chẳng hạn vẫn là man di, dù họ có tàu chiến, đại bác.

Chân dung Henry John Temple Palmerston.
Chân dung Henry John Temple Palmerston.

Nếu nhà Thanh hiểu mình, hiểu người hơn, chắc họ chẳng ngần ngại học tập cách đóng tàu, làm đại bác, tổ chức tác chiến... như những nước “man di” đang lăm le đánh nhà Thanh thuở ấy.

Ngoại giao pháo hạm

Hồi đó nhà Thanh lo lắng, nước Trung Quốc chao đảo bởi chính sách xâm lược của Anh quốc dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Anh Henry John Temple Palmerston (trong các năm 1830-1834; 1835-1841; 1846-1851) và sau là Thủ tướng (1855-1858), (1859-1865).

H.J.T. Palmerston là huân tước xuất thân trong một gia đình quý tộc, ông sinh năm 1784, lớn lên được hưởng sự giáo dục đầy đủ, rất giỏi lịch sử, văn học, luật pháp... Chàng thanh niên Palmerston có mái tóc dầy lượn sóng, xoăn - là người có trí lực và nhiều ý tưởng.

Trán cao phẳng- chứa đựng nhiều tư duy. Tai và cổ rất to, vững chãi, đường bệ. Mũi của Palmerston không đẹp, nó không thẳng, hẹp, nhưng cánh mũi nở. Điểm nổi bật về nhân tướng của Palmerston là cặp mắt có thần thái cao quý, cặp môi vừa phải với kiểu mím môi bí ẩn, đầy quyền uy.

Khi được vào nội các rồi đứng đầu nội các, Palmerston luôn giữ vững chính sách ngoại giao pháo hạm - đề cao sức mạnh quân sự, tìm cách mở rộng đất đai và thị trường cho Anh Quốc. Dưới thời ông, Trung Quốc trở thành mục tiêu của Anh.

Trong khi một mặt, cử người đến Trung Quốc lập quan hệ với triều đình nhà Thanh, mở thương quán, tặng triều đình nhiều tặng vật mới lạ như kính mắt, đồng hồ, ống nhòm, súng ngắn, truyền bá ngành chụp ảnh... mặt khác, ông bật đèn xanh cho  Charles Elliot - giám đốc thương vụ Anh tại Trung Quốc tổ chức bán nha phiến vào lục địa này.

Nhiều người trong triều đình nhà Thanh lúc đầu thấy sứ giả, thương vụ Anh luôn nói đến tình bạn giữa 2 nước vẫn tưởng thật, nay càng ngày càng thấy Anh lấn lướt thì ngỡ ngàng, run sợ, tức tối nhất khi nước Anh đòi hợp pháp hóa việc buôn bán thuốc phiện của họ.

Năm 1839, phe cứng rắn trong triều Thanh ủng hộ hoàng đế Đạo Quang từ chối các đề xuất hợp pháp hóa và đánh thuế thuốc phiện, phái Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đại thần tới Quảng Châu để ngăn chặn hoàn toàn việc buôn bán thuốc phiện. Lâm Tắc Từ đã viết một bức thư ngỏ cho Nữ hoàng Anh Victoria kêu gọi trách nhiệm trong việc ngăn chặn buôn bán thuốc phiện gây nguy hại cho dân Trung Quốc.

Không nhận được phản hồi, Lâm Tắc Từ liền đề xuất đóng cửa các quầy hàng nha phiến của thương nhân Anh và Mỹ ở Quảng Đông để đổi lấy trà, nhưng không thành. Ông bèn ra lệnh phong tỏa các tàu nước ngoài và huy động quân triều đình lục soát, tịch thu tổng cộng 20.283 rương thuốc phiện (khoảng 1.210 tấn) rồi đốt sạch. Thế là đang từ bạn, nước Anh trở thành kẻ thù của Trung Quốc.

Chính phủ Anh đáp trả bằng cách phái lực lượng quân sự đến Trung Quốc. Trong cuộc xung đột sau đó, Hải quân Hoàng gia Anh với sức mạnh thủy chiến và hỏa lực áp đảo đã chiến thắng một loạt trận chiến quyết định trước nhà Thanh, chiến lược sau này được gọi là ngoại giao pháo hạm.

