Đây, lời chúc Tết tây bằng các thứ tiếng Âu Mỹ:
* Anh:Happy New Year
* Pháp: Bonne Anné
* Ý: Felice anno nuovo
* Tây Ban Nha: Feliz año nuevo
* Bồ Đào Nha: Feliz Ano Novo
* Latinh: New Anno Felix
* Đức: Frohes neues Jahr
* Rumani: An Nou Fericit
* Latvia: Laimīgu Jauno gadu
* Estonia: Head uut aastat
* Phần Lan: Hyvää uutta vuotta
* Ba Lan: Szczęśliwego Nowego Roku
* Hà Lan: Gelukkig nieuwjaar
* Na Uy, Thụy Điển: Gott nytt år
* Đan Mạch: Godt nytår
* Hy Lạp: Ευτυχισμένο το νέο έτος
* Nga: С новым годом
*Ukraina: Щасливого Нового року
Ngôn ngữ mang tính quy ước. Theo đó, các lời chúc Tết tây vừa dẫn chẳng thể thay thế các lời chúc Tết ta bằng tiếng:
* Việt: Chúc mừng năm mới
* Hoa: 恭祝新春 /Gōng zhù xīnchū/ Cung chúc tân xuân
* Mông Cổ: Шинэ жилийн мэнд хүргье / Shine jiliin mend khürgiye/ Chúc mừng năm mới
* Triều Tiên / Hàn Quốc: 새해에는늘건강하시고즐거운일만가득하길기원합니다 / Saehaeeneun neul geonganghasigo jeulgeoun ilman gadeughagil giwonhabnida / Chúc mọi điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Tất nhiên, Tết tây (chính thức ngày 1 tháng 1 dương lịch) và Tết ta (chính thức mùng 1 tháng giêng âm lịch) chẳng trùng ngày Tết nhiều cộng đồng khác như Chol Chmam Thmay là Tết Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka (chính thức rằm tháng tư âm lịch); như Rosh Hashanah là Tết Do Thái (ngày đầu tiên của tháng đầu tiên năm dân sự Hebrew); ...
Chúc mừng năm mới dành cho Tết ta, Happy New Year dành cho Tết tây: Quy ước dụng ngữ chưa chặt chẽ |
Cũng thêm tất nhiên nữa là tùy từng quốc gia, Tết diễn ra rầm rộ theo dân tộc đông nhất, bên cạnh đó vẫn còn những ngày Tết khác của dân tộc thiểu số. Chẳng hạn Việt Nam ăn Tết Nguyên đán / Chính đán / Chánh đán rất trọng thể theo phong tục dân tộc Kinh, cũng trùng ngày Tết của các dân tộc Mường, Tày, Nùng, Thái, Hoa..., tuy nhiên các dân tộc Hmông / Mèo, Hà Nhì,Pakô, Chăm, J’rai, M’nông, Bana, Xêđăng, Khmer, v.v., lại ăn Tết không trùng ngày Tết Nguyên đán.
Tết tây và Tết ta dẫu khác nhau, song vẫn ảnh hưởng qua lại theo xu hướng giao lưu văn hóa.
Các lời chúc nói chung, chúc Tết nói riêng, người Hoa gọi 吉祥話/ cát tường thoại. Bên cạnh các cát tường thoại quen thuộc như 恭祝新春 /Gōng zhùxīn chū/Cung chúc tân xuân và恭賀新禧/ Gōng hè xīn xǐ / Cung hạ tân hy, người Hoa còn chúc Tết Nguyên đán bằng câu 新年快樂(乐)/ Xīn nián kuài lè / Tân niên khoái lạc. Mà Tân niên khoái lạc lại dịch từ lời chúc tiếng Anh Happy New Year.
Tết tây, rất nhiều nơi ngân vang ca khúc Happy New Year có thờilượng 4 phút 23 giây do ban nhạc Thụy Điển lừng danh ABBA sáng tác, trình diễn, và phát hành băng đĩa lần đầu tiên vào năm 1980:
No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
Bài hát này nguyên tác ca từ tiếng Anh đã được đặt lời bằng nhiều ngôn ngữ hầu tiện phổ biến, có tiếng Việt do nhiều người lần lượt soạn mà đây là phiên bản với nhan đề Chúc mừng năm mới hiện được lưu truyền rộng rãi:
Xin chúc cho mọi nhà
Cùng người thân hân hoan đón xuân
Năm cũ đi, năm mới sang
Đón thêm bao tin vui
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam là ông Ambassador Pereric Högberg cùng phu nhân Anna Högberg đã hát phiên bản tiếng Việt ca khúc vừa nêu, với sự phụ diễn và hát bè bởi ca đoàn “nhí” của Trung tâm Sol Art, phần hòa âm phối khí do khoa Nhạc Jazz Học viện Âm nhạc Quốc gia thể hiện, đã được Đài Truyền hình Việt Nam / Vietnam Television (VTV) ghi tiếng ghi hình rồi phát trên kênh 4 dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Cũng có những bài hát nước ngoài chẳng tập trung đề cập Tết nhất nhưng được chuyển ca từ Việt ngữ theo hướng xuân hóa, chẳng hạn mấy ca khúc tiếng Pháp sau.
Cerisier rose et pommier blanc, nhạc của Louiguy, lời Pháp của Jacques Larue, nhan đề mang nghĩa Đào hồng và táo trắng, phiên bản tiếng Việt với nhan đề Cánh bướm vườn xuân do Phạm Duy soạn lời. Le géant de papier / Chàng khổng lồ bằng giấy của Jean-Jacques Lafon được nhạc sĩ Lữ Liên soạn ca từ Việt ngữ với nhan đề Lạc mất mùa xuân.
Còn T’as le look, coco do Marco Attali và Richard Sanderson sáng tác, được nam danh ca Laroche Valmont thể hiện xuất sắc từ năm 1984; bài hát lời Pháp ngập tràn tiếng lóng, nhan đề có thể hiểu “Xinh dáng đó, cưng” lại được soạn lời Việt lần lượt bởi Lê Đức Cường / Quỳnh Giang với nhan đề Xuân yêu thương, còn Hồ Ngọc Hà chọn nhan đề Mùa xuân yêu thương. Những phiên bản tiếng Việt các ca khúc kia lâu nay đã được thể hiện trên sân khấu cùng làn sóng phát thanh và truyền hình vào dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ lời chúc cùng ca khúc, sự chuyển biến Tết ta và Tết tây còn triệt để hơn, mà trường hợp Nhật Bản rất đáng kể: Từ nửa cuối thế kỷ XIX, cụ thể là năm 1873 đến nay, xứ sở hoa anh đào không ăn Tết âm lịch như bao thế hệ tiền nhân Nhật Bản nữa, mà thống nhất ăn Tết dương lịch.