Nói đến việc phòng bệnh, không thể không nói đến vai trò to lớn của vắc-xin. Đây được xem như là một loại công cụ phòng bệnh hữu hiệu nhất mà các nhà khoa học trên toàn thế giới ngày đêm không ngừng nghiên cứu và phát triển.
Lịch sử ra đời
Vắc-xin có thể được xem như là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người nhằm bảo vệ sức khỏe và sự sinh tồn trong cuộc hành trình khám phá và chinh phục thế giới bao la.
Theo lẽ thông thường của những quy luật tự nhiên, các loài sinh vật dù bé nhỏ đến đâu, đa số bằng cách này hay cách khác đều tìm cách tấn công và tiêu diệt đối phương để sinh tồn.
Các loài vi sinh vật gây bệnh cho con người cũng vậy. Tuy nhiên, bằng trí khôn, bằng kinh nghiệm con người đã đúc kết hoặc nghĩ ra nhiều cách để tự bảo vệ và chống tại các tác nhân gây bệnh.
Phải đến thế gần cuối thế kỳ thứ 18, nguyên lý sử dụng vắc-xin mới được phát hiện. Nhưng từ hàng chục thế kỷ trước đó, các “thầy lang” tại Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác không hiểu bằng cách nào, họ đã có được ý thức chủ động phòng tránh một số bệnh bằng cách đưa một chất gì đó vào cơ thể con người nhằm “huấn luyện” cho cơ thể cách thích nghi hoặc chống lại nếu bệnh đó xảy ra.
Họ uống nọc rắn độc để phòng... rắn độc cắn, bôi chất dịch chảy ra từ các mụn mủ của người mắc bệnh đậu mùa để miễn nhiễm với căn bệnh truyền nhiễm tai quái này.
Năm 1798, một thầy thuốc người Anh là Edward Jenner lần đầu tiên phát hiện ra nguyên lý sử dụng vắc-xin, mở ra một kỷ nguyên mới trong phòng chống bệnh, đặc biệt là các loại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm.
Hằng năm, chính phủ các nước đều đầu tư những tài khoản lớn cho vắc-xin nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng qua các chương trình tiêm chủng mang tính quốc gia, nhất là dành cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ nhỏ gần như là điều bắt buộc.
Hình thức miễn dịch chủ động
Về mặt sinh hóa học mà nói, vắc-xin là một loại “chất lạ” đối với cơ thể con người. Thuật ngữ chuyên môn về miễn dịch học gọi “chất lạ” đó là kháng nguyên (antigen).
Kháng nguyên là chất có khả năng kích thích sự đáp ứng miễn dịch, đặc biệt kích hoạt các tế bào Lympho. Tế bào Lympho còn gọi là bạch cầu. Đây thực sự là các chiến binh chống lại tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn, virus, sinh vật đơn bào...) để bảo vệ cơ thể.
Kháng nguyên được chia làm hai loại: Kháng nguyên ngoại lai hay dị nguyên (heteroantigen), có nguồn gốc ngoài cơ thể và kháng nguyên tự thân (autoantigen) hay tự kháng nguyên, có nguồn gốc ngay ở cơ thể của mỗi người.
Dị nguyên có thể là một phần của virus, vi khuẩn hoặc các chất do chúng tạo ra. Đó cũng có thể là các thành phần có trong máu hoặc huyết tương của những người khác. Ở một số người bị rối loạn miễn dịch, cơ thể không còn tự nhận biết, nên hệ thống miễn dịch sản sinh ra các chất tự chống lại chính mình.
Các chất được sản sinh ra trong quá trình mà kháng nguyên kích thích tạo ra sự miễn dịch được gọi là kháng thể (antibody). Sử dụng vắc-xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể. Việc làm này giống như là một cuộc huấn luyện, giúp cho cơ thể sản sinh ra các chất đề kháng, nói cách khác, cơ thể đã tự tạo cho mình tính miễn dịch. Đây là hình thức miễn dịch chủ động và nhân tạo nhằm chống lại tác nhân gây bệnh nào đó.
Nguyên tắc sử dụng
Không phải bệnh nào do tác nhân vi sinh vật gây ra đều đã có vắc-xin tiêm phòng. Sau đây là các bệnh truyền nhiễm thường gặp và có khả năng lây lan cao trong cộng đồng, đã có vắc-xin tiêm phòng: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, quai bị, rubella, viêm não Nhật Bản, viêm gan B, Viêm màng não mủ, viêm phổi - viêm tai do phế cầu, cúm mùa (Hemophilus influenza) và thương hàn. Và vấn đề thời sự hiện nay, thu hút sự quân tâm của toàn thế giới là vắc-xin phòng dịch Covid-19.
