Chuyên ngành cô theo học là giáo dục mầm non. Càng được tiếp cận sâu với nền giáo dục trẻ em tại Úc, Trang càng quyết tâm sẽ mang nó về áp dụng tại quê nhà, nơi những đứa trẻ còn chịu nhiều thiệt thòi. Điều Trang tâm đắc nhất trong 4 năm du học tại xứ sở Kangaroo chính là trẻ em nơi đây phải học cách tự lập từ nhỏ, cách cha mẹ và giáo viên ở đây quan tâm để những đứa trẻ cũng rất đặc biệt.
Cô nhớ mãi bài học đầu tiên của mình khi mới chân ướt chân ráo vào trường. Ngày hôm đó Trang được thực hành tại một lớp mẫu giáo quốc tế. Quan sát thấy một cô bé người Ấn Độ đang chật vật với mái tóc bị rối tung, Trang nhanh nhẹn chạy tới định giúp cô bé, nhưng ngay lập tức, giám thị kéo giật Trang lại với thái độ vô cùng nghiêm khắc: “Tôi sẽ báo cáo với hiệu trưởng về hành vi của cô”.
Trang ngơ ngác không hiểu chuyện gì, giám thị cư xử như thể cô vừa bạo hành trẻ em vậy, trong khi cô chỉ muốn giúp đỡ đứa bé. Mãi sau này Trang mới hiểu, giáo viên ở đây không được phép can thiệp vào việc riêng của học sinh, đặc biệt nếu đó là công việc chúng đang cố gắng tự thực hiện. Kể từ những sai lầm ngô nghê ấy, Trang càng thêm yêu thích ngành học của mình. Nhưng chẳng ai ngờ, khi về nước, Trang không hề bắt tay vào việc mở trường mẫu giáo với mô hình “chuẩn Úc”, thay vào đó, cô quyết định… lấy chồng.
Người “sốc” nhất với quyết định của Trang chính là Hạnh - chị gái cô. Hạnh là người động viên Trang đi du học khi thấy em gái vẫn còn dùng dằng chuyện yêu đương. Hạnh khuyên: “Cơ hội không tìm đến mình quá nhiều lần trong đời, em nhất định phải đi du học, ở môi trường mới và hiện đại, em sẽ thay đổi, sau này em còn có thể mang những điều tốt đẹp ấy về đây chia sẻ với mọi người cơ mà”.
Chớp mắt một cái, Trang đã trở về và nhanh chóng khoác lên mình bộ váy cưới. Hạnh không biết mình có nên chúc mừng em gái hay không. Cô cảm thấy tiếc cho cơ hội của Trang. Thấu hiểu nỗi lòng chị gái, Trang khẳng định: “Chị ơi, chị đừng suy nghĩ nhiều nữa, kết hôn là điều khiến em cảm thấy hạnh phúc mà, em sẽ sớm sinh con và sẽ chăm sóc, dạy dỗ chúng thật tốt. Những gì được học, em sẽ không bao giờ quên. Em muốn con của mình sẽ là những đứa trẻ đầu tiên được thụ hưởng phương thức giáo dục tốt nhất. Em hứa em sẽ là một bà mẹ bỉm sữa hiện đại…”.
Lời hứa chắc như đinh đóng cột của Trang khiến Hạnh an tâm phần nào. Cô không còn ác cảm với chuyện Trang vội vã kết hôn khi vừa du học về nữa. Thời gian thấm thoắt trôi, 9 năm sau, Trang đã là mẹ của 2 đứa trẻ. Không những thế, cô còn rất bận rộn với công việc kế toán tại một công ty tư nhân.
Rõ ràng đây là một công việc chẳng hề liên quan đến lĩnh vực Trang từng học. Cuộc sống bận rộn, 2 chị em không mấy khi gặp nhau. Quá nhớ Trang và các cháu, Hạnh quyết định đến nhà Trang vào một buổi tối mà không báo trước. Thêm một lần nữa, Hạnh lại được phen “choáng váng” về em gái mình.
Trang quá bận rộn, cô phải mang cả việc ở công ty về nhà làm, 2 đứa trẻ thì không ngừng cãi vã nhau. Trang kể: “Mỗi chiều đón 2 đứa đi học về, em để chúng tự chơi với nhau và tranh thủ làm nốt việc tồn”. Miệng kể, nhưng mắt Trang vẫn dán chặt vào màn hình máy tính. Hạnh góp ý vài câu nhưng Trang quá tập trung vào công việc, cô không nghe thấy chị gái nói gì nữa.
