Ngoại trưởng Đức G. Westerwelle (trái) là "cánh tay phải" của Thủ tướng Angela Merkel.
Trong số 54 quốc gia thuộc châu Âu đã có hơn 20 nước chấp thuận hôn nhân đồng tính, phân nửa trong số này cho phép các cặp đồng giới được quyền nhận con nuôi.
Khi nữ chính khách 67 tuổi Johanna Sigurdardottir trở thành người đứng đầu nội các Iceland vào tháng 2-2009 với nhiệm kỳ 4 năm, báo giới quốc tế đồng loạt chạy những hàng tít gây sốc như: "Quốc gia đầu tiên có Thủ tướng đồng tính", hay "Iceland là trường hợp ngoại lệ duy nhất làm vẩn đục bầu chính trị thế giới"…
"Tấm gương Iceland" có thể là tiền đề khiến một loạt các chính khách kỳ cựu ở châu Âu dám công khai quan điểm đồng tính luyến ái của mình. Chỉ chưa đầy 4 tháng sau, ông Frederic Mitterrand, người mới được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cử giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông đã lên tiếng thừa nhận là người đồng tính. Kế đến là đương kim Thị trưởng thủ đô Paris Bertrand Delanoe cũng có phát biểu tương tự.
Ở CHLB Đức, giới chính khách đồng tính cao cấp ngoài cựu Ngoại trưởng Guido Westerwelle, người từng đứng đầu đảng Dân chủ Tự do (FDP) suốt 10 năm ròng (từ năm 2001-2011), còn có cựu Thị trưởng thủ đô Berlin Klaus Wowereit, hay nữ Thượng nghị sĩ Christa Goetsch từng giữ chức Phó thị trưởng thành phố cảng Hamburg, cũng là đô thị lớn thứ 2 ở Đức...
"Việc thừa nhận sở thích yêu người đồng giới khiến tôi càng nổi danh hơn, bởi cử tri luôn đánh giá cao lòng trung thực của các chính trị gia", ông K. Wowereit thẳng thắn bộc bạch với báo giới khi còn ngồi trên ghế Thị trưởng.
Trở lại với trường hợp của nữ Thủ tướng J. Sigurdardottir, với bối cảnh chính trị không hoàn toàn thuận lợi như người ta vẫn tưởng. Cách đây hơn 30 năm người Iceland theo trào lưu chung vốn "ghét cay ghét đắng" những kẻ đồng tính. Từ một cựu tiếp viên hàng không, bà J. Sigurdardottir đã thâm nhập vào chính trường, rồi được sự hậu thuẫn từ Hiệp hội Samotkin -78, một tổ chức phi chính phủ ở thủ đô Reykjavík chuyên đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính và đã đắc cử vào Nghị viện năm 1978. Đến năm 1996, khi Iceland chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép người đồng tính có thể kết hôn, thì nữ dân biểu J. Sigurdardottir lúc ấy đang giữ chức Bộ trưởng Bộ An sinh xã hội.
"Trong thực tế bà J. Sigurdardottir chiếm được lòng tin của dân chúng, bất luận quan điểm hôn nhân ra sao miễn là người biết quan tâm và hành động cho cuộc sống của nhân dân - Margret Bjornsdottir, Viện trưởng Viện Quản trị và Chính sách công thuộc Trường đại học Tổng hợp Reykjavík cho biết - Cử tri Iceland không quan tâm đến vấn đề đồng tính luyến ái của cá nhân Thủ tướng, cho dù ngay từ năm 2002 bà đã chính thức chung sống như vợ chồng với một người bạn gái". Hiện tại, chỉ có chưa đầy 6% số linh mục Iceland từ chối làm lễ cưới cho các cặp uyên ương cùng giới tại nhà thờ.
Còn tại Vương quốc Anh, một đất nước cực kỳ bảo thủ, vào năm 1988 Chính phủ của "bà đầm thép" Margaret Thatcher đã ban hành Đạo luật tự quản địa phương, trong đó có Điều 28 quy định "Cấm thúc đẩy tệ nạn đồng tính luyến ái". Đến thời Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Tony Blair thì tình hình đã biến chuyển khả quan hơn, khi trong năm 1997 Nam tước Chris Smith, người từng là thành viên Hội đồng Cơ mật thuộc Viện Quý tộc (Thượng viện Anh) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao.
"Điều đáng ngạc nhiên nhất lúc ấy là không ai trong dư luận nhận thấy rằng một người đồng tính đã trở thành Bộ trưởng", ông Smith hiện đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường toàn Anh, nhớ lại.
Cũng vào thời điểm diễn ra kỳ bầu cử của năm 1997, tại thành phố Exeter ứng viên Adrian Rogers thuộc đảng Bảo thủ đã chỉ trích đối thủ Ben Bradshaw của Công đảng là "tên đồng tính mạt hạng". Nhưng rốt cục dân chúng vẫn bầu cho B. Bradshaw. "A. Rogers đã sử dụng lá bài đồng tính làm vũ khí chính trị chống lại tôi - tân Nghị sĩ B. Bradshaw thổ lộ - Nhưng kết quả chung cuộc đã minh chứng điều ngược lại, rằng thời thế đã thay đổi!".
Tháng 5-2010, B. Bradshaw được cử vào nội các khi Thủ tướng David Cameron thành lập Chính phủ mới, với chức vụ là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao y như của Nam tước C. Smith dưới thời cựu Thủ tướng T. Blair. Tính đến thời điểm hiện nay có 11 thành viên cả nam lẫn nữ thuộc Quốc hội Anh, trong đó có 2 người giữ chức Bộ trưởng đã thừa nhận là người đồng tính luyến ái.
Một cuộc thăm dò dư luận xã hội vừa qua, do Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) tiến hành, cho thấy chỉ có 49% số người Mỹ được hỏi ủng hộ tình yêu đồng giới, trong khi tỉ lệ này ở châu Âu là trên 80% ngoại trừ Ba Lan có đông người theo đạo Công giáo. Tại Mỹ nếu chính khách nào đó công khai thừa nhận mình là người đồng tính, đồng nghĩa với việc "tự sát chính trị" cùng tương lai mờ mịt...
Chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Quỹ Victory Fund, đã giúp ứng viên đồng tính nữ 54 tuổi Annise Parker của đảng Dân chủ đắc cử chức danh Thị trưởng thành phố Houston, tiểu bang Texas, Mỹ năm 2010. Đây cũng là chính khách Mỹ cao cấp duy nhất thuộc giới đồng tính.