Năm 1840, Anh phát động chiến tranh nha phiến, buộc nhà Thanh phải cách chức Lâm Tắc Từ, ký điều ước Nam Kinh có lợi cho Anh. Sau đời hoàng đế Đạo Quang, tiếp đến Hàm Phong và Đồng Trị có cả sự tham gia nhiếp chính của Từ Hi Thái Hậu sau này, tất cả đều bị động, nhục nhã, thiệt thòi trong quan hệ với Anh.

Cuối thời Hàm Phong, trong thời Đồng Trị, thân vương Dịch Hân - người thay mặt triều đình đứng ra quan hệ với phía Anh và các nước châu Âu lúc đó - phải kêu lên: Nước Anh làm bạn với ta kiểu gì thế này? Chỉ muốn ăn thịt chúng ta !! Năm 1858 nhà Thanh phải ký hiệp ước Thiên Tân lần 1, năm 1860 ký lần 2 với những điều khoản mà “anh bạn” xa xôi Anh Quốc được lợi về bồi thường chiến phí, quyền lợi to lớn về ngoại thương. 

Lợi ích vĩnh cửu

Có thể nói Palmerston đã chủ trì chính sách đối ngoại của Anh trong giai đoạn 1830 đến 1865, khi nước Anh đang ở đỉnh cao của quyền lực đế quốc. Ông giữ chức vụ quan trọng gắn với ngoại giao và có khi đứng đầu nội các gần như liên tục từ năm 1807 cho đến khi qua đời vào năm 1865.

Ông bắt đầu sự nghiệp nghị viện với tư cách là một thành viên Đảng Tory (sau này gọi là Đảng Bảo thủ), ra khỏi phái Whigs của đảng vào năm 1830 và trở thành Thủ tướng đầu tiên của Đảng Tự do mới thành lập năm 1859.

Với cương vị này, Palmerston đã phản ứng hiệu quả với một loạt các cuộc xung đột ở châu Âu. Những hành động hiếu chiến của ông với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, một số hành động cứng rắn của ông hiện vẫn là đề tài gây tranh cãi - đã được coi là nguyên mẫu của thực tiễn can thiệp tự do.

Đối với nước Anh, Palmerston được đánh giá là ban hành nhiều chính sách cải cách xã hội, mặc dù ông phản đối cải cách bầu cử. Palmerston là Thủ tướng duy nhất có thể duy trì số phiếu ủng hộ đa số trong Quốc hội và là Thủ tướng chết trong văn phòng khi đang làm việc.

Palmerston kiểm soát thành thạo dư luận bằng cách kích thích chủ nghĩa dân tộc Anh, và mặc dù Nữ hoàng Victoria và nhiều chính khách không hoàn toàn tin tưởng ông, dù ông vẫn nhận được và duy trì sự ủng hộ của báo chí và công chúng, được dân chúng trìu mến gọi thân mật là “Pam”.

Những điểm yếu của Palmerston được đánh giá trong việc xử lý sai các mối quan hệ cá nhân và những bất đồng liên tục với Nữ hoàng về vai trò của hoàng gia trong việc xác định chính sách đối ngoại.

Các nhà sử học coi Palmerston là một trong những chính khách nước ngoài vĩ đại nhất, do hiệu quả của việc xử lý các cuộc khủng hoảng lớn; cam kết của ông đối với cán cân quyền lực, việc thay mặt nước Anh chủ trì một số quyết định quan trọng trong nhiều cuộc xung đột với kỹ năng phân tích toàn diện và sự hết lòng đối với lợi ích của Anh.

Palmerston mất năm 1865, nhưng nhiều quốc gia nhiều chính khách tầm quốc tế vẫn nhớ đến ông, bàn về quan điểm đối ngoại “lợi ích” của ông đã được ông phát biểu rõ ngày 1/3/1848 tại Hạ Viện Anh như sau: “Chúng ta không có bạn đồng minh vĩnh hằng, chúng ta cũng không có địch thủ vĩnh cửu. Lợi ích của chúng ta mới là vĩnh cửu, vĩnh hằng và trách nhiệm của chúng ta là đeo đuổi những lợi ích đó...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò. 

Minh họa/INT

Chỉ sợ lở núi

GD&TĐ - Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần.

Hơn 42 nghìn ứng viên trúng tuyển nhưng bỏ nhập học tại Anh.

Hơn 42 nghìn người bỏ nhập học tại Anh

GD&TĐ - Theo dữ liệu của Dịch vụ Tuyển sinh đại học và cao đẳng Anh (UCAS), hơn 42 nghìn ứng viên đỗ đại học nhưng bỏ nhập học trong kì tuyển sinh năm nay.