Nhìn chung, các loại vắc-xin được đưa vào sử dụng là an toàn, ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ xảy ra thường nhẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp hiếm hoi thì một cơ thể sau khi tiếp nhận vắc-xin đã có phản ứng dữ dội đe dọa đến sự sống còn, nhất là ở những cá thể có một bệnh nền nào đó. Việc sử dụng vắc-xin cũng như sử dụng thuốc điều trị, cần tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định.
Các nguyên tắc sử dụng vắc-xin: Tiêm chủng đúng đối tượng; Bắt đầu tiêm đúng lúc, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm, tiêm nhắc lại đúng thời điểm; Tiêm chủng trên phạm vi diện rộng đạt tỉ lệ cao; Tiêm đúng liều lượng, đường tiêm và đúng kỹ thuật; Bảo quản vắc-xin đúng quy định; Nắm vững cách xử trí và đề phòng các phản ứng bất lợi xảy ra.
Tác dụng phụ và cách xử trí
Các tác dụng phụ do vắc-xin gây ra có thể từ nhẹ nhàng thường thấy đến hạn hữu, hiếm gặp là phản ứng phản vệ (anaphylaxis) gây tử vong. Sau đây là các biểu hiện mang tính phổ biến: Đau tại vị trí tiêm; Có thể sưng và đỏ da vùng tiêm; Sốt nhẹ hoặc run lạnh; Cảm giác mệt và nhức đầu; Cảm giác buồn nôn và nôn; Đau mơ hồ hoặc rõ rệt ở các cơ và khớp.
Đây là phản ứng phản vệ, còn gọi là phản ứng dị ứng. Tuy hiếm khi xảy ra, nhưng đây lại là tác dụng phụ nặng nề nhất, vì đe dọa đến tính mạng người được tiêm vắc-xin. Đặc biệt, ở những người có sẵn một hoặc vài bệnh lý đang mắc.
Phản ứng dị ứng nặng có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngay tại chỗ và nơi theo dõi, điều trị cuối cùng là tại các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị cần thiết.
Thông thường, tác dụng phụ do vắc-xin gây ra đều nhẹ nhàng và tự khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị hoặc chăm sóc gì đặc biệt. Các trường hợp bị sốt, nhất là ở trẻ em cần lau mát, mặc quần áo mỏng, không đắp chăn kín, cho uống thêm nước và uống thuốc hạ sốt.
Tốt nhất đo thân nhiệt, nếu nhiệt độ >38,5oC thì cho uống thuốc hạ sốt. Cần liên lạc với nơi tiêm vắc-xin, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn thêm.
Vắc-xin phòng dịch Covid-19
Do tính chất thời sự của vấn đề, nên xin được nói riêng về loại vắc-xin vừa được đưa vào sử dụng phòng chống dịch Covid-19 toàn cầu hiện nay.
Đó là các loại vắc-xin AstraZeneka, Pfizer-BioNtech, Janssen Covid-19, Moderna Covid-19, Spoutnik-V... Hiện Việt Nam đã cấp phép lưu hành 2 loại vắc-xin AstraZeneka (Anh) và Sputnik-V (Nga).
Số liều cần tiêm và khoảng cách thời gian tiêm phụ thuộc vào khuyến cáo của nhà sản xuất. Hiện, tại các quốc gia chỉ tiêm phổ biến cho người từ 18 tuổi trở lên. Đó là vắc-xin AstraZeneka: Tiêm 2 liều, cách nhau 4 - 12 tuần.
Vắc-xin Pfizer-BioNtech (Mỹ): Tiêm 2 liều, cách nhau 3 tuần. Vắc-xin Moderna Covid-19 (Mỹ): Tiêm 2 liều, cách nhau 4 tuần. Vắc-xin Janssen Covid-19 (Mỹ): Tiêm 1 liều duy nhất. Vắc-xin Sputnik-V: Tiêm 2 liều, cách nhau 3 tuần.
Lưu ý: Các nhà sản xuất vắc-xin và các chuyên gia khuyến cáo người tiêm mũi 2, tốt nhất đúng thời gian quy định, không nên tiêm liều thứ 2 sớm hơn vì sẽ không tạo miễn dịch tốt. Trong trường hợp không thể tiêm đúng hạn vì lý do nào đó thì thời điểm tiêm mũi 2 có thể chậm hơn, nhưng không được quá 6 tuần (tức 42 ngày).
Ngoài ra, hiện có một số loại vắc-xin phòng dịch Covid-19 khác đã được chấp thuận và đưa vào sử dung tại một số quốc gia như Sinovac (Trung Quốc), Covaxin (Ấn Độ), Curevac (Đức).