Lời cảnh báo ám ảnh

GD&TĐ - Hàng trăm nghìn người Pháp xuống đường tại nhiều thành phố mang theo khẩu hiệu ủng hộ giáo viên bị tín đồ Hồi giáo cực đoan sát hại dã man.

Lời cảnh báo ám ảnh

Sự kiện gợi nhớ 5 năm trước sau khi xảy ra vụ tấn công một tạp chí vì lý do tương tự và cho thấy mâu thuẫn về tư duy liên quan đến tôn giáo vẫn chưa thể thay đổi.

Mọi việc bắt đầu hôm 16/10 khi thầy giáo Samuel Paty tại Trường Bois de’Aulne, ngoại ô Paris, lấy những bức biếm họa nhà tiên tri Muhammad trên tờ Charlie Hebdo để minh họa bài giảng về tự do ngôn luận cho học sinh ở độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi. Sự việc này ngay lập tức khiến một số phụ huynh Hồi giáo bức xúc và làm đơn khiếu nại giáo viên.

Ngay hôm đó, một thanh niên 18 tuổi gốc Chechnya đã dùng dao đâm chết và chặt đầu thầy giáo Samuel Paty ngay trên phố. Thủ phạm nhanh chóng bị lực lượng cảnh sát tiêu diệt tại chỗ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong trạng thái xúc động mạnh gọi đây là một vụ tấn công khủng bố của Hồi giáo cực đoan nhằm vào công dân Pháp.

Cả nước Pháp bị sốc trước hình ảnh man rợ xảy ra ngay tại Pari mà trước đây họ chỉ thấy trên các video của các nhóm khủng bố cực đoan. Chỉ hai ngày sau vụ việc, làn sóng tuần hành rầm rộ nổ ra trên khắp các thành phố lớn của nước Pháp như Paris, Bordeaux, Toulouse, Lyon, Marseille… bất chấp bối cảnh nước này đang thắt chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Đặc biệt tại thủ đô Paris, cuộc tuần hành có sự tham gia của Thủ tướng Pháp Jean Castex và Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cùng nhiều quan chức cao cấp khác. Thông điệp của ông Jean Castex đại diện cho thái độ của những người Pháp khi xuống đường: “Các người không thể khiến chúng tôi sợ hãi và không thể chia rẽ chúng tôi”.

Hàng trăm nghìn người Pháp xuống đường với khẩu hiệu “Tôi là Samuel” nhằm ủng hộ người giáo viên xấu số và phản đối chủ nghĩa cực đoan. Sự kiện này làm thế giới nhớ lại cuộc tuần hành lịch sử tại Pháp và nhiều nơi trên thế giới hồi tháng 1/2015, sau vụ hai tên khủng bố xông vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo xả súng sát hại 12 người vì tạp chí này đăng các bức biếm họa về nhà tiên tri Muhammad. 

Cũng giống như sự kiện 5 năm trước, Pháp lập tức có hành động mạnh tay với chủ nghĩa cực đoan nhằm bảo vệ công dân cũng như các giá trị về tự do và bình đẳng. Điện Elyssée sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm cấp quốc gia dành cho thầy giáo Samuel Paty vào ngày 21/10 tới, đồng thời tăng cường bảo vệ giáo viên khỏi các mối đe dọa tương tự.

Đặc biệt, chính quyền Pháp đã tuyên chiến với chủ nghĩa cực đoan khi tổ chức hàng loạt vụ đột kích, bắt giữ 11 người liên quan đến vụ chặt đầu man rợ và trục xuất 231 người nước ngoài có tư tưởng cực đoan. Những phản ứng mạnh tay này của chính quyền và làn sóng xuống đường của người dân không khác những gì đã diễn ra sau vụ thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.

Tuy nhiên, sau 5 năm dường như mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi. Vụ tấn công mới nhất như một lời cảnh báo đầy ám ảnh cho thấy nước Pháp sẽ tiếp tục phải đối mặt lâu dài với chủ nghĩa cực đoan đang xâm nhập ngày càng sâu hơn vào đời sống chính trị xã hội. Người dân sẽ vẫn gặp nguy hiểm nếu việc thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến Hồi giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