Nhu cầu thuê trọ tăng
Những năm gần đây, quy mô đào tạo của các nhà trường ĐH ngày càng mở rộng, kéo theo sự gia tăng của sinh viên các địa phương đổ về thành phố học tập. Đây lại chính cơ hội kinh doanh bền vững của các hộ dân có phòng trọ cho SV thuê hiện nay.
Tại khu tập thể Viện Công nghệ Quân đội (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vợ chồng chị Bùi Thị Nam đã cải tạo căn nhà 3 tầng của mình lên 4 tầng, lắp thêm cầu thang sắt phía ngoài để cho SV thuê trọ, mỗi tháng cũng có thêm nguồn thu cả chục triệu đồng từ 6 phòng trọ, với “khách hàng” là các SV đang theo học tại Học viện Tài chính gần đó.
Tại làng Cốm Vòng và làng Cót thuộc địa bàn phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), nhiều gia đình có nguồn tiền thu rủng rỉnh, thu nhập cao từ nhà trọ SV. Nhà ít cũng dăm bảy triệu, nhà nhiều vài ba chục triệu, tùy thuộc vào số lượng phòng cho thuê, với giá dao động từ 1,7 - 2,5 triệu đồng/phòng/tháng. Theo anh Nguyễn Văn Khải, một chủ khu nhà trọ cho SV thuê tại làng Cốm Vòng, mỗi tháng gia đình anh có thu nhập khoảng 20 triệu đồng thu tiền cho thuê dãy nhà trọ, vốn được xây dựng cấp 4 ngay trên đất vườn của gia đình.
Mô hình thuê nhà trọ tập trung theo dãy phòng xây tự phát của người dân khá phổ biến, do giá thành rẻ, SV lại được ở ghép cùng bạn bè tự mình lựa chọn. Tuy vậy, cũng có không ít gia đình cầu kỳ, tìm kiếm những căn nhà riêng để thuê cho con ăn học, có thể là các anh chị em hoặc người thân ở ghép cùng.
Lối đi nhỏ hẹp vào khu nhà trọ SV trên đường Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Giá thuê bị đẩy cao
Nắm bắt nhu cầu cần thuê nhà trọ cho con cái khi ở xa về Hà Nội nhập học đầu năm, các chủ nhà trọ đã lợi dụng, đẩy tiền thuê cao hơn. Trương Thị Khánh Huyền, SV năm thứ 2 khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, quê ở huyện Văn Yên (Yên Bái), nhớ lại: Năm đầu tiên xuống Hà Nội, em và bố mẹ đi tìm nhà thuê trọ, đi đâu cũng bị đòi giá khá cao so với các thông tin trên mạng xã hội hoặc chia sẻ của các anh chị đi trước. Sau này mới biết hóa ra các nhà trọ biết là SV năm đầu, họ đòi giá cao hơn. Thường cũng có ít SV thuê trọ lâu dài ở một chỗ mà sau một thời gian sẽ chuyển tới nơi thuận tiện hoặc giá rẻ hơn.
SV ra trường hơn 90% bám trụ lại thành phố xin việc làm. SV mới lại nhập học với con số hàng chục nghìn người mỗi năm, trong khi ký túc xá các trường chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%. Do đó, nhu cầu thuê nhà trọ của SV ngày càng cao. Mà thực tế, số lượng nhà trọ cũng có hạn bởi đất chật người đông. Người thì sinh sôi nảy nở chứ đất thì không “đẻ” thêm được.
Giá phòng trọ cứ thế tăng theo từng năm, với lý do muôn thuở và khó ai kiểm chứng được là “trượt giá”. Với chi phí cuộc sống thành phố quá đắt đỏ, không ít SV tự tìm cách giảm bớt tiền thuê nhà trọ cho mình, bằng cách tìm thuê những khu vực vùng ven, cách xa các trường học (với mức giá rẻ hơn có khi chưa bằng 1/2 so với khu vực lân cận), chấp nhận đi lại bằng xe buýt hàng ngày để tiết kiệm.
Dẫu xoay bằng cách nào thì vào mỗi đầu năm học mới, hầu hết SV lại lo lắng với khả năng điều chỉnh giá của chủ nhà, để đón thêm những tân SV đổ về thành phố nhập học.