Chốc chốc Hạnh lại nghe tiếng thằng bé: “Mẹ ơi, anh Ken không cho con chơi”, rồi đến tiếng thằng lớn: “Cái này của anh chứ đâu phải của em”. Giành qua giành lại rồi tiếng thằng em khóc ré lên. Đang dở tay, Trang quát tháo: “Ken, sao vậy con? Con lớn rồi phải biết nhường nhịn cho em chứ!”. Ken ấm ức khóc: “Đây là đồ chơi của bạn cùng lớp cho con mượn mà. Cái gì nó cũng đòi. Mẹ thì lúc nào cũng bênh nó”. Nói xong, thằng lớn quệt nước mắt rồi lầm lũi đi vào phòng riêng.
Thay vì chạy đến xoa dịu 2 đứa, Trang vẫn tiếp tục bổ 10 ngón tay trên bàn phím. Hạnh tỏ thái độ nghiêm nghị: “Trang ơi, nói chuyện với chị một lát được không?”. Trang trả lời mà không chịu ngước lên: “Vâng, chị cứ nói đi, em vẫn đang nghe mà”. Hạnh lắc đầu: “Không, em chưa bao giờ nghe chị cả, chị đã quan sát rất nhiều lần rồi. Em mà cứ thế này thì rồi sẽ đến lúc em đánh mất cả 2 đứa trẻ”.
Lúc này Trang mới chịu ngước lên: “Chị vừa nói cái gì vậy? Em và con em làm sao nào?”. Hạnh giải thích: “Chị biết, mẹ nào cũng thương con. Nhưng chị để ý, từ ngày có Ben, cách cư xử của em với Ken không được như trước nữa. Ken là anh, nó phải nhường nhịn em là chuyện đương nhiên, nhưng nó cũng cần được yêu thương và được đối xử công bằng. Chị thấy, khi nói chuyện với Ben, em luôn nhẹ nhàng, nhưng với Ken lại khác, lúc nào em cũng gắt lên với nó. Em cứ nghĩ mà xem, hơn ai hết, cha mẹ cần gần gũi, quan tâm và chia sẻ trước sự phân bì, ganh tỵ xảy ra giữa trẻ. Không nên la mắng, chê trách vì khi trẻ ghen tỵ, chúng sẽ mang mặc cảm mình là đứa trẻ xấu. Trẻ sẽ che giấu cảm xúc thật của mình, sống khép kín hoặc có trẻ thì ngược lại, tỏ ra bất cần, chống đối để khẳng định mình… Đừng tưởng trẻ nhỏ thì không biết gì, tuổi này đặc biệt nhạy cảm nên em phải hết sức khéo léo. Em còn nhớ không, ngày trước em hứa với chị, rằng em sẽ là một bà mẹ hiện đại, chẳng lẽ đây là những gì em đã được học sao?”.
Lời góp ý thẳng thắn của chị gái giống như một dòng nước lạnh dội thẳng lên đầu Trang khiến cô tỉnh táo trở lại: “Ừ nhỉ! Em tệ quá phải không chị? Tại công việc cứ cuốn em đi, chứ em đâu muốn thế. Giờ em phải làm thế nào hả chị? Thằng Ken quá bướng bỉnh, thằng Ben thì suốt ngày đành hanh, em phát điên vì chúng nó mất”.
Hạnh cố gắng mềm mỏng để Trang có thể bình tĩnh trở lại: “Khóa nào cũng có chìa em ạ, con trẻ là vậy đó, ngày xưa chị em mình cũng bao phen làm bố mẹ điên đầu đấy thôi. Chị nghĩ điều quan trọng là em cần dành nhiều thời gian hơn để ở bên các con, công việc cứ tạm gác lại, em cần xác định điều gì quan trọng hơn với mình lúc này. Khi đầu óc em được thư giãn, những kiến thức về giáo dục trước kia em từng được học sẽ nhanh chóng quay trở lại. Hãy cho những đứa trẻ của em được thừa hưởng điều tốt đẹp mà em từng hứa nhé”.